Tin tức Đời sống - xã hội

Hai câu chuyện gửi gắm bài học về tinh thần trách nhiệm và sự phán xét cho những người trẻ mới bước chân vào đời

 

Muốn bước chân ra đời? Hãy học cách chịu trách nhiệm cho lời nói, hành động của bản thân cũng như không vội vàng đưa ra phán xét.

 

Bài học cho những kẻ vô kỷ luật nhưng tự cho mình là thông minh

Vào một buổi tối nọ, 4 sinh viên kéo nhau đi nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng bất chấp kỳ thi quan trọng vào sáng hôm sau.

Họ chụm đầu và dựng lên một kế hoạch “vô cùng thông minh”: Cả 4 người cùng lấy dầu nhớt bôi lên quần áo, mặt mũi của chính mình để trông nhếch nhác nhất có thể và kéo đến gặp giáo sư phụ trách.

Hai câu chuyện gửi gắm bài học về tinh thần trách nhiệm và sự phán xét cho những người trẻ mới bước chân vào đời - Ảnh 1.

 

“Hôm qua chúng em cùng đi ăn cưới một người bạn, nhưng trên đường về không may bị nổ lốp. Chỗ đó lại hoang vu quá nên phải đẩy xe từ khuya đến sáng mà không thấy chỗ sửa. Cả đêm qua chúng em không được ngủ nên chẳng còn minh mẫn mà thi cử nữa”.

Vị giáo sư quay lưng đi nghĩ ngợi một lát rồi cho phép cả 4 sinh viên về nhà nghỉ ngơi, vài hôm nữa sẽ có bài thi khác. Họ rối rít cảm ơn và hứa hẹn sẽ chuẩn bị thật tốt cho kỳ sát hạch này.

Đúng 3 ngày sau, họ đến gặp giáo sư như đã giao hẹn. Ông nói đây là bài thi đặc biệt nên 4 người phải ngồi riêng, không được phép chuyện trò gì hết. Đương nhiên những người này đã chuẩn bị kỹ lưỡng bài vở nên tỏ ra vô cùng tự tin.

Và, bài thi hôm đó chỉ có 2 câu hỏi với tổng điểm 100:

1. Họ tên: __________ (1 điểm)

2. Lốp xe nào bị nổ? __________ (99 điểm)

A. Lốp trước bên trái

B. Lốp trước bên phải

C. Lốp sau bên trái

D. Lốp sau bên phải

Bài học ở đây là gì?

Chính là “chạy trời không khỏi nắng” – Vì bất cứ ai cũng đều phải chịu trách nhiệm cho lời nói và hành động của bản thân, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Dám chịu trách nhiệm là yếu tố cực kỳ quan trọng để bước ra cuộc đời và gây dựng lòng tin với người khác.

Cứ ngẫm mà xem, hầu hết những điều tốt đẹp trong đời người, đều đến từ sự tin tưởng. Mà gốc rễ của lòng tin lại chính là tinh thần trách nhiệm.

 

Hai quả táo của người cha

Một người cha không mấy khá giả đưa cô con gái nhỏ đi chơi vào cuối tuần. Cô bé nhìn thấy người bán táo và tỏ ra rất thèm thuồng. Người cha bèn lục túi và móc ra vài đồng xu, chỉ đủ mua 2 quả.

Cô bé rất vui sướng với 2 quả táo nhưng người cha lại muốn thử lòng con gái một chút. Ông bèn hỏi: “Chia cho cha 1 quả được không?”

Vừa nghe dứt lời, cô bé cắn phập vào một quả, khi cha chưa kịp phản ứng lại cắn thêm một miếng vào quả thứ hai.

Hai câu chuyện gửi gắm bài học về tinh thần trách nhiệm và sự phán xét cho những người trẻ mới bước chân vào đời - Ảnh 2.

Người cha rất sững sờ, ông tự hỏi có phải mình quá nghèo khó nên vô tình khiến con gái trở thành người tham lam như vậy? Ông quyết định thôi băn khoăn và tự cho rằng bản thân đã suy nghĩ quá nhiều, con gái thì quá bé bỏng để hiểu thế nào là sẻ chia.

Trong khi người cha vẫn đang tự thỏa hiệp với suy nghĩ của chính mình, cô con gái liền chìa ra 1 quả táo và nói: “Cha ăn quả này đi, con thấy nó ngọt hơn”.

Câu nói của con gái khiến người cha không nói nên lời, trong khoảnh khắc đó, ông tự cảm thấy xấu hổ vì đã vội vàng quy chụp thói ích kỷ cho thiên thần bé nhỏ của mình.

Bài học ở đây là gì?

Dù là tác phẩm phức tạp và hoàn hảo bậc nhất của tạo hóa, con người vẫn là một cỗ máy xúc cảm, không phải lúc nào cũng biết cách suy nghĩ đúng đắn. Do đó, đừng bao giờ vội vã phán xét những gì mà ta chưa hiểu rõ chân tướng.

Vội vàng là một trong những kẻ thù lớn nhất của con người, một khoảnh khắc vội vã, một lời chì chiết thiếu suy nghĩ đều có thể hủy hoại bất cứ ai.

 

 

Theo Helino