Tin tức Đời sống - xã hội
Sếp khôn ngoan là người thuê nhân sự về để học hỏi từ họ chứ không phải chỉ mỗi sai khiến
Các sếp ơi lại đây mà học cách làm lãnh đạo của Steve Jobs – cha đẻ của Apple này!
Steve Jobs là một trong những tên tuổi có tầm ảnh hưởng lớn hàng đầu của thời đại nói chung và ngành công nghệ nói riêng. Ông còn được biết đến với tư cách của một nhà lãnh đạo giỏi. Dưới trướng ông là hàng ngàn những nhân viên cũng xuất sắc không kém.
Khi được hỏi về bí quyết lãnh đạo, Steve Jobs trả lời “Đừng tốn công thuê những người tài giỏi về để sai khiến họ. Thay vào đó, hãy thuê họ về để họ có thể tự nói cho chúng ta biết điều gì đúng đắn nhất cần làm lúc này.”
Phải nói trong công ty, Steve chẳng bao giờ tự nhận mình là người tài giỏi nhất. Thế nhưng, ông biết cách lôi kéo họ về và để họ có không gian thể hiện sở trường của mình. Theo quan điểm của ông, có 2 cách cốt lõi nhất để giữ chân người tài trong suốt bao năm qua.
Thứ nhất là việc Steve Jobs để nhân viên hành động một cách tự do, độc lập.
Trong một môi trường trí thức cao, những cung cách điều phối và ra lệnh độc đoán từ những quản lý độc tài sẽ không bao giờ tồn tại lâu được, đặc biệt là khi những nhân viên giỏi sẽ hiểu công việc của mình hơn cả lãnh đạo của họ. Bạn càng áp đặt và đưa ra những cưỡng chế thì nhân viên sẽ càng tụt lùi. Do vậy, phải luôn ghi nhớ tạo ra đủ không gian cho phép những nhân viên giỏi được thỏa sức tung hoành sáng tạo, lắng nghe cách giải quyết vấn đề phù hợp với gu cá nhân.
Có nhiều khi chính những nhân viên này có thể tỏ ra sáng suốt hơn cả sếp, bởi họ có nhiều cơ hội tiếp xúc với những tầng lớp khách hàng hơn trên thị trường. Vì thế, sẽ không khó hiểu nếu bạn có cơ hội được theo dõi cách làm việc của nhiều công ty lớn hiện nay, nơi họ luôn chú trọng việc thúc đẩy tiềm năng hoạt động độc lập của nhân viên, giảm thiểu yêu cầu báo cáo máy móc qua nhiều chức vụ để được cho phép hành động và ứng biến nhanh hơn theo ý mình.
Tiếp tới, Steve Jobs biết cách lắng nghe và thấu cảm hơn là chỉ biết nghĩ cho bản thân mình.
Trong suốt quá trình làm việc của mình, ông luôn cố gắng tạo dựng mối quan hệ thân thiện với những nhân viên giỏi. Bởi đây có thể xem như là cách tốt nhất để họ cảm thấy nhiều động lực làm việc hơn, thông qua cảm giác được chia sẻ, tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả “sếp” cũng cần đóng vai như những người bạn bằng vai phải lứa để hiểu tâm lý nhân viên, cùng nhau giải quyết những vấn đề tồn đọng nếu nó ảnh hưởng tới chất lượng công việc.
Những người thông minh dù có những cách nhìn nhận và nhu cầu khác biệt với số đông nhưng công việc hẳn sẽ không hiệu quả lâu dài nếu như thiếu sự nhìn nhận và thấu hiểu từ mọi người xung quanh.
Hỡi những người sếp của chúng ta ơi, hãy trân trọng và học hỏi từ chính nhân viên của mình nhé!
Theo Helino