Tin tức Đời sống - xã hội
Người ta liên tục thăng chức, tăng lương còn mình thì “giậm chân tại chỗ” dù chăm chỉ hơn người: Con đường bế tắc đôi khi chính do 5 lý do “ngầm” này
Làm việc cần mẫn là điều cần thiết nhưng vẫn chưa đủ để bạn có những bước tiến xa trong công việc. Bởi đôi khi, thăng chức hay không lại phụ thuộc vào những điều quan trọng mà không phải ai cũng ý tới, đặc biệt là 5 điều sau.
Đến công ty thật sớm và làm việc chăm chỉ không có nghĩa bạn sẽ được thăng chức. Siegel, CEO của ZipRecruiter cho hay rằng, bạn cần phải làm được nhiều hơn thế, và đóng góp theo những cách ngoài dự kiến.
“Hoàn thành công việc của bạn tốt nhất có thể và cứ ba tháng một lần, hãy khiến chúng tôi bất ngờ về một điều gì đó. Đấy là lúc để bạn tăng sự kỳ vọng của chúng tôi và từ đó bạn sẽ có cơ hội để nắm giữ một vị trí cao hơn,” ông chia sẻ.
Nhưng nếu bạn nghĩ rằng mình đang làm điều đó mà vẫn chưa nhận được phần thưởng xứng đáng thì có lẽ là do 5 lý do tưởng nhỏ mà lớn này.
1. Bạn không yêu cầu
Sếp thường phải chịu trách nhiệm quản lý rất nhiều người nên bạn cần chủ động đưa việc phát triển sự nghiệp của mình vào “tầm ngắm” của sếp, và đừng bao giờ xấu hổ khi đưa ra lời yêu cầu về việc thăng chức.
“Hãy đưa việc đó thành một chủ đề thực sự của cuộc nói chuyện. Bạn cần chia sẻ nguyện vọng của mình với sếp theo cách thật cởi mở và cụ thể, đồng thời hãy hỏi xem chính xác thì bạn nên làm gì để được thăng chức,” Joel Garfinkle, cố vấn chuyên gia kiêm tác giả cuốn “Getting Ahead: Three Steps to Take Your Career to the Next Level” đưa ra lời khuyên.
2. Không thể hiện được các kỹ năng lãnh đạo
Việc hoàn thành tốt công việc cho thấy bạn là một nhân viên giỏi nhưng không có nghĩa bạn cũng sẽ là một nhà lãnh đạo tài năng. Kathy Caprino, huấn luyện viên sự nghiệp và điều hành cho biết “Làm việc chăm chỉ và tận tụy không đồng nghĩa với việc bạn sẽ được thăng chức… Bạn phải chứng tỏ được rằng, bạn sẽ trở nên tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho công ty khi ở cấp bậc cao”.
Nói cách khác, bạn nên tìm cơ hội để thể hiện khả năng lãnh đạo của mình như nhận một công việc mới để lãnh đạo, chủ động xin quản lý một dự án mới hay tình nguyện dạy một buổi về công việc thuộc chuyên môn của bạn. “Xuất hiện trước mọi người theo những cách như vậy giúp bạn chứng tỏ được những khả năng mà công việc thường ngày không cho phép bạn bộc lộ,” Caprino cho hay.
3. Quá khiêm tốn
Sếp của bạn có thể không biết được tất cả những lý do để phải thăng chức cho bạn. Không có ai thích một người hay khoe khoang cả nhưng bạn nên thể hiện sự làm việc chăm chỉ và những thành tựu bạn đạt được. Việc thiếu đi sự rõ ràng có thể là một rào cản đối với con đường thăng tiến, Garfinkle nói.
Anh chia sẻ “Đừng nghĩ rằng việc bạn làm việc chăm chỉ sẽ được chú ý tới” nên hãy học cách bộc lộ điều đó sao cho hiệu quả, và bạn cần “có một suy nghĩ rằng bạn đang chia sẻ một sự thật hiển nhiên”. Anh cũng gợi ý thêm rằng chúng ta nên thường xuyên gửi báo cáo tiến độ công việc của các dự án cho sếp.
“Đó là tư duy của việc cung cấp thông tin cho sếp để giúp anh ấy hoặc cô ấy thông hiểu về dự án và những thành công, và rằng bạn đóng vai trò như một mảnh ghép trung tâm trong những câu chuyện đó”.
4. Không có những mối quan hệ tốt
Một trọng những nhu cầu thiết yếu đối với mỗi người khi đi làm có lẽ là được cấp trên và cấp dưới tôn trọng. “Nếu sếp không thích bạn thì bạn khó có thể thăng chức được,” Caprino cho hay.
Bên cạnh đó, việc trở thành thành viên trong một nhóm cũng là một nhu cầu cốt yếu vì theo Blair Decembrele, chuyên gia sự nghiệp của LinkedIn thì “hòa hợp với những người khác là điều đặc biệt quan trọng để mọi người nhìn nhận bạn như một cộng sự đáng được quý trọng”.
Vậy nên, hãy chủ động yêu cầu đồng nghiệp đưa ra lời nhận xét của họ sau một dự án hoặc công việc. Điều đó sẽ giúp bạn mở rộng sự giao tiếp và giữ các mối quan hệ bền chặt và vui vẻ, cô nói thêm.
Việc thiết lập hệ thống những cố vấn và người bảo đảm trong khắp công ty cũng có thể giúp bạn tiến lên nấc thang cao hơn trong sự nghiệp. “Bạn cần một cố vấn, người bảo đảm hay ai đó trong công ty mà bạn tin tưởng và tôn trọng để có thể học hỏi từ họ. Một người nào đó quyền lực và sẽ mở ra những cánh cửa cơ hội cho bạn,” Caprino chia sẻ.
5. Không tìm hiểu về công việc ở cấp bậc tiếp theo
Làm tốt công việc không có nghĩa bạn đã sẵn sàng để bước lên vị trí cao hơn, vì thế, đừng chỉ xem bảng mô tả công việc của vị trí hiện tại bạn đang làm. Thay vào đó, bạn hãy xem xét những trách nhiệm của vị trí công việc cao hơn và tìm ra những thiếu sót hoặc vùng kỹ năng và kiến thức mà bạn cần bổ sung, cải thiện.
Garfinkle khuyên rằng chúng ta nên “tìm hiểu về cấp bậc tiếp theo và yêu cầu công việc của nó, tiếp theo hãy xem xét các kỹ năng hiện tại của mình và khả năng để làm ở vị trí đó rồi tiếp tục làm việc và học hỏi để thu hẹp khoảng cách”.
Theo Nhịp sống kinh tế/CNN