Tin tức Đời sống - xã hội

Nhà cao cửa rộng, chồng giỏi con ngoan nhưng tôi vẫn bị trầm cảm mà không ai biết: Làm việc để sống, đừng sống để làm việc!

 

Mọi tài sản vật chất cũng trở nên vô giá trị nếu chúng ta chẳng còn tinh thần hay tâm trí để tận hưởng chúng.

 

Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà mọi thứ đều bị phơi bày trên mạng. Chỉ cần lướt vài phút trên Facebook, bạn sẽ thấy hằng hà sa số những bài viết của bạn bè và người quen, bàn tán, khoe khoang về đủ mọi loại chủ đề. Tuy nhiên, có một khoảng cách sâu tồn tại giữa những ảo tưởng trên mạng xã hội và cuộc sống thực tế mà không phải ai cũng nhìn ra.

Sự thực là, đôi lúc cuộc sống cũng trở nên áp lực, cô đơn và đáng thất vọng. Tuy nhiên, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy những tính từ ấy được sử dụng trên Facebook hay bất cứ các bữa tiệc nào.

Sau khi tốt nghiệp, tôi mở một công ty phần mềm chỉ với 100 USD trong tay. Cuối cùng, tôi bán lại nó cho Intuit – một tập đoàn tài chính và công nghệ lớn – với giá 20 triệu USD. Tôi tiếp tục kinh doanh, xây dựng thêm một công ty trị giá cả trăm triệu USD khác. Tôi có một người chồng tuyệt vời (anh cũng là đối tác kinh doanh của tôi) và 4 đứa con ngoan ngoãn, xinh đẹp, tài năng. Tôi đã từng xuất hiện trên đài phát thanh, TV và báo giấy. Trừ một vài lần đãng trí, tôi có một cuộc sống mà nhiều người nghĩ là trọn vẹn, đáng mơ ước.

Thế nhưng, đó chỉ là một phần của câu chuyện. Bên dưới nụ cười kia, sự nghi ngờ về bản thân cũng như nỗi lo âu bất chợt đang len lỏi trong con người tôi.

Mỗi sáng thức dậy, tôi lại lo lắng rằng chúng tôi đang tiêu quá nhiều tiền, rằng tôi sẽ làm chồng mình thất vọng. Tôi lo doanh số sẽ sụt giảm. Tôi chưa nỗ lực đủ, và tôi sẽ phải sai thải một vài nhân viên. Tôi hay bị hoảng sợ bất chợt đến nỗi không thể lái nổi xe. Có lần, tôi ngất xỉu ngay trên sàn phòng tắm. Khi được phỏng vấn về thành công của mình, tôi cảm thấy mình như một kẻ lừa đảo. Cái ngày tôi bán đi công ty khởi nghiệp để đổi lấy 20 triệu USD, tất cả những gì còn lại chỉ là một cảm giác trống rỗng, vô định: Được rồi, giờ mình phải làm cái quái gì đây?

Chúng ta đều là con người – đều sẽ phải đối mặt với khó khăn, dù là vô hình hay hữu hình. Tôi từng tin rằng việc trở thành CEO và giàu có sẽ giúp tôi hạnh phúc. Nhưng giờ tôi mới nhận ra, chúng ta đều có những góc tối cần phải xử lý. Chỉ là chúng ta có xu hướng giữ im lặng về chúng, không tiết lộ với ai trong cuộc sống.

Trong quá trình đối đầu với căn bệnh lo âu và trầm cảm đang gặm nhấm mình, tôi đã học được vài bài học hữu ích để có thể tiếp tục công việc kinh doanh của mình.

 

Bạn không phải là công việc

Suốt hơn 10 năm, tôi cho phép mình định nghĩa bản thân thông qua các số liệu kinh doanh – doanh thu, lợi nhuận, đánh giá từ khách hàng và độ hài lòng của nhân viên. Vấn đề là mỗi khi gặp thất bại, tôi đều tự đổ lỗi cho bản thân. Từng sai lầm trở thành nhát dao cứa vào lòng tự trọng và các giá trị con người của tôi. Từng quyết định trở nên đáng sợ tới nỗi tôi không thể đưa ra. Ngay cả những việc đơn giản nhất cũng khiến tôi đau đớn.

Tuy nhiên, bạn không phải là công việc. Công việc bắt nguồn từ đam mê, sáng tạo và sự chăm chỉ. Đó chỉ là một khía cạnh, không thể đại diện cho toàn bộ con người bạn. Nếu có con, bạn sẽ nhận ra rằng con cái cũng có suy nghĩ và danh tính của riêng chúng. Con cái phản ánh một phần của phụ huynh, nhưng chúng không phải là bạn và bạn cũng không phải là chúng. Điều đó cũng tương tự với công việc.

Hãy sống một cuộc đời cân bằng bao quanh mọi khía cạnh của con người bạn – giá trị, gia đình, bạn bè, sở thích, các dự án cá nhân và mối quan tâm khác. Bạn cần biết rằng, bên cạnh công việc, bạn vẫn sở hữu nhiều thứ khác trong nay. Đừng bao giờ dùng thành công để làm thước đo cho giá trị con người mình.

