Tin tức Đời sống - xã hội

Xả stress sau ngày làm việc mệt mỏi bằng phương pháp thiền 4 bước cực dễ: Bí quyết để tâm hồn thư thái không ở đâu xa!

 

Thay vì ngủ, ăn, xem TV, hay tìm tới các loại hình giải trí để xả stress, bạn có thể chọn một phương pháp khác tiết kiệm và mang lại hiệu quả hơn, đó là tập thiền.

Thiền định mang lại rất nhiều lợi ích về mặt sức khỏe, giúp chúng ta giảm stress và duy trì một lối sống khỏe mạnh hơn. Nếu tập luyện thường xuyên, bạn sẽ tăng cường khả năng chịu đựng những căng thẳng phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Có rất nhiều phương pháp thiền khác nhau, nhưng sau đây là kỹ thuật cơ bản nhất mà những người mới bắt đầu thiền có thể học theo để sớm giải tỏa căng thẳng mỗi ngày.

 

Bước 1: Ngồi ở tư thế thoải mái

Có người thích ngồi trên ghế, có người lại thích ngồi khoanh chân dưới nền đất. Dù chọn cách nào, bạn cũng phải cảm thấy thoải mái với tâm trí hoàn toàn tỉnh táo.

Hãy đảm bảo rằng bạn ngồi đúng tư thế. Bạn sẽ tỉnh táo hơn trong suốt quá trình thiền nếu ngồi thẳng lực. Chỉ cần tập trung ngay từ đầu, bạn sẽ thấy quen và duy trì tư thế này cho đến những phút cuối cùng

Mẹo: Nếu bạn cảm thấy lưng mình oằn xuống, hãy ngồi thẳng trở lại. Tư thế thẳng lưng sẽ giúp bạn không bị nhức mỏi vì ngồi thiền quá lâu. Nếu bạn ngồi trên ghế, hãy ngồi về phía trước sao cho chân chạm sàn. Điều này sẽ cải thiện tư thế và giúp bạn tập trung vào việc tập thiền.

Xả stress sau ngày làm việc mệt mỏi bằng phương pháp thiền 4 bước cực dễ: Bí quyết để tâm hồn thư thái không ở đâu xa! - Ảnh 1.

 

Bước 2: Nhẹ nhàng nhắm mắt

Khi bạn đã ngồi ở một tư thế thoải mái, hãy nhìn xa xăm vào khoảng không trước mặt, rồi từ từ khép mắt lại. Miệng thả lỏng, hơi mở nhẹ. Bạn nên thư giãn toàn bộ cơ mặt của mình.

Mẹo: Bạn không nên nhắm chặt mắt quá. Nếu cảm thấy mặt bị căng cứng, hãy từ từ mở mắt ra, tập trung lại vào xa xăm rồi khép mắt lại. Ở bước này, mục tiêu của bạn là thả lỏng mọi bộ phận trên cơ thể. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, hãy thở một hơi thật sâu để thả lỏng.

Bước 3: Thư giãn đầu óc

Đây là bước mà bạn sẽ phải luyện tập nhiều lần và có thể khiến bạn bực bội. Giữ cho tâm trí được thư giãn là công đoạn quan trọng nhất và cũng thách thức nhất khi tập thiền. Nếu làm được bạn sẽ biết cách buông bỏ mọi phiền muộn phải đối mặt trong cuộc sống.

Mục đích của kỹ thuật này là để giúp bạn không quá nghĩ ngợi về mọi thứ. Nếu bạn cảm thấy có quá nhiều giọng nói vang lên trong đầu mình, hãy nhẹ nhàng “xua đuổi” chúng và tìm đến sự tĩnh lặng tuyệt đối.

Mẹo: Đừng nản lòng nếu bạn không thể hoàn toàn khiến tâm trí thông suốt. Tâm trí con người luôn đầy ắp các suy nghĩ, vậy nên, ngay cả những người tập thiền lâu năm cũng phải đấu tranh với tiếng nói nội tâm. Bạn cần tìm ra những suy nghĩ này sau đó nhẹ nhàng “xua đuổi” đi (kể cả khi vài giây sau nó đã quay lại).

Bước 4: Tiếp tục cố gắng

Hãy tiếp tục loại bỏ những suy nghĩ không cần thiết cứ xuất hiện trong đầu bạn. Khoảng yên lặng giữa những suy nghĩ ấy sẽ ngày một lâu hơn, cũng như xuất hiện thường xuyên hơn nếu bạn tập đều đặn.

Xả stress sau ngày làm việc mệt mỏi bằng phương pháp thiền 4 bước cực dễ: Bí quyết để tâm hồn thư thái không ở đâu xa! - Ảnh 2.

 

Một vài mẹo giúp bạn tập thiền dễ dàng hơn

1. Dành thời gian cho thiền

Tập thiền đòi hỏi bạn phải nỗ lực rất nhiều. Nếu bạn bắt mình phải tập thiền một cách “hoàn hảo”, bạn sẽ chỉ càng thấy stress thêm thay vì nhẹ nhõm. Không có phương pháp nào là “hoàn hảo” cả, vậy nên đừng quá cầu toàn. Bạn sẽ chỉ khiến bản thân thất vọng và nản chí.

2. Bắt đầu từ những bài tập nhỏ và tăng dần thời gian tập

Nếu mới bắt đầu, hãy tập thiền ngắn trong khoảng 5 phút. Sau khi bạn đã cảm thấy thoải mái hơn, nâng dần lên mức 10-15 phút cho tới khi bạn sẵn sàng để ngồi thiền suốt 30 phút dài.

Chỉ cần bạn chăm chỉ luyện tập, phương pháp thiền này sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Dần dần, bạn sẽ thấy thoải mái và thư giãn hơn, sẵn sàng đối mặt với những ngày làm việc tiếp theo.

Xả stress sau ngày làm việc mệt mỏi bằng phương pháp thiền 4 bước cực dễ: Bí quyết để tâm hồn thư thái không ở đâu xa! - Ảnh 3.

3. Theo dõi thời gian và đặt ra mục tiêu

Khi thiền, bạn thường không để ý đến thời gian. Đối với người mới bắt đầu, 2 phút cũng dài như vô tận. Điều này khiến bạn lo lắng: “Liệu đã hết thời gian chưa?” hay “Liệu tôi đã thiền đủ lâu chưa?” Những suy nghĩ trên khiến bạn không thể thư giãn đầu óc được.

Để vượt qua trở ngại này, bạn cần có một chiếc đồng hồ đếm giờ. Hãy dùng ứng dụng trên điện thoại và đặt giờ bạn sẽ thiền xong. Đừng quên chọn một bản nhạc nhẹ nhàng làm chuông hoặc để chế độ rung. Như vậy, bạn sẽ không bị giật mình khi hết giờ, mà chỉ cần tắt màn hình và thư giãn.

Sau này khi quen, bạn sẽ thấy mình thốt lên: “Ồ, đây là 10 phút rồi sao? Tôi có thể tập lâu hơn!” Lúc đó, bạn không cần đồng hồ đếm giờ nữa và tập thiền trong bao lâu tùy thích.

4. Thay đổi phương pháp thiền nếu cần

Nếu phương pháp đang tập khiến bạn bực bội và nản lòng, hãy mạnh dạn chuyển sang các phương pháp khác mà bạn cảm thấy dễ chịu hơn, chẳng hạn như kiểu thiền thở karate.

 

Theo Trí thức trẻ