Tin tức Đời sống - xã hội
“Đại dịch” đáng sợ của cánh cửa 25-30 tuổi: Người thì không đủ thời gian chăm chỉ, kẻ vẫn cứ ngông nghênh chơi chẳng sợ gì
Không chăm chỉ hơn nữa ở thời gian tuyệt vời nhất thì khi đến lúc khó khăn nhất, rất nhiều người mới giật mình nhận ra, bản thân hoàn toàn chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với rắc rối cuộc đời.
1.
Đại đa số chúng ta trong ngày nghỉ đều thuộc tình trạng này: 10 giờ sáng mới đầu bù tóc rối rời giường, 11 giờ lại chui lên giường nằm nghịch điện thoại, 12 giờ bắt đầu chuẩn bị ăn uống, sau khi ăn xong thì cắm mặt vào tivi hoặc máy tính để xem phim, chơi điện tử.
Nếu được hỏi: Có kỳ nghỉ thì bạn sẽ làm gì?
Chúng ta dễ dàng hồi đáp mà không cần suy nghĩ: Đương nhiên là ăn, ngủ, nghỉ, chơi, ngày nghỉ mà, còn phải làm gì nữa?
Có người từng nói rằng, “Cách nhanh nhất để hủy diệt một người chính là để anh ta ngồi không”. Khi có quá nhiều thời gian để lãng phí, anh ta sẽ cảm thấy sự tồn tại của mình trở nên trống rỗng và tầm thường vô vi.
Thời gian càng dài, tư duy của anh ta càng lệch lạc, những dục vọng và ham muốn tiêu cực trỗi dậy. Lúc đó, họ sẽ sẵn sàng đắm chìm hết thảy để đạt được sự thỏa mãn nhất thời. Họ có thể chơi bời không biết tiết chế, đau lưng mỏi tay cũng không dừng, hoặc “cày” phim thâu đêm suốt sáng, mặc cho cả ngày hôm sau đau đầu mỏi mắt vì thiếu ngủ.
Suy cho cùng, càng nhàn rỗi, con người càng dễ dàng sa đọa.
2.
Vài ngày trước, một app giải trí của Trung Quốc ra mắt thị trường đã ngay lập tức trở thành chủ đề hot nhất trên mạng xã hội Weibo vì lượng truy cập khổng lồ, dẫn đến quá tải ngay khi vừa đưa vào hoạt động.
Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, các kỳ nghỉ kéo dài vô thời hạn, học sinh, sinh viên và rất nhiều người đi làm đều nghỉ ở nhà. Do đó, thời gian rảnh rỗi tăng lên gấp bội, họ càng chú ý nhiều hơn tới các hoạt động giải trí.
Không ít người chia sẻ rằng, ngày nghỉ chính là dậy thì chơi game, đói thì ăn cơm, mệt rồi đi ngủ, thế là hết ngày. Quả thật, số liệu đăng nhập tại một số trò chơi trong kỳ nghỉ có thể đạt tới 800-1.500 triệu người dùng mỗi ngày.
Không cần phân tích đâu xa, chỉ nhìn vào số liệu này, người ta có thể dễ dàng nhận ra hàng trăm triệu người trẻ đang không hẹn mà gặp, cùng lựa chọn tiêu phí thời gian trong vô số trò chơi điện tử khác nhau.
Nếu đó chỉ là vài phút giải lao thư giãn sau một thời gian mệt mỏi thì không phải vấn đề lớn, nhưng thực tế là rất nhiều thanh thiếu niên đã vượt qua giới hạn ấy. Họ ký thác toàn bộ tinh lực của cả kỳ nghỉ vào việc chơi bời, quên hết tất cả để hưởng thụ sự vui sướng nhất thời.
Tác giả nổi tiếng đoạt giải Nobel Văn học người Pháp Roman Roland từng nói rằng: “Gánh nặng lớn nhất trong cuộc sống không phải là công việc, mà là nhàm chán”.
Khi một người nhàm chán đến cực điểm, ở đâu có vui, ở đó có họ, dù phải mặc kệ tất cả để đánh đổi lấy niềm vui ngắn hạn.
3.
