Tin tức Đời sống - xã hội
Ông chủ Louis Vuitton hai lần “hất cẳng” Bill Gates để trở thành người giàu thứ 2 thế giới chỉ trong 4 tháng: Đừng coi tiền là mục tiêu!
Bernard Arnault chính là người đứng sau hàng loạt các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng thế giới như Louis Vuitton, Dior, Hublot, Bulgari…
Nhắc tới Bernard Arnault, người ta dùng rất nhiều cái tên khác nhau để gọi ông: “Con sói trong chiếc áo cashmere”, “Thiên thần hủy diệt”, “Tintin” (vì vẻ ngoài gọn gàng của ông) và “Chúa tể Thần ngôn”. Tuy nhiên, tất cả những biệt danh đó không khắc họa rõ về Arnault bằng tòa nhà của Quỹ Louis Vuitton.
Nằm ở cánh rừng Bois de Boulogne ở Paris, tòa nhà hiện lên sừng sững như một tảng băng trôi giữa hồ nước băng tan. Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Mỹ Frank Gehry, công trình trị giá 80 triệu bảng Anh này là một tác phẩm sáng tạo, phức tạp và mang tầm nhìn vĩ đại, dù không quá nổi bật. Không chỉ đồ sộ và đầy cảm hứng, tòa nhà này cũng rất sắc cạnh và thú vị một cách nhẹ nhàng chứ không quá thời trang.
Ở tuổi 70, vị tỷ phú người Pháp cũng có nét tương đồng với tòa nhà do mình sở hữu.
“Con sói già” biết nhìn xa trông rộng
Bernard Arnault sinh ra tại Roubaix – một thị trấn nghèo ở phía nam nước Pháp vào năm 1949. Nhờ sự chăm chỉ và sáng tạo của mình, ông đã nhanh chóng trở thành người đứng đầu tập đoàn LVMH – nơi nắm giữ hàng loạt thương hiệu xa xỉ bậc nhất thế giới. Hiện tại, LVMH nắm giữ hơn 70 thươg hiệu cao cấp khác nhau, bao gồm các nhãn hàng thời trang cao cấp Louis Vuitton, Dior và Fendi, đồng hồ Tag Heuer và Hublot, trang sức Bulgari, sâm-panh Veuve Clicquot và Dom Pérignon.
Lloyd Blankfein – cựu Chủ tịch và CEO của Goldman Sachs – nói rằng, Arnault có kỹ năng “thượng thừa” trong việc nhận ra nhu cầu về các mặt hàng xa xỉ trên thế giới. “Ông ấy là người có tầm nhìn xa trông rộng. Ông ấy nhận ra thế giới đang ngày càng giàu có hơn”, Blankfein nhận xét.
Pierre Mallevays – người từng phụ trách các thương vụ sát nhập tại LVMH – đồng tình: “Arnault không tạo ra các thương hiệu cao cấp, nhưng ông ấy tạo ra thị trường dành cho các mặt hàng xa xỉ. Ông ấy dự đoán rằng mọi người sẽ ngày càng mua nhiều sản phẩm cao cấp, đo đó ông ấy đã tính toán để đi đầu xu hướng”.
Người đàn ông của gia đình
Trong kinh doanh, Arnault là “kẻ săn mồi” đầy quyết liệt. Tuy nhiên, khi về đến nhà, ông quay trở lại dáng vẻ của một người cha tận tâm, một người đàn ông của gia đình.
Không chỉ giỏi giang trên thương trường, Arnault còn là một nghệ sĩ piano xuất chúng, cũng như một người chơi tennis có năng lực. Ông từng tự hào vì được so tài với Roger Federer và ghi hẳn 1 điểm trước tay vợt huyền thoại này. Đây là món quà mà các con của Arnault dành cho ông nhân dịp sinh nhật.
