Tin tức Đời sống - xã hội
“Không được quá thật thà nhưng nhất định phải làm người chính trực” – 7 bài học về thành công nên dạy con từ tấm bé
Sau nhiều năm tháng tranh đấu trên thương trường, người cha kiêm CEO nổi tiếng nhận ra những bài học giúp con người thành công trong kinh doanh – cũng có thể giúp họ trở thành người tốt.
Con người trong xã hội luôn đau đầu để tìm kiếm sự thành công.
Theo Brian de Haaff, Giám đốc điều hành của Aha! (một trong những công ty phần mềm phát triển nhanh nhất tại Mỹ) thì thành công có thể đem đến sự vui sướng, còn thất bại sẽ khiến người ta đau đớn.
Thế nhưng thất bại không phải là thứ gì đó quá tồi tệ, nếu không đau ta sẽ không cố hết sức để tránh nó!
Brian cho hay, ông và vợ luôn nhắc con cái về điều này. “Nhiều năm vật lộn trên thương trường đã dạy tôi điều đó, nhưng với người trẻ tuổi – chấp nhận thất bại là việc khá khó khăn”.
“Bản năng nói rằng ta phải cố gắng hết sức để giành chiến thắng, nhưng não bộ không phải lúc nào cũng biết ứng biến trước thất bại. Đôi lúc, chúng ta cảm thấy một sai lầm nhỏ bé cũng có thể kéo tụt mọi thứ xuống”.
Hầu hết người làm cha mẹ đều muốn con cái thành công với những lựa chọn của chúng. Là một người cha kiêm doanh nhân giàu kinh nghiệm, Brian luôn muốn chia sẻ niềm tin và những bài học đã đúc kết được với con cái.
Dưới đây là 7 bài học kinh doanh cũng như làm người mà Brian đã dạy các con:
Hãy theo đuổi những mục tiêu lớn, thay vì chăm chăm làm điều nhỏ nhặt
Giành chiến thắng không phải là tất cả, nhưng nó là cột mốc đánh dấu sự thành công.
Chúng ta cạnh tranh với mong muốn đạt được điều gì đó tuyệt vời. Đối với một công ty, giành chiến thắng chính là xác định tầm nhìn và không ngừng theo đuổi kế hoạch mình đã đặt ra. Muốn giúp con cái đạt được những gì chúng muốn, hãy đưa ra phương pháp tiếp cận những mục tiêu từ nhỏ đến lớn sao cho phù hợp với lứa tuổi.
Không được quá thật thà nhưng nhất định phải làm người chính trực
Tôi không tin và cũng không theo đuổi chiến thắng bằng mọi giá. Không có chiến thắng nào đáng để chúng ta đánh mất con người mình.
Những người đánh đổi bản thân để có được những gì mình muốn luôn hy vọng họ sẽ không bao giờ bị phát hiện. Thay vào đó, hãy xác định xem chiến thắng đó có xứng đáng với bạn hay không, điều này sẽ giúp bạn không làm những việc đáng thất vọng ngay từ những giây phút đầu tiên.
Thất bại không có nghĩa là chấm hết, còn thành công chưa chắc đã có tất cả
Khi trông thấy ai đó gặp phải thất bại lớn trong sự nghiệp, tôi không nghĩ đó là kẻ thua cuộc.
Cho dù là cuộc sống hay kinh doanh, thất bại cũng đem lại nhiều bài học quý giá nhưng chúng ta thường chỉ nhìn vào mặt xấu của nó. Với những đứa con của tôi cũng vậy, tôi dạy chúng cách đối mặt với cả hai thứ: Thất bại không có nghĩa là chấm hết, còn thành công chưa chắc đã có tất cả.
Đã cạnh tranh ắt sẽ khốc liệt, nhưng không cạnh tranh con người sẽ khó lòng phát triển
Khi sống chậm lại để quan sát con người, bạn sẽ nhận ra rằng: Lũ trẻ không quan tâm đến chuyện thắng thua, chúng chỉ muốn được vui vẻ.
Còn khi lớn lên, con người lại sợ bị thua thiệt trên nhiều khía cạnh. Thực chất, những đối thủ mạnh giúp ta biết được bản thân còn thiếu điều gì, cần gì để thích nghi trong cuộc sống và kinh doanh. Có rất nhiều bài học, ý tưởng… đến từ sự cạnh tranh.
Cạnh tranh đương nhiên sẽ khốc liệt, nhưng cứ ở mãi trong vùng an toàn của bản thân sẽ khó lòng phát triển con người.
Muốn tồn tại trong xã hội, không thể thiếu đi sự nhã nhặn và tử tế
Khẳng định quan điểm nhưng vẫn duy trì sự khiêm tốn có thể giúp bạn trở thành một lãnh đạo tốt.
Đội ngũ của tôi tại Aha! sống theo Phương pháp Phản hồi (TRM), bao gồm các nguyên tắc về lòng tốt. Trải qua thất bại có thể giúp con người xây dựng sự đồng cảm và tránh được những bất hạnh về tâm lý khi phân loại con người theo kiểu ” người chiến thắng” và “kẻ thua cuộc”.
Kẻ cô độc hiếm khi tìm thấy thành công – muốn chiến thắng thì phải có đồng đội!
Xã hội là một mớ bòng bong rối rắm – để tồn tại và phát triển, bạn không thể mãi “đơn thương độc mã”.
Trong một đội, kiểu gì cũng có những cá nhân khiến cả tập thể đi chậm lại thậm chí thụt lùi. Dù thành công hay thất bại, hãy nhìn nhận nó một cách trung thực. Nếu đội ngũ của bạn vẫn có thể sửa đổi, họ vẫn đang phát triển.
Biết giúp đỡ kẻ khác là phẩm chất của người thành công
Là một CEO, tôi luôn cố gắng chăm chỉ cho bản thân và cả gia đình. Điều tôi luôn muốn làm là dạy cho lũ trẻ học cách biết ơn vì những gì chúng có. Trên con đường của bất cứ ai, sẽ có người giúp đỡ bạn và ngược lại.
Nếu không học cách biết ơn và trân trọng những con người xung quanh mình, bạn khó mà tồn tại chứ đừng nói đến thành công!