Tin tức Đời sống - xã hội
Dành cả thanh xuân để theo đuổi và tốt nghiệp Luật Harvard, vì sao Michelle Obama chọn bỏ nghề dù lương 3 tỷ đồng? Câu trả lời thực sự khiến số đông phải suy nghĩ!
Michelle Obama, trước khi chúng ta biết đến bà với cái tên này và với danh hiệu đệ nhất phu nhân, bà là Michelle LaVaughn Robbinson, đứa bé da đen sinh ra trong gia đình thiếu thốn về vật chất ở một vùng hoang tàn của Chicago.
Cô bé da đen nhà nghèo vào học Princeton, Harvard
Michelle LaVaughn Robinson sinh ra trong một gia đình trung lưu ở vùng South Side của Chicago. Bố Michelle là một công chức thành phố, mẹ ở nhà nội trợ. Gia đình bà phải sống trong căn nhà thuê tại một trong những khu hoang tàn nhất của thành phố.
Khi vào trung học, bước vào ngôi trường rộng lớn Whitney Young, Michelle nhanh chóng nhận ra mình không có nền tảng tốt bằng bạn bè, cả về vật chất lẫn sự giáo dục.
“Có khoảng một ngàn chín trăm học sinh theo học tại Whitney Young, và nhìn chung, tôi thấy họ đều có vẻ lớn hơn và tự tin hơn tôi – họ kiểm soát được từng tế bào não của mình và được tiếp thêm sức mạnh qua từng câu trắc nghiệm mà họ đã làm đúng trong bài kiểm tra năng khiếu toàn thành phố. Nhìn xung quanh, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé”.
Vì thế, Michelle rất bất an về bản thân. Phần lớn nỗi lo thời trung học của bà đều thuộc một nhóm: “Mình có đủ giỏi hay chưa?”.
Rất nhiều người bạn của bà ở Whitney Young tới từ các gia đình giàu có và thừa hưởng nền giáo dục hoàn hảo trước đó.
“Chắc hẳn đó là những đứa trẻ giỏi nhất Chicago. Nhưng có phải tôi cũng giống họ không?” cô bé Michelle đặt câu hỏi, “Tôi chỉ biết chúng tôi là những học sinh giỏi nhất đến từ nơi vốn được cho là ngôi trường thường thường bậc trung chủ yếu chỉ có học sinh da đen theo học trong khu vực cũng thường thường bậc trung chủ yếu chỉ có người da đen sinh sống. Nhưng nếu như vậy vẫn chưa đủ thì sao? Nếu thật ra chúng tôi chỉ là những thằng chột trong xứ mù thì sao?”.
Khi vào trung học, bước vào ngôi trường rộng lớn Whitney Young, Michelle nhanh chóng nhận ra mình không có nền tảng tốt bằng bạn bè, cả về vật chất lẫn sự giáo dục.
Nỗi ngờ vực đó cứ quẩn quanh tâm trí Michelle trong những suốt những tuần lễ hướng dẫn học viên mới, suốt những giờ học đầu tiên, suốt các cuộc trò chuyện với những người bạn mới. Nó cứ như một một “tế bào ác tính” hăm he phân bào.
Để áp chế “tế bào ác tính” đó, cô bé Michelle cố gắng ra trò.
“Tôi không phải là một học sinh xuất sắc, nhưng tôi luôn cố gắng”, Michelle kể lại trong cuốn hồi ký của mình.
Bà nhớ lại nỗ lực này: “Luôn có những người bạn dẫn trước tôi một hoặc vài bước, những người có vẻ không khó nhọc gì để đạt được thành tích cao, nhưng tôi cố gắng không để điều đó khiến mình chùn chân. Tôi bắt đầu hiểu ra là nếu dành thêm thời gian để học, tôi thường có thể rút ngắn khoảng cách giữa tôi với họ”.
Kết quả, khi học xong trung học, Michelle thuộc nhóm 10% xuất sắc nhất lớp và gia nhập Hội Học sinh Ưu tú Quốc gia.
Michelle muốn vào học tại Princeton – một trong những trường đại học danh tiếng nhất của nước Mỹ. Tuy nhiên, lại có một lời nói thử thách niềm tin của Michelle. Khi Michelle tới văn phòng tư vấn tuyển sinh, người tư vấn đã thốt ra với cô bé một nhận xét đầy hời hợt: “Cô không chắc là em đủ khả năng học ở trường Princeton”.
