Tin tức Đời sống - xã hội
Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook luôn có thói quen thức dậy mỗi ngày vào lúc 3:45 sáng: Tôi đã thử làm điều đó trong một tuần và đạt được hiệu quả đáng kinh ngạc
Đối với các CEO luôn đầy mệt mỏi và bủa vây bởi công việc như Apple Tim Cook, thì ra khỏi giường lúc 3:45 sáng mỗi ngày quả là một nỗ lực đáng kinh ngạc.
Dave Johnson hiện làm việc tại Los Angeles sau khi trải qua nhiều năm sự nghiệp ở Seattle và Jersey. Ông là một hướng dẫn viên lặn chuyên nghiệp, tay trống giỏi và là tác giả của khoảng ba chục cuốn sách.
Dưới đây là những chia sẻ của ông về hiệu quả công việc bản thân đạt được sau khi áp dụng thói quen thức dậy vào 3:45 sáng mỗi ngày của Tim Cook.
Thói quen đó thực sự có thể mở ra chìa khóa cho năng suất và thành công không?
Tôi là một người làm việc tự do toàn thời gian tại nhà. Vì vậy, về cơ bản, tôi có thể linh hoạt trong việc thiết lập giờ của riêng mình. Thông thường, tôi thức dậy khoảng 6:30 sáng và sau khi tập thể dục, tôi bắt đầu ngày làm việc của mình vào lúc 8 giờ.
Nhưng khoảng thời gian trong ngày đó không bao giờ đáp ứng đủ số lượng công việc của tôi. Tôi liên tục nhận một loạt các nhiệm vụ được giao, những cuộc phỏng vấn qua điện thoại, email, sản xuất và chỉnh sửa podcast hàng tuần. Tôi thường làm việc đến khoảng 7 giờ tối, nhưng có những ngày tôi ngồi trước màn hình cho đến khi đi ngủ thiếp đi vì quá mệt.
Tôi đã nghĩ có thể một thói quen khác sẽ giúp tôi kiểm soát ngày của mình một cách tốt hơn. Vì vậy, tôi quyết định đặt lại báo thức trong vòng một tuần – từ thứ 2 đến thứ 6, để xem liệu thói quen của Cook có thể tạo ra sự khác biệt hay không.
Đây là danh sách những ngày trải nghiệm của tôi khi thức dậy như CEO Apple, Tim Cook:
Chủ nhật: Tôi đi ngủ lúc 8:30 tối, kết thúc công việc nhanh nhất có thể để đi ngủ sớm
Chúng ta đều biết Ben Franklin, Chủ tịch Hội đồng Hành pháp Tối cao Pennsylvania thứ 6, đã nói gì về giấc ngủ. Có một sự thật rõ ràng là bạn không thể dậy sớm thành công trừ khi bạn đi ngủ sớm. Vào bữa tối ngày Chủ nhật, tôi đã làm một bài toán đơn giản: Để có được 8 giờ ngủ, tôi phải nằm trên giường từ lúc 7:45 tối. Điều đó chỉ đơn giản là không bao giờ có thể xảy ra với tôi. Nó làm tôi nhớ lại khung giờ nghiêm ngặt mà tôi bị buộc phải tuân theo khi còn là sĩ quan cấp thấp trong Không quân. Làm việc theo ca 12 giờ trong 5 ngày, 4 ngày sau đó sẽ được ngủ bù, không phải làm việc và chu trình đó cứ lặp đi lặp lại như vậy.
Nhưng bây giờ tôi đã trưởng thành và giờ đi ngủ cũng không còn tuân theo nguyên tắc đó nữa. Vì vậy, tôi đã thỏa hiệp với bản thân bằng cách đi ngủ lúc 8:30 tối.
Thứ 2: Tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng và lạc quan sau khi thức dậy và tập thể dục vào lúc 3:45 sáng
Với 7 tiếng ngủ liền mạch như vậy, 3:45 sáng đến rất nhanh chóng. Tôi chui ra khỏi giường để tránh việc ngủ thiếp đi và ngay lập tức bắt tay vào ngày của mình: tập thể dục, tắm rửa và ổn định công việc.
Tin tốt là ngay cả khi tập luyện cường độ cao trong khoảng 30 phút vào đầu ngày, tôi đã yên vị ở bàn làm việc vào lúc 5:30 sáng. Và tôi đã có thể hoàn thành công việc dang dở trước 9:30 sáng, điều mà trước kia tôi không bao giờ có thể làm được.
