Tin tức Đời sống - xã hội
“Đánh đổi đi tù 1 năm để lấy 3 tỷ, bạn có chịu không?”: Câu hỏi phỏng vấn khiến tất cả ứng viên đau đầu, chỉ một người đứng dậy thể hiện tính cách mà công ty nào cũng truy tìm
Tìm người tài năng không khó, nhưng tìm được một người sẵn sàng trung thành và tận tâm với công ty thì nhất định phải có tính cách này.
Ngày nay, muốn vào được các công ty lớn đầu ngành và có danh tiếng, các ứng viên phải trải qua những cuộc phỏng vấn ngày càng khó khăn hơn. Đôi khi, không phải cứ có kinh nghiệm hay năng lực là đã đủ điều kiện để lựa chọn mà nhà tuyển dụng còn đánh giá ứng viên dựa trên nhiều khía cạnh khác, chẳng hạn như EQ, tư duy linh hoạt, tính cách hoặc thói quen đối nhân xử thế… Vì vậy, trước khi bắt đầu mỗi lần phỏng vấn, các ứng viên đều phải chuẩn bị cả kiến thức lẫn tâm lý cực kỳ vững vàng để phát huy tất cả khả năng của mình, ứng phó với mọi trường hợp có thể xảy ra.
Có một nữ sinh viên cầm trong tay tấm bằng thạc sĩ, tốt nghiệp ra trường đã hơn một tháng mà vẫn chưa xin được việc làm ở đâu. Cô liên tục gửi hồ sơ xin việc và sơ yếu lý lịch đi khắp các công ty, được họ gọi tới để tham gia phỏng vấn nhưng kết quả sau đó lại chẳng mấy tốt đẹp. Cô sinh viên cảm thấy rất nản lòng mà không biết nguyên do nằm ở đâu. Tuy vậy, cô biết rằng mình không thể bỏ cuộc mà vẫn phải tiếp tục phấn đấu không ngừng, kiên trì đi tiếp trên con đường tìm việc nếu không muốn tiếp tục ăn bám bố mẹ suốt đời.
Lần này, cô sinh viên ấy tìm hiểu được thông tin tuyển dụng của một công ty tài chính khá có danh tiếng trong ngành thông qua một người bạn thân trước kia. Cô quyết tâm phải cư xử và biểu hiện thật tốt trong lần phỏng vấn này, tìm mọi cách để tận dụng cơ hội trời cho. Vì vậy, nữ sinh viên đã lên trang chủ của công ty tài chính tìm hiểu toàn bộ lịch sử phát triển, ngành nghề tiềm năng và định hướng của họ. Bên cạnh đó, cô không quên hỏi thăm từ người bạn thân cách thức phỏng vấn và quy trình tuyển dụng của công ty.
Muốn vào được các công ty lớn đầu ngành và có danh tiếng, các ứng viên phải trải qua những cuộc phỏng vấn ngày càng khó khăn hơn. Đôi khi, không phải cứ có kinh nghiệm hay năng lực là đã đủ điều kiện để lựa chọn mà nhà tuyển dụng còn đánh giá ứng viên dựa trên nhiều khía cạnh khác.
Do đã chuẩn bị kỹ càng trước về kiến thức chuyên môn cùng thông tin công ty, tập trả lời các câu hỏi phỏng vấn liên quan, cô sinh viên đã thể hiện rất tốt trong nửa đầu cuộc phỏng vấn, thành công tiến vào vòng hỏi đáp cuối cùng. Ở trong phòng riêng, giám đốc bộ phận nhân sự bất ngờ đưa ra một câu hỏi khiến tất cả ứng viên đều ngỡ ngàng: “Nếu cho bạn 3 tỷ đồng để ngồi tù trong vòng 1 năm, liệu bạn có đồng ý hay không? Các bạn hãy cho tôi câu trả lời sau 3 phút cân nhắc.”
