Tin tức Đời sống - xã hội
Nhịn ăn sáng 2 lần/tuần và duy trì 2 thói quen này, chẳng những không nguy hiểm mà còn cải thiện tối đa não bộ: Bác sĩ thần kinh đã thử và thành công!
Ngoài ra, vị bác sĩ thần kinh này còn tiết lộ thêm 2 phương pháp cực kỳ hữu hiệu giúp bạn tỉnh táo và tăng cường hiệu suất làm việc của não bộ.
Gần đây, nhiều người ở Thung lũng Silicon, từ các nhà tài phiệt cho đến những hacker sinh học đều “phát cuồng” vì “thuốc thông minh” – chất được cho là có khả năng cải thiện não bộ.
Đây là điều khiến Rahul Jandial – bác sĩ phẫu thuật thần kinh, đồng thời là nhà khoa học thần kinh tại City of Hope ở California – lo ngại. Theo anh, “thuốc thông minh” chỉ là sản phẩm truyền miệng và không được kiểm chứng khoa học.
Chính việc này đã truyền cảm hứng để Jandial viết một cuốn sách, trong đó anh chia sẻ những lời khuyên đã được kiểm chứng khoa học để phát huy tối đa sức mạnh của não bộ.
“Nhiều sinh viên trong trường tôi nghĩ rằng họ sẽ được điểm cao bằng cách uống ‘thuốc thông minh’. Nhưng chúng thật ra không có tác dụng mấy,” Jandial viết trong cuốn sách mới nhất của mình, “Neurofitness: A Brain Surgeon’s Secrets to Boost Performance and Unleash Creativity.”
Dưới đây là 3 cách tốt nhất để cải thiện hiệu suất não bộ mà ai cũng có thể làm được, theo Jandial.
Bỏ bữa sáng 2 lần/tuần
Đa phần chúng ta đều được khuyên rằng, phải ăn sáng đầy đủ thì cơ thể mới khỏe mạnh. Tuy nhiên, có nghiên cứu đã chỉ ra, nhịn ăn sẽ giúp tinh thần tỉnh táo và đánh thức các giác quan, đồng thời cải thiện hoạt động của não bộ.
Cứ 2 ngày mỗi tuần, tự bản thân Jandial sẽ thực hiện nhịn ăn không liên tục. Anh sẽ ăn bình thường trong 8 tiếng, từ 9h sáng đến 5h chiều, sau đó không ăn gì ngoài uống nước, cà phê hoặc trà trong vòng 16 tiếng tiếp theo để cải thiện khả năng nhận thức.
Việc nhịn ăn trong 16 tiếng (bao gồm cả thời gian ngủ) sẽ hỗ trợ sự tồn tại và phát triển của các nơron thần kinh trong não. nơron có chức năng truyền tải thông tin đến các vùng khác nhau trong não và phần còn lại của hệ thần kinh. Vì thế, nếu cá nơron thần kinh của bạn khỏe mạnh và hoạt động ở mức tối đa, thông tin sẽ được truyền đi nhanh hơn và chính xác hơn. Nhờ vậy, bạn sẽ tập trung hơn, tiếp nhận và lưu trữ thông tin dễ dàng hơn, cải thiện khả năng nhận thức.
Một nghiên cứu khác tại ĐH John Hopkins cũng cho thấy, việc nhịn ăn không liên tục sẽ giúp não bộ “ngăn ngừa các bệnh suy giảm chức năng thần kinh như Alzheimer và Parkinson, đồng thời cải thiện trí nhớ và tâm trạng.”
Theo Jandial, cách dễ nhất để vượt qua 16 tiếng là bỏ bữa sáng. Mọi người tin rằng bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, nhưng anh cho biết không có bằng chứng nào ủng hộ giả thuyết đó.
Bản thân Jandial luôn thực hiện việc nhịn ăn trong 16 tiếng vào thứ 2 và thứ 5 mỗi tuần. Anh sẽ bỏ luôn cả bữa sáng lẫn bữa trưa và tiếp nhận toàn bộ calories của một ngày trong bữa tối. Anh cho biết, mặc dù anh ăn theo chế độ MIND để tốt cho não (gồm hoa quả, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đỗ và các loại hạt – cùng với cá và một số loại gia cầm), “chuyện bạn ăn bao nhiêu hay ăn gì đều không quan trọng.)
Tuy nhiên, Jandial khuyên rằng, mỗi cá nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử nhịn ăn. Một số nhóm người như người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em không nên áp dụng phương pháp này. Ngoài ra, việc nhịn ăn quá đà hay nhịn ăn quá 24 tiếng cũng sẽ gây nguy hiểm khôn lường.
Hít thở sâu
Để bình ổn tâm trí trước khi bước vào môi trường làm việc hay sinh hoạt căng thẳng, Jandial khuyên mọi người nên hít thở sâu và chậm trong vòng 5 phút.
“Trước khi đi gặp sếp hay đi làm hàng ngày, hãy tìm một nơi để hít thở một cách chậm rãi. Hãy hít vào bằng mũi trong 4 nhịp, sau đó giữ vài giây trước khi thở ra từ từ bằng mồm trong 4 nhịp,” anh hướng dẫn.
Áp dụng phương pháp hít thở này 2 lần/ngày sẽ giúp bạn suy nghĩ nhanh hơn, nhạy hơn và sáng tạo hơn. Đây cũng chính là điều thúc đẩy hiệu suất làm việc của bạn. Ngoài ra, ĐH Oregon (Mỹ) cũng chứng minh, hít thở sâu 1 tiếng/ngày trong vòng 11 ngày sẽ giúp cải thiện hiệu năng của não bộ, giúp chúng ta dễ dàng đạt được mục tiêu của mình.”
Đứng lên hoặc đi lại tại cơ quan
Theo Jandial, hãy cố gắng đứng hoặc đi lại nhiều nhất có thể khi ở cơ quan.
“Khi bạn đứng thẳng hoặc đi lại, não bộ sẽ sản sinh ra BDNF (yếu tố dưỡng thần kinh bắt nguồn từ não). BDNF không phải là hormone, mà là yếu tố tăng trưởng, một dạng protein cho não. Nó giúp não phát triển và hoạt động hiệu quả hơn,” Jandial cho biết.
Những yếu tố này sẽ bảo vệ hơn 90 tỷ nơron thần kinh trong đầu chúng ta, cải thiện quá trình giao tiếp qua xung điện giữa các nơron, từ đó giúp não hoạt động hiệu quả nhất.
Jandial giải thích, bằng việc đứng hoặc đi lại, bạn đang “tặng” cho não những liều “thuốc thông minh” mà không cần thực sự uống thuốc.
“Đa số mọi người đều không nhận ra rằng họ đã có sẵn ‘thuốc thông minh’ trong đầu mình để có thể làm việc hiệu quả hơn,” anh kết luận.
Theo Trí thức trẻ/CNBC