Vào khoảng thời gian khi nhiều người vẫn đang dùng bữa sáng, thì tôi đã hoàn thành được một nửa ngày làm việc của mình. Mặc dù nó thực sự chỉ sớm hơn một vài giờ, nhưng về mặt tâm lý, tôi cảm thấy một sự thúc đẩy to lớn khi nhìn thấy một nửa số việc cần làm đã được hoàn thành sớm trong ngày. Bây giờ, tôi có thể thoải mái dành một giờ để xử lý email mà không phải lo lắng gì nữa.
Thứ 2 là một khởi đầu tuyệt vời. Mặc dù tôi không muốn ra khỏi giường một chút nào nhưng năng lượng của tôi vẫn cao trong suốt cả ngày. Và tôi đã có thể tắt máy tính vào khoảng 6 giờ tối. Điều này khiến tôi cảm thấy bản thân năng suất và tự tin hơn rất nhiều.
Thứ 3: Tôi nhận thấy rằng thói quen ăn uống của mình đã thay đổi, vì tôi phải ăn nhẹ nhiều lần trong ngày
Thật không may, giờ đi ngủ trượt xuống gần 10 tối vào thứ 2, nhưng tôi đã tự nhủ với bản thân mình rằng nó vẫn ổn, dù sao thì tôi cũng đã quen với khoảng sáu tiếng ngủ một ngày.
Khi chuông báo thức kêu, tôi ngay lập tức thực hiện các hoạt động cần phải làm. Tôi là người luôn thích tuân thủ theo lịch trình mình đã đề ra, vì vậy bản thân cảm thấy rất háo hức khi tập thể dục, tắm rửa, và ổn định công việc.
Đây là ngày mà tôi nhận thấy thói quen ăn uống của mình đã thay đổi khi theo lịch trình của Tim Cook. Tôi thường không phải là một người thích ăn sáng. Nhưng khi bạn ra khỏi giường lúc 3:45 sáng, thời gian tới bữa trưa kéo dài suốt 8 giờ đồng hồ. Vào thứ 2 và thứ 3, tôi có những cơn đói khủng khiếp và phải lập tức ăn sáng vào lúc 7 giờ. Nhưng đến 10 giờ sáng, dạ dày của tôi lại réo lên và tôi tiếp tục ăn thêm một chút đồ ăn nhẹ. Nếu bữa trưa chỉ cách bốn hoặc năm giờ sau khi ngày làm việc bắt đầu, tôi có thể chịu được. Nhưng 8 giờ đồng hồ là quá dài đối với tôi.
Mặt khác, tôi phát hiện ra rằng thức dậy lúc 3:45 sáng trong ngày ở West Coast là một lợi thế cho những người như tôi, người cần liên lạc với nhiều nơi khác nhau tại New York. Thông thường, khi tôi mở Outlook lúc 8 giờ sáng, thì lúc đó đã là 11 giờ East Coast – Đông Duyên hải Hoa Kỳ, và phải bắt kịp với các email được gửi cho tôi trước đó nhiều giờ đồng hồ.
Nhưng vào thứ 3, tôi nhận ra rằng nếu tôi lên lịch lại vào buổi sáng, tôi có thể quản lý email lúc 6 giờ. Điều này thậm chí giúp tôi gửi email trước khi nhiều người ở New York xuất hiện tại văn phòng của họ. Thức dậy sớm hơn để kiểm soát sự chênh lệch múi giờ quả là một điều tuyệt vời.
Thật không may, không có 8:30 tối (hoặc thậm chí 10 giờ tối), giờ đi ngủ, đối với tôi hôm nay. Vì phải đi xem một chương trình đã đặt chỗ trong nhiều tuần, tôi không thể về nhà cho đến 11 giờ đêm.
Thứ 4: Tôi đã ngủ rất ít và cảm thấy uể oải sau khi bỏ tập
Thứ 4 đối với tôi không phải là một ngày tốt. Chỉ có 4 tiếng đồng hồ để ngủ khiến tôi giống như một thây ma ngay sau khi thức dậy. Tôi ngồi trên giường trong nửa giờ, kiểm tra tin tức và theo dõi hoạt động trên Twitter về một câu chuyện tôi đã xuất bản ngày hôm trước. Tôi thực sự muốn dành một chút thời gian để gửi email, nhưng hộp thư đến của tôi trống rỗng.
Đây là mặt trái của lợi thế gửi email sáng sớm mà tôi phát hiện ra ngày hôm qua. Đó là sớm đến mức ngay cả người nhận vẫn chưa thức dậy. Và thứ tư kéo dài như thế suốt cả ngày. Kể từ khi bỏ qua bài tập thể dục buổi sáng, mức năng lượng của tôi vẫn luôn ở mức tương đối thấp.