 

Chăm sóc sức khỏe của bản thân

Càng căng thẳng, các doanh nhân lại càng hay bỏ bê sức khỏe thể chất, khiến cho sức khỏe tinh thần cũng tệ theo. Bạn ăn uống không đủ chất. Bạn thiếu ngủ. Bạn ngủ với điện thoại đặt bên cạnh. Bạn quá bận rộn để tới phòng tập. Tuy nhiên, khi bạn hành hạ cơ thể mình như vậy, tâm trạng và tinh thần bạn cũng sẽ gánh hậu quả.

Sau khi nhận ra sự liên quan giữa tình trạng căng thẳng, kiệt quệ,và hoảng loạn của bản thân. Tôi bắt đầu thực hành một số biện pháp đơn giản như thư giãn bằng tinh dầu, uống trà xanh và thiền. Mỗi sáng, tôi sẽ tới phòng gym hoặc câu lạc bộ nhảy. (Nó quan trọng không kém những cuộc hẹn khác trên lịch của tôi).

Tôi cũng học được cách thay đổi tư duy về công việc và thời gian nghỉ ngơi. Điện thoại di động cùng cái tôi của mỗi người tạo ra một cảm giác cấp bách quá mức, khiến bạn nghĩ rằng mình phải trả lời thư điện tử, tin nhắn, thư thoại ngay lập tức. Thế nhưng, sự thật là thế giới này cũng chẳng thể sụp đổ được chỉ vì bạn không kiểm tra email mỗi tối.

 

Đặt thời gian biểu phù hợp

Mọi người thường bị cuốn theo công việc kinh doanh vì muốn tự mình kiểm soát sự nghiệp và cuộc sống. Thế nhưng, thực tế lại không như vậy: bạn sẽ sớm thấy bản thân bị giằng xé giữa hàng đống công việc, phải trả lời mọi cuộc gọi từ khách hàng, nhà đầu tư, truyền thông, đối tác, nhân viên,,… Khi có quá nhiều việc phải lo, bạn sẽ trở nên cáu kỉnh và không thể thấy được bức tranh toàn cảnh.

Dù là CEO hay doanh nhân, bạn cũng cần đặt thời gian biểu hợp lý. Bạn chẳng thể làm hài lòng tất cả mọi người (đây là điều quan trọng mà tôi đang cố học). Bạn phải tập trung cho những ưu tiên hàng đầu có lợi cho chính mình và công việc. Bạn có thể tiếp tục nói có với mọi thứ, nhưng hãy đảm bảo rằng bạn chỉ làm những điều trong khả năng của mình, thay vì cố gắng đến kiệt sức.

 

Dũng cảm thừa nhận tình trạng của mình

Ai làm lãnh đạo cũng đều nếm trải cảm giác cô đơn. Sự cô đơn ấy còn nhân gấp bội khi bạn cảm thấy cần phải che giấu cảm xúc của bản thân, cố gắng giả vờ vui vẻ cho tới khi điều đó thành thật.

Bạn nên chia sẻ cảm xúc thật và những nỗi sợ của bản thân với người khác, có thể là bạn đời, bạn bè, đồng nghiệp hay nhân viên. Nếu bạn gặp khó khăn, hãy kể với ai đó. Có thể điều này sẽ khiến bạn sợ hãi lúc ban đầu, nhưng nó sẽ giúp cải thiện tình trạng của bạn. Khi bạn mở lòng và thành thật về cảm xúc của mình, bạn sẽ cảm thấy gắn kết hơn với mọi người xung quanh.

Tôi cảm thấy thoải mái hơn khi thừa nhận rằng công ty mình cũng có những lúc thăng trầm. Bằng cách rũ bỏ ảo tưởng rằng mọi thứ đều hoàn hảo, tôi mới đưa ra được những quyết định khôn ngoan trong kinh doanh. Tôi không còn bị đe dọa bởi nỗi sợ hãi hay xấu hổ nữa.

 

Tìm chuyên gia giúp đỡ

Quan trọng nhất, đừng ngại tìm sự trợ giúp. Nếu bị trầm cảm hoặc lo âu cực độ, hãy tìm gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ trị liệu. Theo tôi, dù có triệu chứng của những căn bệnh này hay không, bạn cũng nên đi kiểm tra hàng tuần hoặc hàng tháng. Trị liệu sẽ giúp bạn định hướng những vấn đề cụ thể, cũng như cho bạn có thời gian suy ngẫm và trưởng thành. Dành thời gian để đi trị liệu tâm lý là một trong những khoản đầu tư tốt nhất mà bạn có thể bỏ ra khi trở thành doanh nhân hay người lãnh đạo.

Tôi không bắt ai phải từ bỏ công việc hay kinh doanh. Dẫu có gặp trở ngại, tôi cũng sẽ không chọn con đường nào khác. Tôi hy vọng những trải nghiệm của mình sẽ phần nào giúp được mọi người. Đừng bao giờ xấu hổ vì gặp khó khăn. Cuộc sống không hề dễ dàng cho bất cứ ai cả.

 

 

Theo Trí thức trẻ/Mashable