Tin tức Đời sống - xã hội
Thay đổi cách thức uống nước để tránh gây tổn hại lượng đường huyết, tim, thận và dạ dày
Uống nước không đúng cách có thể làm ảnh hưởng đến lượng đường huyết, tổn thương tim mạch, thận và dạ dày. Bạn nên chú ý thời điểm, lượng nước uống phù hợp để mang lại lợi ích tốt nhất cho cơ thể.
Uống nước là điều đơn giản và phổ biến nhất trong cuộc sống hàng ngày. Chắc chắn đa số nghĩ uống nước thì cứ uống, cần gì phải thích hợp, đúng cách. Tuy nhiên, thực tế, uống nước không đúng có thể ảnh hưởng xấu đến lượng đường huyết, bệnh tim, bệnh thận…
Ảnh hưởng đến lượng đường huyết của bệnh nhân tiểu đường
Hai triệu chứng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường là tiểu tiện nhiều và uống nhiều nước. Một số bệnh nhân vì không muốn phải tiểu tiện nhiều, “tránh” triệu chứng này nên họ kiểm soát, khống chế lượng nước vào cơ thể.
Nhưng, triệu chứng hay khát nước, uống nhiều nước thực tế là một cơ chế tự bảo vệ của cơ thể. Nó giúp áp lực thẩm thấu huyết tương giảm xuống hoặc giúp cân bằng trở lại. Không chỉ vậy, uống nhiều nước thúc đẩy sự bài tiết lượng đường trong máu, giúp đường huyết ổn định.
Các chuyên gia nhắc nhở, đặc biệt vào mùa hè, cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Nếu người bệnh tiểu đường vẫn hạn chế uống nước, nước trong cơ thể không đủ, nó có thể dẫn đến các biến chứng cấp tính khiến bệnh nhân hôn mê, thậm chí tử vong.
Gây tổn thương tim mạch
Thời tiết nắng nóng, nhiều người thích uống một hụm lớn, nhiều khi uống liền hết chai nước. Uống nước như vậy là không nên! Lượng nước nhiều đột ngột vào trong cơ thể làm tăng lưu lượng máu, do đó tăng gánh nặng làm việc cho tim, cơ tim hoạt động nhanh tiêu hao lượng oxy lớn, rất có thể gây ra suy tim.
Hơn thế nữa, lượng máu được pha loãng bởi một lượng nước lớn, nồng độ chất điện giải giảm thấp sẽ khiến nước dễ dàng xâm nhập vào các tế bào, khiến các tế bào bị phù. Điều này dẫn đến “ngộ độc nước” khiến cơ thể bị hạ natri máu.
Nếu bạn uống nước lạnh thì vấn đề sẽ càng nghiêm trọng hơn. Nó sẽ làm tăng nhịp tim nhanh chóng, tăng mức tiêu thụ lượng khí oxy của tim, có thể gây ra các bệnh về tim như rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực.
Đe dọa đến sức khỏe của thận
Lúc bạn cảm thấy khát, cơ thể đã mất 1% đến 2% lượng nước. Khi đó, thận đã trong tình trạng chịu áp lực cao, chất độc tích tụ trong cơ thể, nồng độ tạp chất trong nước tiểu tăng cao, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thận. Nó dễ gây ra sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, ung thư đường tiết niệu và các bệnh khác.
Uống nước như thế nào mới tốt cho sức khỏe?
Uống nước ấm vào buổi sáng
Hãy chú ý thay đổi cách thức uống nước để không làm tổn hại đến sức khoẻ.
Cốc nước đầu tiên vào buổi sáng không nên là nước mật ong hay cà phê, sữa, nước trái cây,… Phù hợp nhất đó là cốc nước ấm.
Hãy nhớ nên đánh răng trước rồi mới uống nước. Nếu không, sau cả đêm, dư lượng thức ăn còn sót lại trên răng sẽ kết hợp với muối canxi trong nước bọt lắng đọng lại, lâu dần sẽ tích tụ thành các vi khuẩn. Uống nước trước khi đánh răng sẽ dễ dàng đưa vi khuẩn này vào cơ thể.
Đừng chờ khát mới uống nước
Uống nước cũng được chia thành uống nước chủ động và uống nước thụ động. Rất nhiều người uống nước thụ động, chờ đến khi cơ thể khát nước mới bổ sung nước. Trong khoảng thời gian thiếu nước này sẽ làm tăng độ nhớt máu, máu khó lưu thông, có thể gây ra các bệnh về tim mạch. Thỉnh thoảng hãy uống 2 ngụm nước nhỏ để bổ sung nước cho cơ thể.
Ngoài ra, khi trời nóng, hoạt động nhiều, lúc uống nước không nên uống một cách “vô tội vạ”. Uống vội uống vàng như vậy rất dễ làm cho lượng nước và lượng muối trong cơ thể mất cân bằng. Lượng nước lớn này đột ngột vào trong dạ dày, khiến dạ dày cảm thấy nặng nề, có thể gây đau đớn. Bên cạnh đó, đột ngột bổ sung lượng nước quá nhiều còn ảnh hưởng đến sự hoạt động của cơ hoành, nhịp thở không ổn định.
Uống ít nước đá
Theo các chuyên gia, nước tốt nhất cho cơ thể trong mùa hè là nước lọc ấm. Nên uống ít nước đá, đặc biệt là đối với những người hoạt động nhiều như: công nhân, vận động viên hay những người vừa tập thể thao xong.
Sau khi tập thể dục, nhịp tim vẫn còn nhanh, mao mạch bị giãn, ngay lập tức uống nước lạnh sẽ tạo áp lực cho cơ thể, dễ gây tổn thương cho tim, lá lách, thận, có thể nguy hiểm tính mạng.
4 cốc nước quan trọng nhất trong một ngày
– 200ml nước vào buổi sáng: Uống một cốc nước ấm khoảng 200ml có thể làm giảm độ nhớt máu; thúc đẩy lưu thông máu toàn thân; thải độc ở gan và thận; đánh thức dạ dày, hệ tiêu hóa để bắt đầu một ngày làm việc mới.
– 150ml nước sau khi ngủ trưa: Uống nước sau một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa giúp thúc đẩy lưu thông máu.
– 100ml nước trước khi đi đi ngủ: Không nên uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ vì rất dễ gây thức giấc vào ban đêm. Nên uống một cốc nước ấm nhỏ để làm loãng máu, ngăn ngừa cục máu đông, giúp bảo vệ đường tiêu hóa ở một mức độ nhất định,
– 50ml vào ban đêm: Đối với những người có thói quen tỉnh dậy vào nửa đêm, nên để một cốc nước nhỏ bên cạnh giường, uống một vài ngụm nước nhỏ rồi ngủ tiếp giúp tăng tốc độ lưu thông lượng máu, tốt cho tim mạch.
Theo Helino