Tin tức Đời sống - xã hội
Nỗi khổ tuổi 30: Tiêu chuẩn thành công không gì khác ngoài hai chữ “tài sản”, “danh tiếng” và gánh nặng không được phép thụt lùi về sau
Con người ta càng trưởng thành càng tìm cho mình một cách để chống đỡ mọi khó khăn ập đến, cho dù là sóng gió gì cũng có thể vượt qua. Thế nhưng, khi con người ta càng trưởng thành, lại càng vô tình lãng quên cách yêu thương chính mình.
1. “Bề ngoài càng ưu tú, trong lòng càng lo lắng”
Mỹ, 35 tuổi, trong mắt người ngoài, cô ấy là một cô gái hạnh phúc: có công việc ổn định, có chồng thương yêu và 2 đứa con dễ mến. Nhưng trong vòng 2 năm nay, Mỹ bắt đầu suy nghĩ, lo lắng về nhiều thứ. Cô ấy có cảm giác, cơ hội làm việc, thăng chức, tăng lương cho những người đến tuổi trung niên như cô ấy càng ngày càng ít rồi, và những đồng nghiệp xung quanh cô ấy cũng đang có cảm giác lo lắng sợ hãi bị đào thải đó.
Có một thời gian dài, cô ấy không ngủ được, bởi vì hôm qua đến công ty, cô ấy nghe được tin tức nhân viên ở công ty nào đó vì bị cắt giảm nhân lực mà nhảy lầu. Cô ấy chợt nghĩ đến một việc, sau này nếu đột nhiên thất nghiệp, cô ấy sẽ phải làm gì?
Cô ấy tự ngẫm lại năng lực và kinh nghiệm của mình, cũng hiểu rõ điểm yếu của mình lúc này là gì.
Trong thời đại công nghệ phát triển, năng lực thích nghi của cô ấy đã không bì được với những người trẻ tuổi, họ còn trẻ, năng động, sáng tạo, lại chỉ cần mức lương thấp.
Cô ấy nghĩ, nếu cô ấy chỉ mới 20 tuổi, không có con, không có quá nhiều gánh nặng, khả năng học tập nhanh, trẻ trung và năng động, chắc chắn cô ấy sẽ có nhiều cơ hội được tuyển dụng hơn.
Trong thời đại này, cuộc sống của bạn, người khác lại nhìn thấy rất rõ, hơn nữa còn được đặt dưới kính lúp, phóng đại lên nhiều lần để soi mói, so sánh.
Lúc trước, cha mẹ chúng ta cả đời chỉ lái xe đạp, kiếm được số tiền lương bình thường, vẫn có thể sống hạnh phúc hết một đời, bởi vì thời đó ít phương tiện truyền thông, người khác ít nhìn vào cuộc sống của họ, họ cũng không quá để tâm đến cuộc sống của người khác.
Còn hiện nay, trên báo chí, ti vi, Facebook,… đâu đâu cũng nhìn thấy các CEO 9X, hay CEO 2K. Họ tự do tài chính, lại tự do về thời gian. Có người dùng họ làm tấm gương phấn đấu, có người lại dùng họ để so sánh với cuộc đời mình rồi than trời trách đất, cũng có người lấy họ để mỉa mai người xung quanh mình,…
Nghe có vẻ tuyệt vọng, nhưng thực tế là vậy, vì có quá nhiều ánh mắt đặt lên người chúng ta (nào kì vọng, nào soi mói…) khiến chúng ta dần học cách đè nén mọi nỗi khổ vào lòng.
Đàn ông 30 tuổi, trụ cột gia đình sao dám mở miệng nói với vợ con mình vừa bị mất việc?
Bị bạn bè phản bội, cuộc sống vùi dập, mất ngủ khóc ròng rã một đêm, nhưng qua sáng hôm sau vẫn trang điểm đẹp đẽ, tỏ ra mình rất ổn.
Bệnh nằm liệt giường, ở trọ một mình, không nấu nổi một nồi cháo, nhưng lại không dám gọi điện về nhà vì sợ làm ba mẹ lo lắng…
Thế giới của người trưởng thành, thật sự đáng thương như thế, bề mặt càng ưu tú, trong lòng càng lo lắng.
2. “Khi tôi 30 tuổi, tôi đã đổi giày cao gót thành giày thể thao.”
“Tôi tên Trang, năm nay vừa tròn 30 tuổi. Từ 2 năm trước, tôi đã bắt đầu tập ăn nhạt, ngâm chân với nước thuốc, và chăm sóc da mặt thường xuyên. À, còn nữa, năm ngoái tôi còn mua cho mình một cái bảo hiểm nhân thọ.
Năm 25 tuổi, tôi từng rất thích sắm nhiều quần áo đẹp, túi xách xịn, trang điểm thật đẹp, thật trưởng thành, mỗi ngày đều mang giày cao gót đi làm.
Nhưng khi tôi 30 tuổi, tôi lại muốn trông mình “có sức sống” hơn. Thế nên, tôi đổi qua mang giày thể thao. Nó không chỉ khiến tôi thoải mái, mà còn trông trẻ trung hơn.”
Rất nhiều việc như đang nhắc nhở bạn một thực tế mà bạn không muốn đối mặt: bạn đã dần già đi rồi. Ở nơi làm việc, gặp được những cô gái, chàng trai trẻ tuổi, tiếng anh tốt, rành máy tính, lại có nhiều hiểu biết với thế giới này. Chúng ta không nhịn được mà so sánh với mình lúc trước, dáng vẻ ngây thơ của chúng ta năm 22 tuổi, cái gì cũng không biết, thường chịu uất ức và khi dễ.
