Tin tức Đời sống - xã hội

Nỗ lực mỗi ngày mà thành công vẫn tuột mất: Tự nhận thức 8 vấn đề tiềm ẩn của bản thân sẽ giúp bạn ngăn chặn thất bại trong tương lai

 

Việc thất bại trong cuộc sống là một điều bình thường, bởi không ai là hoàn hảo và không ai có thể làm tốt tất cả mọi thứ. Nhưng nếu trong trường hợp bạn đã nỗ lực hết mình, nhưng hết lần này đến lần khác vẫn phải nếm trải cảm giác thất bại thì đó không phải là do hoàn cảnh nữa rồi.

 

Dù thất bại là một phần của sự tiến bộ nhưng thất bại quá nhiều có thể dẫn đến sự nản lòng thoái chí. Bạn không thể tự dặn bản thân mãi là rồi một ngày thành công sẽ đến, nếu không tìm ra nguyên nhân nằm trong chính con người bạn. Tự nhận thức về những vấn đề tiềm ẩn của bản thân có thể sẽ giúp bạn ngăn chặn những thất bại trong tương lai. Và dưới đây là 8 lý do phổ biến nhất:

 

1. Bạn không chịu tiếp nhận những phản hồi, góp ý

Phản hồi là một phần vô cùng quan trọng, mà công việc càng khó thì lại càng cần nhiều phản hồi đa dạng. Tất nhiên sẽ có tốt, có xấu, có khen thì sẽ có chê nhưng nếu không dám tiếp nhận những ý kiến (có phần) tiêu cực thì sẽ mãi không thể phát triển.

Có khi nào bạn tự hỏi vì sao mình không thích/không đón nhận những phản hồi, góp ý chưa? Điều này có thể xuất phát từ khía cạnh con người, với bản tính tự tin và kiêu ngạo, luôn cho rằng mình là người tốt nhất thì bạn sẽ không bao giờ muốn nghe những lời chê bai từ người khác. Nhưng ngược lại, bạn cũng không nên răm rắp nghe theo tất cả mọi lời khuyên hay lời chỉ trích mà không cân nhắc, xem xét.

Nếu chúng đến từ một người thành công hơn, nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức hơn thì hãy đón nhận với sự cởi mở và cầu tiến. Còn nếu chúng đến từ những người quá soi mói, thích xen vào chuyện của người khác thì hãy nhẹ nhàng bỏ qua và tiến về phía trước.

 

2. Sự trì hoãn

Rất nhiều người gặp khó khăn trong việc tập trung vào một việc cụ thể nào đó trong thời gian nhất định, vì thế họ chọn trì hoãn hoặc kéo dài nó. Nhưng trì hoãn cũng đem đến một hệ quả là công việc sẽ được hoàn thiện vào những giờ phút cuối cùng, có thể dẫn đến việc làm kém chất lượng.

Sự trì hoãn khiến năng lượng của bạn sụt giảm rất nhiều. Vì thế, khi nhận được một yêu cầu nào đó, việc đầu tiên là hãy xem lướt qua chúng và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: việc nào đơn giản thì làm trước, việc nào khó làm sau. Làm việc gì cũng nên có thời hạn và trong suốt một ngày thì nên có những mục tiêu rõ ràng cần hoàn thành.

Bạn cần chủ động cam kết deadline và nhờ ai đó nhắc nhở bạn có trách nhiệm với cam kết của chính bản thân. Để tăng thêm tính động lực, bạn có thể tự tặng cho mình những phần thưởng xứng đáng với công sức bỏ qua.

 

3. Kỳ vọng không thực tế

Quản lý kỳ vọng cũng là một điều vô cùng quan trọng để gặt hái thành công nhưng không nhiều người thực sự hiểu điều này. Có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nếu bạn đặt mục tiêu quá cao và cứ lao theo mục tiêu không tưởng đó thì việc thất bại gần như chắc chắn.

Còn nếu bạn đặt kỳ vọng quá thấp thì tất nhiên, bạn sẽ thành công. Nhưng những mục tiêu này không giúp đỡ quá nhiều cho bạn nâng cao năng lực, về lâu dài bạn sẽ đi vào ngõ cụt vì quá khoan dung với bản thân.