“Bà ấy vừa nói vừa trao cho tôi một nụ cười chiếu lệ và vẻ khinh thường”, Michelle nhớ lại, “Bà ấy đã phán xét chóng vánh và tùy tiện, hẳn là dựa trên một phép tính sơ sài nào đó về điểm số và kết quả thi của tôi”.
Nhưng Michelle đã không để câu nói ấy khiến mình chùn bước. Những năm học nỗ lực với những đứa trẻ giàu tham vọng ở trường trung học đã dạy cho Michelle rằng bản thân bà có khả năng nhiều hơn thế. “Tôi sẽ không để ý kiến của ai đó đánh bật mọi điều mà tôi cho rằng tôi hiểu về bản thân mình”, bà nói.
Michelle vẫn quyết tâm nộp hồ sơ vào Princeton, hoàn toàn không nhận thêm bất kỳ nhận định nào từ chuyên viên tuyển sinh đó nữa. Kết quả thế nào? Michelle đã thực sự đậu vào Princeton. Bà sau này thậm chí còn đi xa hơn: Vào học Harvard và trở thành một luật sư.
Bỏ nghề luật sư, nhận lương thấp hơn một nửa để… “sống trọn vẹn”
Sau khi tốt nghiệp Princeton và Harvard, Michelle trở thành một luật sư ở hãng luật cao cấp mang tên Sidley & Austin, làm việc trong một khu văn phòng ở Chicago. Sau bao nỗ lực không ngừng, phần thưởng dần dần xuất hiện.
“Bạn quay về nơi bắt đầu, tại chính thành phố nơi bạn được sinh ra, chỉ là giờ đây bạn đi làm trên tầng bốn mươi bảy của một tòa nhà ở trung tâm thành phố”, Michelle nhớ lại, “Ở tuổi hai mươi lăm, bạn có một trợ lý. Thu nhập của bạn nhiều hơn số tiền mà cha mẹ bạn từng kiếm được trong đời”.
Lúc đó, mức lương Michelle nhận được chừng 120.000 USD (khoảng 3 tỷ đồng).
Nhưng khi đã có thành tựu, đã biết mình đủ giỏi, Michelle lại cảm thấy có điều không thật sự ổn. Sự ra đi của người bạn thân bị bệnh ung thư và việc gặp Barack – con người rất vững vàng về lẽ sống – đã khiến Michelle suy nghĩ về sự trọn vẹn trong cuộc sống và trong công việc luật sư bà đang làm.
Sau này, bà thành thật thú nhận trong hồi ký “Chất Michelle”: “Tôi không thích hợp với công việc ấy. Tôi cảm thấy trống rỗng khi phải làm công việc luật sư, mặc dù tôi làm khá giỏi. Đây quả là một sự thừa nhận đau lòng, nếu xét những nỗ lực tôi đã bỏ ra và khoản nợ tôi đã phải trả”.
Nhưng Michelle, người đã vượt qua nỗi tự ti về xuất thân và tốt nghiệp Princeton và Harvard, cũng là người biết cách đối diện với “khủng hoảng cá nhân” của mình.
Đầu tiên, Michelle tìm kiếm vài lựa chọn công việc khác bằng cách vạch ra những lĩnh vực bà quan tâm. Michelle thấy mình hứng thú với những công việc cộng đồng nhưng rồi chần chừ vì sợ sẽ không kiếm đủ tiền, nhất là khi đó Michelle vẫn còn nợ học phí đại học.
Sau một lần hứng chịu thất bại trong công việc, Michelle thú nhận với mẹ. “Tôi kể với bà về sự bồn chồn của mình, sự tuyệt vọng muốn có một thay đổi lớn nhưng lo lắng là mình sẽ không kiếm đủ tiền nếu làm vậy. Đó là những cảm xúc trần trụi. Tôi lại buông ra một tiếng thở dài khác. “Con chỉ không cảm thấy trọn vẹn”, tôi nói với bà”.
Tuy vậy, “sự trọn vẹn” có vẻ là một từ xa xỉ với mẹ Michelle, người đã quần quật nhiều năm chăm lo cho 2 đứa con vào đại học.
“Nếu con đã hỏi thì ý mẹ là hãy lo kiếm tiền trước, còn chuyện vui trong công việc thì tính sau”, mẹ bà nói.
