Tin tức Đời sống - xã hội
Người thông minh làm công cho giấc mơ của mình, kẻ ngu ngốc chỉ biết đánh đổi giấc mơ cho người khác: Bạn thuộc loại người nào?
Con người sống trên đời này càng lớn càng phải chịu nhiều áp lực. Áp lực vì những suy nghĩ trong nội tâm của bản thân và lời nói của người ngoài. Thế nên có nhiều người chỉ biết lao đầu vào công việc mình không thích, kiếm một cái việc làm gọi là “ổn định” để sống qua ngày, để “đối phó” với “cái miệng của người khác. Nhưng sự “mù quáng” đó, chỉ khiến họ mãi thất bại.
Nhân dịp tết Tây vừa rồi, tôi và những người bạn cấp ba tổ chức họp lớp. Tuy số người đi không đủ cả lớp, nhưng cũng được hơn 30 người. Phần lớn đã lập gia đình, sinh con, có một số người còn độc thân. Mỗi người đều có công ăn việc làm khác nhau.
Lúc mới bắt đầu, chúng tôi còn rất vui vẻ vì đã lâu rồi mới được gặp nhau. Nhưng ba tiếng sau, có vài người bắt đầu thấy chán nản.
Những người thành công thì im lặng, mỉm cười, nói chuyện chừng mực.
Những bạn có công việc ổn định, gia đình êm ấm thì vui mừng kể chuyện, thăm hỏi, cũng có người khoe khoang này nọ.
Những ai thất bại trong tình cảm, gia đình và công việc phần lớn là than vãn, kéo quan hệ, có người thì tự ti ngồi trong một góc tối.
Nói tóm lại, sau 10 năm ra trường, thực sự cái gọi là tiền bạc, địa vị sẽ khiến chúng ta vô tình hoặc cố ý thay đổi rất nhiều thứ.
(01)
Nếu bạn chỉ ngồi ở nhà “ấp ủ giấc mơ”, thì sau 10 năm ra trường, bạn chẳng thay đổi gì ngoài việc “già” thêm 10 tuổi.
Bạn biết những người thành công đều có một đặc điểm chung, đó là gì không?
Đó là họ vừa có ước mơ, vừa có hành động, lại vừa biết được bản thân cần nên làm gì để có thể đạt được mục đích mà mình đề ra. Họ có thể “nghèo” tiền, nhưng tuyệt đối không bao giờ “nghèo” ý chí.
Giai đoạn đầu, họ có thể làm công cho người khác, họ có thể làm những ngành nghề lao động chân tay, họ cũng có thể làm những ngành ít tiền lương, nhưng họ biết được, bản thân làm những ngành này để kiếm vốn, để phục vụ cho ước mơ lớn lao sau này, chứ không phải để làm công suốt đời.
Trong khi những người thất bại thường mang một ý nghĩ, đó là “an phận”.
Những người mắc căn bệnh “an phận” thường có ba dạng:
Một: Họ hài lòng với công việc hiện tại, cảm thấy bản thân đã “đủ” sống, không cần suy nghĩ thêm nhiều về việc học hỏi thêm kĩ năng mới.
Hai: Họ “chê” công việc hiện tại, nhưng lại không dám thay đổi. Họ “đỏ mắt” với người khác, nhưng lại “lười” cố gắng.
Ba: Họ “mờ mịt” về tương lai, chỉ biết kiếm tiền phục vụ nhu cầu tiêu dùng hiện tại và không có dự định hay kế hoạch gì để thay đổi cuộc đời.
Những người thuộc một trong ba dạng này, cả đời không phải thua vì người khác, mà thua ở chính mình.
Chính mình không chịu thay đổi, chính mình không có kế hoạch, chính mình chưa đủ nỗ lực, chính mình chưa đủ mạnh mẽ, lại cứ mượn lí do để biện hộ cho sự thất bại của mình.
(02)
Dù hiện tại bạn đang “làm công”, cũng phải xác định rõ, là làm công cho giấc mơ của chính mình.
Có 3 người: Phong, Kiên và Thành, họ vào công ty làm cùng lúc.
Phong là người có chủ kiến riêng, chấp nhận mức lương thấp với mong muốn học hỏi được nhiều kinh nghiệm.
Kiên là chàng trai đầy nhiệt huyết, ấp ủ giấc mơ trở thành một doanh nhân thành đạt. Thế nên, anh ấy cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc, để đạt thành tích tốt. Vì chỉ có người đạt được thành tích cao nhất mới có thể nhận thêm tiền thưởng. Ngoài ra, chỉ cần không bận việc gì khác, anh đều chấp nhận mọi lời yêu cầu tăng ca từ lãnh đạo.