Mặc dù không ai kịp chuẩn bị tâm lý cho câu hỏi này, mọi người vẫn nhanh chóng ổn định và chìm vào suy nghĩ riêng của bản thân. Sau khi ba phút nhanh chóng trôi qua, vị giám đốc quay lại phòng và yêu cầu từng người trả lời.
Một cậu thanh niên nhanh chóng giơ tay đầu tiên. Cậu trả lời rằng: “Trước hết, tôi cho rằng câu hỏi này không thể thành lập dựa trên các điều kiện cơ bản. Dựa vào quy chế luật pháp hiện hành, sẽ chẳng có ai được phép bỏ ra 3 tỷ để nhờ người khác ngồi tù thay cả. Vì vậy, câu trả lời của tôi chính là không có câu trả lời cho tình huống giả lập sai lầm này.”
Vị giám đốc không nói gì mà chỉ cười.
Thấy vậy, một cô gái khác lập tức đứng dậy và đưa ra câu trả lời khác: “Số tiền 3 tỷ này thực ra có thể coi như một khoản lương ứng trước cho cả năm. Nếu coi “đi tù” là một công việc, một nhiệm vụ được cấp trên giao phó để hoàn thành, sau khi thực hiện tốt có thể nhận mức lương là 3 tỷ, vậy tôi nghĩ chẳng có lý do gì không chấp nhận nó cả. Liệu có bao nhiêu công việc trên đời này giúp chúng ta kiếm ra 3 tỷ chỉ trong 1 năm cơ chứ?”
Vị giám đốc lấy làm ngạc nhiên với cách tư duy của nữ ứng viên này.
Lúc sau, một người đàn ông mặc vest công sở khác vô cùng tự tin nói ra: “Đầu tiên, tôi sẽ chấp nhận yêu cầu và nhận lấy 3 tỷ đó, nhưng tôi sẽ không đi tù. Có 3 tỷ trong tay, tôi sẵn sàng bỏ ra 1 tỷ, thậm chí là 1 tỷ rưỡi hoặc 2 tỷ để tìm một người khác sẵn sàng đi tù thay. Thế là mọi chuyện được giải quyết dễ dàng.”
Vị giám đốc nghe xong câu trả lời thì không ngừng tán dương năng lực phản ứng và sự linh hoạt của người đàn ông này.
Cuối cùng, đến lượt nữ sinh viên nọ. Thật bất ngờ khi cô là người duy nhất từ chối thẳng thừng yêu cầu ấy: “Xin lỗi nhưng tôi sẽ không bao giờ đồng ý với cách trao đổi này. Đầu tiên, không bàn đến vấn đề cả đời này tôi có kiếm nổi 3 tỷ đó hay không, nhưng tôi chắc chắn rằng, người nào nên nhận chế tài của pháp luật thì bắt buộc phải nhận đủ mới thôi, người nào phải đi tù dù là 1 năm, hay chỉ 1 ngày, thì cũng bắt buộc phải tự mình ngồi tù theo đúng luật pháp. Việc dùng tiền để lách luật hoặc làm trái với pháp luật là một điều không thể chấp nhận. Tôi không cho rằng đồng tiền có thể giải quyết tất cả vấn đề, kể cả những sai lầm không thể cứu vãn. Đã làm sai thì phải chấp nhận bị trừng phạt xác đáng!”.
Sau khi nghe câu trả lời của cả bốn người, vị giám đốc suy nghĩ kỹ càng một hồi rồi đứng dậy bắt tay với nữ sinh viên. Ông tuyên bố rằng: “Xã hội bây giờ, mọi người ngày càng tài năng, nhưng cũng ngày càng đánh mất giới hạn và lòng tự trọng của chính mình. Trước thành nhân, sau mới thành tài. Một nhân viên chân chính mà chúng tôi cần tìm phải là người biết giữ lòng chính trực như cô gái này, có như vậy, họ mới trung thành và tận tâm cống hiến, không bị mua chuộc bởi tiền bạc mà làm ra hành vi bán đứng công ty!”.
Theo Cafef