Tin tức Đời sống - xã hội

Từ bỏ thói quen để điện thoại cạnh giường mỗi tối, tôi không ngờ cuộc sống lại trở nên tươi đẹp đến thế: Càng biết sớm, càng lợi mình!

 

Mỗi khi không ngủ được, tôi lại bật điện thoại lên để bắt đầu cuộc hành trình khám phá thế giới rộng lớn trên Internet. Nhưng tôi biết mặt trái của việc lướt điện thoại giữa nửa đêm như vậy…

 

 

Khi còn bé, tôi cứ nghĩ rằng ma quỷ thì đến từ bóng tối. Sau này, tôi mới biết rằng thật ra chúng đến từ chính ánh sáng. Giống như bạn, tôi cũng điều khiển cuộc sống của mình bằng chiếc “siêu máy tính” luôn nằm gọn trong túi quần. Đến tối, tôi sẽ đặt nó dưới gối và cố gắng đẩy nó ra khỏi đầu mình – thứ ánh sáng xanh giống như một cánh cửa mở ra thế giới khác.

Mạng xã hội rất phù hợp với một người thích khoe mẽ như tôi. Tôi sẵn sàng xông pha muốn trở thành trung tâm của bất kỳ một cuộc trò chuyện nào. Là nhà báo, tôi buộc phải như vậy. Khi tôi nói sẽ bỏ điện thoại ra khỏi phòng ngủ, một người đồng nghiệp đã nửa đùa nửa thật nói rằng: “Thế nếu có tin gì xảy ra thì sao?”

Thế là tôi lại lướt tin thay vì đi ngủ. Tôi đọc bình luận dưới những bức ảnh vui nhộn. Tôi đọc tin cập nhật về những thảm họa nóng hổi ngoài kia.

Tuổi 30 nào cũng thật chông chênh, với những gánh nặng ngày càng đè lên vai. Thế nhưng, nếu ai cũng phải đối mặt với chúng thì tại sao bạn lại không? Những suy nghĩ như vậy cứ quẩn quanh trong đầu khi tôi nằm trằn trọc nhìn lên trần nhà. Nhịp tim cứ tăng dần, trong khi tôi tự hỏi tại sao mình vẫn còn thức như thế này? Thử tập thở sâu nhưng không hiệu quả, vậy là tôi lại lôi điện thoại từ dưới gối lên và sử dụng. Không có email mới, cũng chẳng có dòng tweet hay ho nào. Tôi tiếp tục lên Instagram – nơi tôi vẫn hay cảm thấy buồn vì mình cứ suốt ngày theo dõi cuộc sống của người ta, trong khi người ta vẫn sống tốt mà không cần mình.

Để có thể chìm vào giấc ngủ, tôi quyết định giữ điện thoại bên người. Tôi tải xuống một phần mềm chuyên dùng để ru ngủ, với các loại âm thanh thư giãn. Tôi cố ngủ bằng cách lắng nghe tiếng lửa bập bùng, nhưng nó không có hiệu quả. Tôi còn tăng âm lượng lên tới mức điện thoại cảnh báo có thể gây điếc.

Rốt cuộc, tôi đi làm và cảm mắt như muốn sụp xuống vào lúc 11h trưa. Tôi uống cà phê và cố gắng chống chọi với cơn buồn ngủ.

Ngay sau đấy, tôi đi cà phê ngắm tranh cùng mẹ và chị gái, phàn nàn về một năm nữa trôi qua mà không giải quyết được chứng mất ngủ. Tôi giải thích với họ rằng mình muốn bỏ điện thoại, nhưng lại rất cần một trong những tính năng quan trọng của nó: báo thức. Và chỉ 2 ngày sau, tôi nhận được một chiếc đồng hồ báo thức kiểu truyền thống từ chị gái mình.

Ở nhà, tôi lắp pin AAA vào đồng hồ, chỉnh giờ và đặt báo thức vào lúc 6h sáng. Vậy là xong. Tôi tự hỏi, liệu điều này có giúp được mình không, khi mà chiếc iPhone của tôi thậm chí còn quyền năng hơn cả tàu vũ trụ Apollo 11. Đêm đó, tôi để điện thoại trên ghế sô pha ở phòng khách. Tôi nghi ngờ không biết liệu mình có qua được đêm nay mà không dùng điện thoại không.

Và rồi, tôi lên giường nằm ngủ. Tôi chẳng nhớ chuyện gì đã xảy ra tiếp theo. Chắc hẳn tôi đã chìm vào giấc ngủ ngay lập tức.

Kể từ đó, tôi đã ngủ ngon hơn rất nhiều. Sự vắng mặt của chiếc điện thoại đã giúp cho giấc ngủ trở nên dễ dàng hơn. Mặc dù vẫn còn hơi stress, tôi vẫn chưa đến mức phải đi tìm điện thoại và lướt tin để loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực trong đầu. Thậm chí, tôi còn dẹp bỏ được lý do ngụy biện cho những lần thức đêm của mình. Trước đây, tôi vẫn tự nhủ rằng chỉ còn gần 7 tiếng nữa là mình phải dậy, chẳng thà thức nguyên đêm và ngồi nghĩ xem tại sao mình lại không thể ngủ đủ giấc.

Tôi cũng không còn phải tập bơi như một nỗ lực tuyệt vọng để khiến bản thân đủ mỏi mệt để chìm vào giấc ngủ. Tôi đọc thêm 1 cuốn sách mỗi tuần, sau khi đọc hết 12 cuốn trong vòng 7 tháng. Giờ đây, bên cạnh gối của tôi là hàng chồng tạp chí. Tôi thích khám phá thế giới thú vị ẩn chứa trên từng trang báo nhỏ như vậy. Bởi lẽ, tôi đâu thể khám phá toàn bộ thông tin trên Internet.

Chiếc báo thức rốt cuộc đã hoàn thành nhiệm vụ duy nhất của mình. Nó dần trở thành người hàng xóm luôn làm hộ công việc mà tôi ghét nhất. Tôi cảm thấy nó thật thân quen và an toàn – khác hẳn với chiếc điện thoại xưa kia. Cảm giác ấn nút tắt báo thức còn thỏa mãn hơn cả triệu lần so với những khi tôi đăng tweet, gửi email hay tìm kiếm trên Google. Chiếc đồng hồ không bao giờ dịch chuyển. Nó chỉ đứng yên ở đó, cho tôi cảm giác được kiểm soát và ổn định.

Tôi vẫn rất yêu chiếc điện thoại của mình. Vào sáng sớm, tôi vẫn lướt mạng để cập nhật tin tức sau một thời gian bỏ lỡ. Có đêm, người dùng Twitter rôm rả về một chủ đề vô cùng nóng hổi. Thức dậy sau 7 tiếng đồng hồ ngủ ngon, tôi thấy họ vẫn đang bàn luận về điều đó. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ biết nhiều hơn nếu theo dõi từng giây từng phút về chủ đề này. Tôi tham gia một chút với họ rồi lên đường đi làm.

Chiếc đồng hồ đã giúp tôi hiểu ra rằng thế giới sẽ vẫn cứ tiếp tục vận động mà không có tôi. Có thể nó không phải là cánh cửa mở ra một thế giới khác, nhưng nó là lời nhắc nhở để tôi tỉnh giấc và sống trọn vẹn trong thế giới hiện tại của mình.

 

 

Theo Trí thức trẻ/Guardian