Thành là người siêng năng, nhưng vẫn chưa xác định được bản thân mình mong muốn điều gì, anh cũng không có mục tiêu cụ thể nào. Trái ngược với hai người kia và những người bạn đồng trang lứa, Thành không biết sau này mình nên làm gì, chỉ nghĩ rằng hiện tại mình nên chăm chỉ làm việc là đủ.
Những người như Thành, đều sẽ khiến cho rất nhiều lãnh đạo ưa thích. Bởi vì anh ta vẫn chưa xác định được “mục đích sống tương lai” của mình. Và hiện tại, anh ta chỉ đang đánh đổi công sức của mình, để làm công cho giấc mơ của người khác.
Cùng là “làm công” cho một công ty, nhưng Phong và Kiên có ước mơ riêng, và biết bản thân cần nên làm gì để hoàn thành ước mơ đó.
Sự khác biệt giữa ba người này, được thể hiện rõ trong kết quả của 3 năm sau:
Phong đề nghị lãnh đạo tăng lương nhưng không được nên đã xin từ chức, đổi sang công ty mới với vị trí quản lý, lương cao hơn gấp 3 lần so với công ty cũ.
Kiên để dành được hơn 200 triệu làm tiền vốn kinh doanh. Anh mang theo số tiền này và những kiến thức, kinh nghiệm mà mình đã học được trong suốt 3 năm qua ra ngoài kinh doanh riêng. Tuy có gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng không tệ đến nỗi phải từ bỏ.
Cuối cùng là Thành, vẫn đảm nhiệm vị trí cũ ở công ty cũ, tuy mức lương cơ bản có tăng lên mỗi năm theo quy định của nhà nước, nhưng nhìn chung không có quá nhiều thay đổi so với 3 năm trước.
Năm 6 tuổi, bạn nói bạn không biết mình có ước mơ gì, người lớn chỉ cười, xoa đầu bảo bạn còn nhỏ.
Năm 16 tuổi, gần phải thi đại học rồi nhưng bạn lại chưa xác định được mình nên học ngành nào, thầy cô chỉ dịu dàng khuyên bạn 2 năm sau tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh nhất định sẽ biết ngay thôi.
Năm 26 tuổi, bạn xác định được ước mơ rồi, bạn muốn được giàu có như A, địa vị cao như B, tự do tài chính như C, có chồng tốt con ngoan như D,… Nhưng hiện tại bạn vẫn chưa có gì trong tay cả, ngoài cha mẹ, bạn bè thân thiết, người khác nhìn vào chỉ biết gán cho bạn cái mác “vô dụng”.
Nếu đến lúc này bạn còn chưa chịu đặt ra mục tiêu sống cụ thể, và cố gắng hoàn thành nó. Vậy khi người khác “có được”, “đạt được”, bạn chỉ đang mất đi. Mất đi thời gian, mất đi sức khỏe, mất đi tự tin, mất đi khoảng thời gian tốt đẹp nhất để cố gắng và tranh đấu đến cùng.
(03)
Có người từng hỏi tôi: “Sống không định hướng, mù quáng suốt hơn 20 năm trời, có phải đã quá trễ để thay đổi hay không?”
Tôi chắc chắn trả lời: “Không!”
Con người sống trên đời này càng ngày càng lớn càng phải chịu nhiều áp lực. Áp lực vì những suy nghĩ trong nội tâm của bản thân và lời nói của người ngoài. Chính vì vậy nên mới có câu: “Càng trưởng thành càng cô đơn.”
Nhưng bạn biết không, bạn không nên quá tự trách mình về những thất bại trong quá khứ. Bạn nên sống vì hiện tại, lạc quan dự tính cho tương lai và cố gắng hết sức vì mục tiêu đó.
Thế nên, nếu những ai đọc được bài viết này, mà vẫn chưa có mục tiêu rõ ràng cho tương lai, hoặc chưa có hành động cụ thể cho hiện tại, chỉ đang sống “mơ hồ” cho thời gian trôi qua từng ngày. Vậy mong rằng các bạn hãy dành ra một ngày, ngồi ở một nơi yên tĩnh và tự hỏi chính mình: “Tôi đang làm việc mệt mỏi hằng ngày là vì điều gì?”
Người thông minh làm công cho giấc mơ của mình, kẻ ngu ngốc chỉ biết đánh đổi giấc mơ cho người khác. Bạn muốn trở thành loại người nào, người khác nói không tính, mà chính bạn mới là người quyết định.
Theo Trí thức trẻ