Tin tức Đời sống - xã hội

Chỉ với 1 câu hỏi quen thuộc, anh thợ cắt tóc khiến tôi giật mình suy ngẫm về sự ngắn ngủi vô thường của cuộc sống: Không sớm nhận ra là lãng phí đời mình!

 

Chúng ta không bao giờ biết mình còn 1 tuần hay 50 năm nữa để sống, vậy tại sao phải chờ đợi để sống đúng với bản thân và làm điều mình muốn?

Chúng ta đến tiệm cắt tóc để tìm kiếm sự đổi thay. Chúng ta yêu cầu mọi thứ, từ tỉa cho đến cắt, từ một chút highlight cho đến nhuộm toàn bộ. Tuy nhiên, nhiều người trong số chúng ta vẫn mong muốn vượt lên những thay đổi bên ngoài, vượt lên những thay đổi về đầu tóc. Điều chúng ta thực sự tìm kiếm là sự thay đổi nội tại – bất cứ thứ gì từ cắt tỉa cho đến những thay đổi lớn.

Chính vì thế, phần lớn chúng ta thường gắn bó đặc biệt với thợ cắt tóc. Ta sẵn lòng chia sẻ những lo lắng và bận tâm, những nỗi buồn và bí mật của mình, mở rộng niềm tin mà chúng ta đặt trong đôi tay lão luyện, thoăn thoắt vung kéo của họ thành một niềm tin tuyệt đối. Khi lớp phòng thủ của ta bị hạ, khi sự kháng cự đã biến mất, khi bức tường ngăn cách ta với thế giới sụp đổ, đó cũng chính là lúc ta sẵn sàng lắng nghe, phát triển và học hỏi.

Thợ cắt tóc của tôi – Avi Peretz – làm chủ một cửa tiệm cắt tóc nhỏ ở ngoại ô Tel Aviv. Tiệm của Avi là nơi tập trung của các nhóm phụ nữ, đàn ông và trẻ nhỏ sống trong khu dân cư chỉ to hơn một cọng tóc. Tính cách thoải mái và rộng lượng của anh, cả sự dí dỏm và khôn ngoan của anh đã bù đắp cho mọi người những gì mà thế giới hối hả, hiện đại còn thiếu.

Tôi đã cắt tóc ở chỗ Avi từ năm 2010, sau khi từ Mỹ quay trở về Israel. Mặc dù luôn tận hưởng quãng thời gian ở tiệm và học hỏi nhiều điều từ Avi, chỉ tới năm 2014 tôi mới bắt đầu ghi chép lại mọi thứ.

Chỉ với 1 câu hỏi quen thuộc, anh thợ cắt tóc khiến tôi giật mình suy ngẫm về sự ngắn ngủi vô thường của cuộc sống: Không sớm nhận ra là lãng phí đời mình! - Ảnh 1.

 

10 năm trước, cũng vào một ngày như thế này, tôi nộp luận án tiến sĩ. Không biết là ngẫu nhiên hay số phận đưa đẩy, sau khi hoàn thành việc học, tôi vẫn khao khát được trở lại trường, được đi học như khoảng thời gian trước kia. Dù vẫn đọc và nghiên cứu không ngừng, tôi nhớ những buổi học trực tiếp như hồi còn là sinh viên. Bằng cách ghi chép lại những câu chuyện với Avi, tôi lấy tiệm cắt tóc làm giảng đường, coi thợ cắt tóc của mình là giáo sư. Bài giảng không dài mà ngắn, với những khoảng lặng xen kẽ giữa từng suy tư đầy cảm hứng và thiết thực.

Tôi thích đi cắt tóc vào buổi sáng. Có rất ít người ở đó nên tôi có thể nói chuyện một mình với Avi lâu hơn. Vào một sáng mùa đông năm 2016, Avi chào tôi như thường lệ bằng một bài hát mà theo anh sẽ đưa tôi đến khắp mọi nơi. Lần này là tác phẩm của ca sĩ người Israel Idan Raichel, với nội dung kêu gọi mọi người hãy nắm bắt cơ hội mỗi ngày, vì đâu ai biết được khi nào chúng biến mất?

Avi bảo với tôi rằng anh ấy sẽ không để cơ hội vụt qua một lần nào nữa. Anh ấy muốn nghỉ ngơi để dành thời gian đọc sách, nghe nhạc và đi thăm thú những chân trời mới. Cứ đến hẹn lại lên, Avi sẽ đóng cửa tiệm trong 1 tuần hoặc 1 tháng và lên đường. Anh ấy biết rằng thói quen này không tốt cho việc kinh doanh, hơn nữa cũng chẳng kiếm được đồng nào trong lúc vắng mặt, thậm chí còn mất khách. Mặc dù vậy, anh ấy cũng biết, có nhiều thứ còn quan trọng hơn cả chuyện làm ăn.

Avi thường tự hỏi bản thân: “Nếu chỉ có 1 tuần để sống, mình sẽ làm gì?” Tôi đã bắt gặp câu hỏi này nhiều lần trước đây – trong những cuốn sách self-help hay đại loại vậy. Nhưng nghe Avi trực tiếp nói, câu hỏi này dường như có sức nặng hơn. Tôi hiểu anh đủ để nhận ra: Đối với anh, đây không đơn thuần là một câu hỏi mang tính học thuật. Anh đang sống đúng như câu trả lời của mình.

Chỉ với 1 câu hỏi quen thuộc, anh thợ cắt tóc khiến tôi giật mình suy ngẫm về sự ngắn ngủi vô thường của cuộc sống: Không sớm nhận ra là lãng phí đời mình! - Ảnh 2.

 

Gần đây, tôi đã đọc tiểu thuyết The Schopenhauer Cure của bác sĩ tâm lý thuộc ĐH Stanford Irvin D. Yalom. Cuốn này kể về một nhà tâm lý trị liệu – người phải đối mặt với sự thật là anh ta chỉ còn 1 năm để sống. Cách Avi suy ngẫm khiến tôi nhớ về câu chuyện của Yalom. Avi nói rằng, dù chúng ta có 1 tuần hay 50 năm để sống, cuộc đời vẫn luôn quá ngắn ngủi để làm mọi thứ mình muốn. Đến một lúc nào đó, nó sẽ kết thúc. Thế nên, sao phải chờ đợi? “Hơn nữa,” anh bổ sung, “kể cả sống đến trăm tuổi, tôi cũng không muốn được chở đi thăm Vạn Lý Trường Thành trên một chiếc xe golf. Tôi muốn tự mình chạy lên các bậc thang.”

Có một phương pháp thiền mà tôi nghĩ là quá khắc nghiệt, dù cũng khá thú vị, đó là thực hành thiền ở nghĩa địa. Mục đích của phương pháp này là tập trung sự chú ý vào tính tạm thời của thực tế, từ đó tìm ra ý nghĩa quan trọng của hiện tại. Tôi đoán rằng Avi chẳng cần phải ngồi ở đó giữa những nấm mồ; anh chẳng cần người chết nhắc nhở mình phải sống như thế nào.

“Hẹn gặp lại anh sau. Mai tôi sẽ đi London,” tôi nói và cảm ơn Avi. Anh chỉ cười và khẽ nhắc: “Đi vui vẻ nhé!”

Bài chia sẻ của Tal Ben-Shahar – Giáo sư Tâm lý học tại ĐH Harvard. Suốt 15 năm qua, ông đã dạy về nghệ thuật lãnh đạo, hạnh phúc và chánh niệm cho hàng triệu người trên khắp thế giới.

 

Nguồn: CafeF