 

4. Không cam kết

Sự cam kết và tính kiên định là rất quan trọng trong việc theo đuổi một mục tiêu xác định. Nếu bạn không có sự kiên định thì mọi thứ sẽ dở dang với một thái độ làm việc hời hợt, có xong cũng là xong cho có.

Một số dấu hiệu cho thấy bạn là người thiếu tính cam kết, kiên quyết và kiên định là:

– Bạn thường xuyên từ bỏ: Cứ gặp một trở ngại nào, dù lớn hay nhỏ bạn cũng đều bị mất động lực và chọn từ bỏ. Lo ngại về những rủi ro là điều bình thường nhưng hãy dành thời gian để suy nghĩ lại về tiến trình công việc bạn đang làm để tiếp tục bước đi. Dừng lại, dù bạn đang đến đâu, cũng chính là thất bại.

– Bạn không thể kiên quyết với quyết định của mình: Việc thay đổi để phù hợp với tình huống thực tế là cần thiết nhưng làm điều đó quá thường xuyên sẽ khiến bạn trở thành một người “ba phải”, không có chính kiến.

– Bạn thiếu sự cống hiến: Làm việc gì thì cũng phải có niềm tin, sự yêu thích và sự cống hiến thì bạn mới có thể gắn bó dài lâu với sự nghiệp của mình.

 

5. Khó thích nghi với sự thay đổi

Không giỏi thích nghi với sự thay đổi cũng có nhiều tương đồng với sự linh hoạt. Thay đổi là điều không thể tránh khỏi, và khi nó đến thì tất cả chúng ta phải biết thích ứng. Những ai càng dễ tiếp nhận những điều bất ngờ thì hẳn nhiên họ sẽ dễ dàng phát triển trong tương lai.

 

6. Bị hạn chế bởi nỗi sợ hãi

Ai cũng có những nỗi sợ hãi của riêng mình, nhưng nếu để nó trấn áp và “nuốt chửng” mình thì bạn sẽ không bao giờ giành được chiến thắng. Một số dấu hiệu cho thấy bạn bị hạn chế bởi nỗi sợ hãi có thể kể đến như:

– Bạn không dám chấp nhận những thử thách: Phần lớn những thành công lớn lại nằm ở bản lĩnh chấp nhận rủi ro đến những phút cuối cùng. Muốn thành công bạn phải sớm chấp nhận rủi ro để nắm bắt cơ hội nhảy vọt.

– Bạn không tạo mạng lưới kết nối: Tạo dựng thêm các mối quan hệ không những giúp công việc suôn sẻ hơn mà nó còn cho bạn nhiều cơ hội thành công lớn hơn nữa.

– Bạn sợ thất bại: Trái ngang một điều, nỗi sợ thất bại lại thường là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại. Dám đương đầu với thất bại sẽ dạy cho bạn những bài học quan trọng và tạo tiền đề tốt hơn cho tương lai.

 

7. Trốn tránh trách nhiệm

Bạn chính là người chịu trách nhiệm chính cho công việc, sự nghiệp, cuộc sống của mình. Những lý do như mệt mỏi, đã làm hết sức mình nhưng kết quả không như ý, không biết cách làm hay không muốn sự việc xảy ra như thế… thật sự rất vô trách nhiệm không chỉ với công việc mà còn với chính bản thân bạn.

Để thành công, bạn cần chịu trách nhiệm cho cả những sai lầm và thất bại. Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, đối tác, gia đình, đồng nghiệp… về những thứ không tốt xảy ra cho cuộc đời bạn, vì chính bạn mới là người làm chủ nó. Chịu trách nhiệm cũng đồng nghĩa với việc bạn đang nắm quyền kiểm soát sự nghiệp của mình.

 

8. Không tự tin

Nếu bạn thiếu tự tin vào bản thân, bạn sẽ bắt đầu nghi ngờ khả năng của chính mình và làm mọi việc với một thái độ ngờ vực, rón rén và không dám đón nhận những thử thách. Thay vào đó, bạn có thể tự ủng hộ bản thân mỗi ngày bằng cách nói ra những điều tích cực, bắt tay vào hành động ngay để củng cố niềm tin vào bản thân như: giữ gìn sức khỏe tốt, ăn uống và tập luyện đầy đủ; tử tế với những người xung quanh; dành thời gian cho những kỹ năng mới…

 

 

 

Theo Nhịp sống kinh tế/Powerofpositivity