Chúng ta ngưỡng mộ sự tự do và suy nghĩ dám nghĩ dám làm của họ, nhưng đồng thời chúng ta cũng sợ hãi, do dự, không dám đối mặt với nhiều điều, cũng không dám từ bỏ những gì mình đang có mà đối mặt với những thử thách mới. Chúng ta không còn muốn bôn ba đây đó nữa, chúng ta mong muốn tìm được cuộc sống bình yên, thoải mái cho bản thân.
3. “Tôi biết không thể nghịch chuyển con đường này, vì thế tôi tìm cách hợp thức hóa nó”
Càng lớn, tôi lại càng không muốn tổ chức sinh nhật nữa, bởi vì nó như nhắc nhở tôi rằng, tôi lại già thêm một tuổi.
Rất nhiều sự thay đổi không xảy ra trong một đêm, nhưng bạn lại đột nhiên nhận ra nó chỉ trong khoảnh khắc.
Rõ ràng bạn cảm thấy chính mình vẫn chưa trưởng thành, nhưng sao ba mẹ đã già rồi, còn bạn lại trở thành người đã lập gia đình, có con cái. Rõ ràng không muốn tuân theo “quy tắc” của người trưởng thành, nhưng lại không dám chống lại nó, mà còn dần dần bị nó thay đổi.
Lúc trước, tôi từng nhìn thấy một tin tức, rằng một cụ bà 70 tuổi trang điểm rất ngầu, làm DJ, và thường tham gia các show thời trang. Tôi cảm thấy hâm mộ về sự dũng cảm, dám vượt qua giới hạn tuổi tác của bà ấy. Nhưng cũng có vài bình luận chê bai, ghen tỵ, hoặc không đồng tình.
Khi chúng ta còn trẻ, bạn dám thử mọi thứ, dù người khác nói bạn sai, bạn vẫn có thể không quan tâm mà cảm thấy mình rất “ngầu”, mình “chất”. Nhưng đối với người trung niên, rào cản về tuổi tác cô lập họ trong một hàng rào quy tắc của người trưởng thành, và chỉ cần làm trái, họ sẽ bị chê bai nhiều hơn khen ngợi.
Định nghĩa “thành công” cũng vậy, trở nên cụ thể hơn chứ không mờ mịt như trước. Nhưng tiêu chuẩn tương ứng của nó lại không gì khác ngoài hai chữ “danh tiếng” và “tài sản”. Bất kì lúc nào cũng có những người, những chuyện nhắc nhở bạn rằng: “Bạn không được phép thụt lùi về sau.”
Mà đáng buồn nhất là, bạn biết không thể nghịch chuyển con đường này, nên bạn cố tìm lý do để hợp thức hóa nó với tình trạng hiện tại của mình.
Chẳng hạn, bạn không dám đối mặt với tuổi tác, nên tự an ủi bản thân, bạn lớn tuổi rồi cũng có cái lợi riêng, bạn có thể tự quyết định, tự do hành động, cũng có nhiều tiền hơn lúc trẻ, tự do hơn nhiều.
Nhưng với lý do này, một số người là nói thật, một số người chỉ đang tự lừa bản thân. Bởi vì dù là sự nghiệp, tình yêu, sức khỏe hay cuộc sống, họ vẫn chưa tự do, chưa thật sự ổn chút nào.
4. “Thế hệ chúng tôi nghèo, nên chúng tôi rất sợ nghèo.”
Đa số thế hệ 2K hiện nay có cuộc sống sung túc hơn nhiều so với những thế hệ trước, cuộc sống đầy đủ, sinh ra trong thời bình, công nghệ phát triển, và ít nhất là không cần sống trong tình trạng đói ăn thiếu mặc.
Chính vì vậy một người bạn cấp ba của tôi từng nói rằng, cô ấy rất sợ “bị nghèo”. Cô ấy thà bị bắt nạt ở công ty, cũng không dám nghỉ việc.
Vì sợ nghèo, đa số mọi người đều có nội tâm yếu ớt nhưng ý chí mạnh mẽ, lúc nào cũng cần tạo ra cho mình cảm giác an toàn.
Trong trường hợp không tự do tài chính, đa số các vấn đề khác tự nhiên sẽ được đặt vị trí sau một chữ tiền.
Biết không nên làm quá sức, nhưng vẫn cố tranh thủ làm thêm việc.
Biết cha mẹ đã già, nên bầu bạn với họ nhiều hơn, nhưng không có thời gian, và chỉ đành cố gắng chăm lo nhiều hơn cho cuộc sống vật chất của họ.
Biết tuổi tác đã lớn, nhưng đành thừa nhận mình không đủ khả năng theo đuổi những ước mơ quá lớn lao thời tuổi trẻ nữa rồi.
Tuổi trung niên, có nhiều vấn đề dù bạn tránh né đi nữa, sớm muộn cũng phải thừa nhận sự thật.
Vậy có phải tuổi trung niên thật quá đáng sợ rồi không? Nhà báo David Brooks của New York Times từng nói rằng: “Đây là thời điểm tốt để nhìn lại những gì đã qua, bởi vì bạn đã trưởng thành hơn, có thể từ trong số các chọn lựa của riêng mình, quan sát, và phát hiện ra rằng mọi ý kiến bất đồng đều có mục tiêu và ý nghĩa riêng.”
Thế nên, dù ở độ tuổi nào, chúng ta cũng có quyền mạnh dạn nắm bắt mọi khả năng, cơ hội còn lại, và làm hết năng lực mà không do dự.
Theo Trí thức trẻ