“Mọi người thường nghĩ cha tôi sống trong tòa tháp với một đống bảng biểu Excel và các con số. Tuy nhiên sự thật khác xa như thế. Mối quan tâm lớn nhất của ông ấy là gia đình. Dĩ nhiên là, cha tôi cũng ‘nghiện’ công việc. Ông ấy làm việc rất nhiều, nhưng ông ấy thấy vui vẻ với nó. Không quá nghiêm túc như mọi người vẫn nghĩ,” con trai Arnault – Antoine – chia sẻ.
Arnault có tất cả 5 người con. Ông có 2 con với người vợ đầu Anne Dewavrin: con gái Delphine – hiện đang được kỳ vọng sẽ tiếp quản LVMH – và Antoine – Giám đốc truyền thông của tập đoàn. Ông cũng sinh thêm 3 người con với người vợ thứ hai – nghệ sĩ piano người Canada gốc Pháp Héléne Mercier. Cặp đôi đang sống tại một biệt thự cao cấp ở Paris, nơi Arnault cho trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của Damien Hirst, Pablo Picasso và Andy Warhol.
Bernard Arnault (thứ 2 bên trái) và người vợ Helene Mercier-Arnault (trái), con trai Antoine (phải) và con dâu Natalia Vodianova. (Ảnh: AFP)
Đề cáo sự sáng tạo thay vì tiền bạc
Vị tỷ phú giàu nhất nước Pháp này thường được miêu tả người coi trọng văn hóa và sự sáng tạo hơn là tiền bạc. Ông cho rằng mình không đáng bị gọi là “kẻ máu lạnh giành giật tài sản” – biệt danh ông có sau khi tiến hành nhiều thương vụ sát nhập cho LVMH.
“Đúng là tôi có chút dè dặt”, Arnault thừa nhận. “Tôi mất nhiều thời gian để thân thiết với người khác. Tôi không hớn hở chào đón mọi người ngay. Nhưng đó chỉ đơn giản là phong cách của tôi”.
Triết lý kinh doanh của Arnault là hỗ trợ tài chính cho các nhà thiết kế – chẳng hạn như John Galliano và Alexander McQueen – và để họ được tự do sáng tạo, nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài. “Công việc của tôi là giúp các nhà thiết kế hiểu rằng, thành công trong sáng tạo dựa phần lớn vào thành công của sản phẩm. Hãy sáng tạo, nhưng theo cách mà mọi người thích và mặc được”, ông khẳng định.
Đối với Arnault, hạnh phúc là được dẫn dắt đội ngũ của mình leo tới đỉnh vinh quang. “Tôi luôn dặn nhân viên rằng, đừng quá quan tâm tới lợi nhuận.Tôi quan tâm tới việc thương hiệu sẽ phát triển ra sao trong 5-10 năm tới, chứ không phải lợi nhuận được bao nhiêu trong 6 tháng tiếp theo”.
Arnault từng nói rằng danh tiếng mới là điều thôi thúc ông kinh doanh, chứ không phải tiền bạc. “Lợi nhuận chỉ là kết quả hiển nhiên khi chúng ta làm tốt; nó không nên trở thành mục tiêu”, ông khuyên.
Dù vậy, vị tỷ phú này vẫn đang giàu lên mỗi ngày. Ông đã 2 lần vượt mặt Bill Gates để trở thành người giàu thứ 2 thế giới, với khối tài sản trị giá 107 tỷ USD. Hiện tại, ông chỉ còn kém CEO Amazon Jeff Bezos 5,2 tỷ USD. Là con người tham vọng, có lẽ Arnault sẽ không chịu dừng ở đây. “Tôi luôn thích đứng ở vị trí số 1”, ông nói trong một buổi phỏng vấn với tờ Financial Times.
Ngay cả CEO quá cố của Apple – Steve Jobs – cũng không ngạc nhiên trước khối tài sản không ngừng gia tăng của Bernard Arnault. Ông từng nói: “Anh biết mà, Arnault. Tôi không biết có còn ai dùng iPhone trong vòng 50 năm tới hay không, nhưng tôi chắc chắn rằng, mọi người sẽ vẫn uống rượu vang Dom Pérignon của anh.”
Theo Trí thức trẻ/Tổng hợp