Tin tức Đời sống - xã hội
Câu chuyện của người mẹ trên tàu điện ngầm và bài học sâu cay: Hành động người lớn chính là tấm gương phản chiếu lên trẻ nhỏ
Không có ai vừa sinh ra đã là kẻ thất bại, vấn đề nằm ở chính tấm gương mà đứa trẻ học hỏi có màu trắng hay đen.
Đối với sự phát triển của trẻ, giáo dục gia đình đặc biệt quan trọng. Cha mẹ tử tế sẽ tạo ra một thế hệ những đứa trẻ được dạy cách sống tử tế, nhận được sự tôn trọng của người khác. Trong cuộc sống thực, có rất nhiều ví dụ tương tự như vậy. Và câu chuyện về người mẹ trên tàu điện ngầm sau đây chính là một trong số đó.
Có hai người mẹ trẻ dẫn theo hai cậu con trai nhỏ, tay xách nách mang cố gắng bắt kịp một chuyến tàu điện ngầm. Toa tàu khá đông, chỉ còn duy nhất hai chỗ trống. Thế là hai người nhanh chóng ngồi vào nghỉ chân. Một đứa trẻ nhanh chóng nhõng nhẽo đòi trèo lên lòng mẹ. Người mẹ xót con, không nỡ để nó đứng lâu cũng vội vàng bé đứa trẻ lên ghế. Cậu bé không ngừng đu đưa nghịch ngợm, thậm chí còn trèo lên ghế đứng để quậy phá ồn ào, gây khó chịu cho những vị khách ngồi xung quanh. Người mẹ vội vàng quay qua xin lỗi: “Ôi, cháu nó còn nhỏ, mọi người thông cảm ạ.”
Trái ngược lại, một đứa trẻ khác chỉ yên lặng đứng bên cạnh ghế ngồi của mẹ, tựa vào cột vịn trên tàu cho đỡ mỏi. Tàu đi thêm nhiều chặng nữa, đến khi thấy toa hành khách ngày một chật chội, không ngừng chen lấn, người mẹ mới đưa tay ôm con ngồi lên đùi. Đứa bé đứng lâu mệt mỏi, dần dần chìm vào giấc ngủ. Còn người mẹ chỉ lặng lẽ dịch người để con ngủ thoải mái hơn, nhưng một bàn tay bà lại âm thầm lót dưới đế giày của con để trong lúc vô tình, họ không làm bẩn tới quần áo hay đồ đạc của những người bên cạnh.
Hình ảnh người mẹ lo cho con ngủ nhưng cũng không gây rắc rối cho người khác.
Trong thực tế, rất nhiều thời điểm, cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu tốt nhất lên chính hành vi của đứa trẻ. Cha mẹ như thế nào sẽ giáo dục con cái tương tự như vậy.
1. Cha mẹ tử tế dạy con trẻ tử tế
Người ta có câu: “Nuôi mà không dạy là lỗi của người làm cha.” Từ khi được sinh ra, cha mẹ là giáo viên đầu đời của mỗi đứa trẻ. Tất cả ngôn hành cử chỉ đều có thể ảnh hưởng tới tâm trí và lối sống của trẻ thơ. Do đó, những đứa trẻ ngoan ngoãn là kết quả của sự giáo dục tử tế, những đứa trẻ hư hỏng là kết quả của phương pháp giáo dục có vấn đề.
Cách chúng ta giải quyết vấn đề sẽ được trẻ quan sát, ghi nhớ và sau đó bắt chước lại. Cho nên, nếu muốn giáo dục con, chúng ta phải lấy chính bản thân làm tấm gương, làm ví dụ.
2. Cha mẹ có kỷ luật, con sẽ ngoan hơn
Làm người, có khuôn thước, có kỷ luật mới có thể thành công. Và làm cha mẹ cũng tương tự như vậy, đừng chỉ cho trẻ ăn, cho trẻ uống, mà hãy dạy trẻ một lối sống có kỷ luật, cách tư duy có khuôn mẫu. Dạy con biết về thế giới bên ngoài để mở mang tầm mắt, dạy con hiểu về đúng sai thị phi để tự định hướng hành vi của chính mình, dạy con khiêm tốn, thật thà, dũng cảm và bao dung trong đối nhân xử thế. Mưa dầm thấm lâu, người khôn sẽ nhớ kỹ.
Một xã hội bao giờ cũng cấu thành và phát triển dựa trên các nguyên tắc nhất định, trong đó bao gồm cả khía cạnh đạo đức và pháp lý. Nếu cha mẹ làm tấm gương tốt cho con, kiên quyết giữ kỷ luật của chính mình thì con cái cũng sẽ có tiềm thức phải tuân thủ theo. Dù có gặp chuyện gì, họ cũng không vì lý do cá nhân mà thay đổi nguyên tắc đã đề ra.
Chẳng hạn như trong quá trình dạy dỗ con cái, mỗi lần trẻ bắt đầu khóc, rất nhiều cha mẹ lại mềm lòng rồi lại bỏ qua. Hoặc khi trẻ bắt đầu la hét để nhõng nhẽo, đòi hỏi, họ lại đồng ý thuận theo đáp ứng những yêu cầu đó để trẻ không khóc nữa. Lâu dần, con cái sẽ có thói quen luôn dùng nước mắt để giải quyết vấn đề. Đây không phải thương con, mà là hại con.
3. Cha mẹ có tầm nhìn, con cái phát triển rộng hơn
Sự phát triển của trẻ cũng phụ thuộc vào tầm nhìn của cha mẹ. Đối mặt với con đường phát triển tương lai, nếu cha mẹ không có tầm nhìn xa trông rộng, nhìn việc chỉ nhìn mặt tốt mà không đắn đo những mặt trái phía sau, tương lai của trẻ khó có thể đi xa.
Nhưng nếu cha mẹ có tầm nhìn, biết cách chỉ dẫn trẻ hướng tới những mục tiêu xa hơn, chúng mới có thể không ngừng tiến về phía trước, không bị cảnh vật bên đường làm rối loạn tâm trí, cản đường bước đi của bản thân.
Ví dụ, một đứa trẻ rất có tài năng trong việc ca hát. Khi giáo viên của trường đề cập với cha mẹ và khuyến khích họ nuôi dưỡng thiên phú để trẻ phát triển nhiều hơn, một số phụ huynh chỉ cảm thấy hát hò là việc vô bổ, không quan trọng bằng việc học hành nên hoàn toàn bỏ qua. Sau này, khi đứa trẻ đã lớn và muốn theo đuổi ước mơ ca hát của mình thì cũng bỏ lỡ giai đoạn vàng để bồi dưỡng.
Tóm lại, phần lớn giáo dục của trẻ phụ thuộc vào tấm gương cha mẹ. Muốn nuôi dạy con cái nên người, chính bản thân người làm cha làm mẹ cũng phải không ngừng tự cải thiện chính mình để đời sau noi theo.
Theo Trí thức trẻ