Nhưng rồi việc người cha đột ngột qua đời ở tuổi năm mươi lăm đã mang đến cho Michelle một sự biến chuyển sâu sắc. Cha qua đời khiến bà nhận ra rằng không có thời gian để ngồi suy nghĩ vẩn vơ xem cuộc đời mình sẽ ra sao.
“Bài học ở đây rất đơn giản: cuộc sống ngắn ngủi nên đừng phí hoài. Khi tôi qua đời, tôi không muốn người ta nhớ về tôi qua hàng chồng báo cáo pháp lý tôi đã viết ra hay những thương hiệu mà tôi đã góp công bảo vệ. Tôi có cảm giác chắc chắn là mình có thể cống hiến nhiều thứ cho thế giới hơn. Đã tới lúc phải hành động”, bà nhớ lại.
Michelle viết thư tự giới thiệu và gửi đến những nhà tuyển dụng khắp Chicago. Bà gửi đến những nhà lãnh đạo các quỹ, các tổ chức phi lợi nhuận phục vụ cộng đồng và các trường đại học lớn trong thành phố. Suốt mùa xuân và mùa hè năm đó, bà đến gặp bất kỳ người nào mà bà nghĩ có thể cho mình lời khuyên.
Không lâu sau, Michelle nộp đơn vào toà thị chính thành phố Chicago, nhận công việc có mức lương thấp hơn một nửa so với lương luật sư trước đấy. Công việc này sau đó dẫn đến vị trí giám đốc điều hành ở công ty khởi nghiệp vì cộng đồng, với sứ mệnh dẫn dắt những người trẻ tuổi mang tên Public Allies. Công việc mới thường khiến bà liên tưởng đến thời thơ ấu, đến những đứa trẻ da đen vì xuất thân bất lợi mà mất đi cơ hội.
Và điều tuyệt vời là, bà rất yêu thích nó: “Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình đang thực hiện một điều gì đó thật sự có ý nghĩa, có tác động trực tiếp đến cuộc sống của người khác mà đồng thời vẫn gắn kết với cả thành phố quê hương và nền văn hoá của chính mình”.
Sau này, bà thành thật thú nhận trong hồi ký “Chất Michelle”: “Tôi không thích hợp với công việc ấy. Tôi cảm thấy trống rỗng khi phải làm công việc luật sư, mặc dù tôi làm khá giỏi. Đây quả là một sự thừa nhận đau lòng, nếu xét những nỗ lực tôi đã bỏ ra và khoản nợ tôi đã phải trả”.
Public Allies dần phát triển lớn mạnh ở hơn 20 thành phố, với hàng ngàn cộng tác viên trên khắp nước Mỹ. “Trên suốt con đường sự nghiệp của mình, đây là một trong những lúc tôi cảm thấy thoả mãn nhất, vì tôi biết mình đã góp phần làm nên thành công đó, đã giúp tạo ra một điều gì đó vững bền”, Michelle chia sẻ.
Về sau, khi Barack Obama chồng bà ra tranh cử tổng thống, Michelle Obama đã kiên cường tham gia vận động cùng chồng trong chiến dịch tranh cử. Bà vượt qua những phán xét của dư luận, trở thành đệ nhất phu nhân có dấu ấn và được ngưỡng mộ nhất. Michelle làm được những điều đó vì bởi lẽ, trong bản thân bà đã tồn tại một tinh thần nỗ lực, sự lạc quan và khả năng vượt qua nghịch cảnh. Bà không bao giờ bỏ cuộc.
Hành trình giàu cảm hứng của Michelle là minh chứng sống rằng, bất kể xuất thân của bạn thiệt thòi và hạn chế ra sao, nỗ lực và lòng dũng cảm mới là yếu tố quyết định thành công và hạnh phúc.
Như Michelle đã nói: “Không có gì trong cuộc sống của tôi có thể giúp tôi được đứng ở đây với tư cách là đệ nhất phu nhân Mỹ gốc Phi đầu tiên. Tôi đã không lớn lên với sự giàu có hoặc nguồn lực, hoặc bất kỳ vị thế xã hội nào. Tôi đã lớn lên tại một trong những khu phố khó khăn nhất Chicago. Tôi muốn các bạn biết rằng chúng ta có rất nhiều điểm chung. Bạn cũng có thể làm chủ số phận của mình, hãy luôn nhớ điều đó.”
Theo Trí thức trẻ