Tôi bắt đầu nghi ngờ về sự khôn ngoan trong việc lên kế hoạch công việc của mình. Tôi đã làm việc không hiệu quả cả ngày hôm đó. Tôi dành một khoảng thời gian dài để lên mạng xã hội thay vì viết hoặc nghiên cứu tài liệu. Nhưng sau đó vì lo lắng về thời hạn gửi báo cáo nên tôi đã trở lại làm việc một vài giờ sau bữa ăn tối. Cuối cùng, tôi đã không đi ngủ cho đến khoảng 10 giờ tối.
Thứ 5: Việc thiếu ngủ ảnh hưởng đến khả năng làm việc của tôi
Báo thức của tôi vẫn tiếp tục tắt lúc 3:45 sáng – sớm hơn ba giờ so với thời gian thức dậy thông thường – tôi đã bắt đầu bình thường hóa trải nghiệm thức dậy trước cả những con gà trống.
Mang theo cảm giác mệt mỏi và khó chịu từ ngày hôm trước, cộng với đống tài liệu chưa giải quyết xong, tôi quyết định bỏ qua việc tập luyện của mình trong ngày thứ hai liên tiếp.
Đó là quyết định sai lầm mà tôi đã phạm phải. Cook rõ ràng luôn dành thời gian để đến phòng tập thể dục mỗi ngày trong khi ông phải điều hành một trong những công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới. Lẽ ra tôi phải dành nửa giờ thời gian buổi sáng để tập luyện, nhưng tôi lại bị kìm kẹp bởi sự lo lắng công việc một cách phi lý.
Và do bộn bề công việc nên giờ đi ngủ của tôi đã quay trở lại như lúc trước, trong khi tôi vẫn phải tiếp tục thức dậy lúc 3:45 sáng. Tôi thực sự có thể cảm thấy thiếu ngủ bắt đầu ảnh hưởng đến sự tỉnh táo, mức năng lượng và tâm trạng của mình.
Thứ 6: Tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng, trở lại lịch trình với thói quen tập thể dục và làm việc. Tôi đã giải quyết các dự án công việc bằng cách chia thời gian của mình thành những đoạn ngắn
Mặc dù một lần nữa, tôi lại không ngủ đủ giấc (tôi đi ngủ vào khoảng 10 giờ tối thứ năm), nhưng khi thức dậy, tôi vẫn tràn đầy năng lượng. Có lẽ vì trong tiềm thức, tôi biết rằng mình sẽ được ngủ bù vào cuối tuần.
Cảm nghĩ sau khi thực hiện thói quen thức dậy vào 3:45 sáng của Tim Cook
Và thế là kết thúc một tuần thức dậy theo thói quen của CEO Apple, Tim Cook. Nhìn lại quãng thời gian đó, tôi nhận ra bản thân khó có thể lặp lại thói quen của những người thành công mà không biết rõ động cơ của họ đằng sau điều này là gì. Sau cuộc thử nghiệm này, tôi quyết định áp dụng thời gian thức dậy mới là 4:30 sáng.
Theo tôi, sai lầm mà nhiều người mắc phải khi cố gắng bắt chước thói quen của những người thành công là họ không biết rõ bản thân thực sự muốn gì khi làm những điều đó.
Hầu hết chúng ta khi nghe nói rằng một CEO thức dậy lúc 4 giờ sáng, hoặc không bao giờ làm việc trên bất kỳ dự án nào quá 25 phút, thì thường vội vàng thử làm theo họ.
Cook thức dậy lúc 3:45 sáng vì ông phải dành thời gian đó để ngày sắp xếp lịch trình làm việc, các cuộc họp. Và điều đó giúp ông có thời gian để chăm sóc sức khỏe, giải quyết các hộp thư đến.
Nhưng bạn và tôi thì sao? Chúng ta nên biết rõ chính mình trước khi thay đổi một điều gì đó. Tôi thích làm việc sớm nhưng không có nghĩa là tôi sẽ thức dậy lúc 3:45 sáng. Đơn giản là nó không bền vững, vì tôi vẫn có các hoạt động buổi tối đều đặn và mong muốn giữ một chút cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Ngay khi tôi hoàn thành trải nghiệm này, tôi lập tức chuyển sang lịch trình mới của mình: thức dậy lúc 4:30 sáng. Điều này sẽ dễ dàng hơn khi đi ngủ lúc 11 giờ tối và vẫn giúp tôi có nhiều giờ để làm việc vào sáng sớm, xử lý email và giải quyết một lượng lớn công việc.
Cảm ơn Tim Cook, vì đã tạo động lực giúp tôi mở ra một quỹ đạo làm việc mới trong cuộc sống của mình.
Theo Trí thức trẻ/Business Insider