Trong khi vô số người đắm chìm bản thân trong đó, không thể thoát ra, vẫn có rất nhiều người luôn giữ tỉnh táo và tự giới hạn bản thân mình trong khuôn khổ của kỷ luật tự giác. Một cư dân mạng 25 tuổi đã chia sẻ danh sách việc làm của mình lên trang cá nhân với những nội dung như sau:
– 6 giờ sáng thức dậy, chạy bộ hoặc tập thể dục, tắm giặt rồi ăn sáng đầy đủ để tăng cường khả năng miễn dịch
– Kiên trì học tập, chủ động mở rộng các sở thích cá nhân
– Xem xét lại thời gian vừa qua đã đạt được những gì, cần cải thiện những gì và phát huy những gì
– Đọc hết những cuốn sách kinh điển đã mua
– Trân trọng thời gian ở bên người thân, thường xuyên giữ liên lạc và trao đổi tình hình đời sống với gia đình, bạn bè
– Học được cách nói lời cảm ơn và xin lỗi chân thành
– Nghe nhạc nửa giờ mỗi ngày, xem một vài bộ phim ý nghĩa để giải trí
Kế hoạch này không dài, nhưng đầy đủ rõ ràng những gì nên làm, vừa thỏa mãn cả nhu cầu giải trí lẫn rèn luyện và phát triển bản thân. Kỳ thực, phóng túng bản thân vô cùng dễ dàng, chỉ cần một ý niệm trong đầu mà thôi. Ngược lại, kỷ luật tự giác lại là mục tiêu cần vô số nỗ lực và kế hoạch để xây dựng nên.
Cuối cùng, bạn sẽ phát hiện ra, có quá nhiều người thua cuộc trước ý niệm cá nhân, đánh mất kỷ luật tự giác, từ đó mới tầm thường cả đời. Trong khi đó, có những người ngày ngày cố gắng, chỉ lo không có đủ thời gian để chăm chỉ, nỗ lực hoạch định từng chi tiết cho con đường phát triển dài hạn trong tương lai.
Do đó, đạt được kỷ luật tự giác mới là sự hưởng thụ lớn nhất cuộc đời.
4.
Một giáo sư tâm lý học tại Đại học Stanford đã thực hiện một thí nghiệm. Ông dẫn những đứa trẻ 4 tuổi vào một căn phòng, đặt trước mặt mỗi bé một viên kẹo dẻo rất ngon và bảo rằng: “Thầy đã cho mỗi em 1 viên kẹo dẻo, các em có thể ăn luôn, hoặc đợi thầy 15 phút. Nếu sau 15 phút mà thầy trở về, viên kẹo vẫn còn nguyên, các em có thể lấy thêm mỗi người một cái nữa, như vậy là có hai cái tất cả.”
Nói xong, giáo sư lập tức rời khỏi phòng. Hai chiếc máy quay ẩn đặt trong phòng bắt đầu khởi động, ghi lại hành động của bọn trẻ. Chỉ trong 5 phút đầu tiên đã có 2/3 trong số đó ăn hết miếng kẹo. Trong 10 phút tiếp theo, cũng có một vài đứa trẻ không kìm nén được nữa.
Tuy vậy, vẫn có một số ít hoàn toàn không động tới. Mặc dù mới chỉ 4 tuổi, những đứa trẻ này đã hiểu được một nguyên tắc quan trọng nhất để thành công, đó chính là trì hoãn sự thỏa mãn để đạt được thành tựu lớn hơn gấp đôi.
Hai mươi năm sau, khi những đứa trẻ đó đã 24 tuổi, vị giáo sư đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ khác để lấy thông tin về tính cách, đời sống và khả năng phát triển của chúng. Ông phát hiện ra rằng, 2/3 trong số đó trở nên kiêu ngạo, bướng bỉnh, tự cao tự đại, hoặc tự ti xấu hổ. Còn một số ít những đứa trẻ giỏi chờ đợi lúc trước đã trưởng thành một thanh niên đáng tin, mạnh mẽ, có kỹ năng xã giao, cũng có năng lực cạnh tranh xã hội dù chỉ mới ở vào giai đoạn khởi đầu của tuổi trẻ.
Những niềm nhất thời chỉ có thể đem tới cảm giác hạnh phúc trong chớp mắt cho chúng ta. Còn năng lực trì hoãn sự thỏa mãn lại có thể giúp chúng ta đạt tới những hạnh phúc bền vững, lâu dài hơn.
Hãy nhớ rằng, tuổi trẻ chớp mắt sẽ qua, năng lượng và nhiệt huyết của thanh xuân cũng có lúc cạn kiệt. Cứ lãng phí tinh lực của bản thân ở vào giai đoạn tuyệt vời nhất thì khi đối mặt với thời điểm khó khăn nhất, chúng ta mới phát hiện bản thân hoàn toàn chưa chuẩn bị đủ năng lực để đối phó với nó.
Chỉ có những ai lựa chọn nỗ lực, cố gắng, trả giá mồ hôi công sức nhiều hơn mới có càng nhiều cơ hội để bứt phá, vượt lên trên những kẻ khác.
Theo Trí thức trẻ