Tin tức Đời sống - xã hội
Cả đời nhớ lấy: Tử tế với chính mình là để lại 3 con đường dẫn tới “kho báu”
Đó cũng là kho báu giúp tỷ phú Lý Gia Thành làm việc liên tục suốt 78 năm cuộc đời, tạo ra cả gia tài khổng lồ.
Khi còn trẻ trung và đầy sức sống, chúng ta luôn tự quấn lấy bản thân trong sự bận rộn. Không phải việc học hành thời học sinh, sinh viên thì cũng là chuyện sự nghiệp, kiếm tiền, lo cho miếng cơm manh áo khi bước chân ra ngoài xã hội. Chúng ta lúc nào cũng như một con quay vào guồng, không ngừng xoay mà không có lấy một giây phút ngơi nghỉ.
Cả nửa cuộc đời đều gắn liền với sự nghiệp, công việc, đi sớm về khuya vì chăm lo cho gia đình, cho điều kiện sinh hoạt của người thân mà quên mất rằng: Chính bản thân chúng ta mới là nhân vật chính của cuộc đời. Đối xử tử tế với chính mình mới là con đường để bảo vệ và gìn giữ những giá trị kho báu to lớn nhất.
1. Con đường kho báu đầu tiên: Có một cơ thể mạnh mẽ
Vị tỷ phú người Hồng Kông Lý Gia Thành từng chia sẻ trong một buổi phỏng vấn rằng: “Sức khỏe giống như một con đập vậy, nếu đợi nó sắp sập rồi mới tìm cách khắc phục thì dù có tiêu tốn bao nhiêu sức lực và của cải cũng không thể cứu chữa nó trở nên mạnh mẽ như trước nữa”.
Cho nên, dù đã làm việc liên tục trong suốt 78 năm cuộc đời, từ khi còn là một thanh niên trẻ trung tới ngày đầu hai thứ tóc, tỷ phú Lý Gia Thành vẫn được những nhân viên chăm sóc sức khỏe của mình nhìn nhận là người đàn ông sở hữu sức khỏe của tuổi 30, dù cơ thể đã đi qua ngưỡng tám mươi.
Hiện nay, đợi đến khi cơ thể đã trở nên già nua và mệt mỏi, chúng ta mới nhận ra rằng, bất kể có tiền hay không, dù giàu hay nghèo thì có được sức khỏe và cơ thể trẻ trung mới có thể hưởng thụ trọn vẹn cuộc sống. Chúng ta không cần gây rắc rối cho con cái, không cần tốn kém tiền bạc vì phải đi viện suốt ngày.
Không bệnh tật, không đau ốm, đó chính là cuộc sống hạnh phúc nhất, là con đường kho báu quý giá nhất giúp chúng ta hiểu thấu những giá trị lớn nhất cho nửa đời còn lại của mỗi người.
2. Con đường kho báu thứ hai: Có những người yêu thương xung quanh
Khi đã trải qua năm tháng mài giũa, những cảm xúc mãnh liệt dần nhường chỗ cho sự tri kỷ, thấu hiểu và luôn bầu bạn ở bên. Chính vào thời điểm đó, sự tồn tại của những người yêu thương xung quanh luôn sẵn lòng cùng chúng ta chia sẻ, trò chuyện, dù chỉ là những câu chuyện thường ngày đơn giản và nhạt nhẽo, cũng mang ý nghĩa vô cùng quý giá. Đó chính là giá trị của sự tôn trọng dành cho người bạn đời, cho con cái, cho những người tri kỷ quanh chúng ta.
3. Con đường kho báu thứ ba: Tiền không cần nhiều, đủ tiêu là hạnh phúc
Rất nhiều người cho rằng, phải xây dựng cả một gia tài khổng lồ để lại cho con cháu đời sau hưởng phúc mới có thể hoàn thành ý nghĩa cuộc đời. Tuy nhiên, nếu con cháu đời sau có tài, có đủ năng lực, tự chúng cũng có thể làm ra của cải và nuôi sống chính mình. Còn nếu là hạng người bất tài vô dụng thì được kế thừa nhiều tiền đến mấy, chúng vẫn có thể đánh mất tất cả chỉ trong một đêm.
Cho nên, tiền bạc và của cải không cần quá nhiều, chỉ cần đạt đến mức vừa đủ để thỏa mãn những giá trị của hiện tại, khiến cuộc sống trôi qua được an nhàn và thảnh thơi, không cần tiếp tục vất và ngược xuôi và khom lưng cong gối vì bạc tài thế gian. Giá trị của hai tiếng “biết đủ” vẫn quý hơn rất nhiều so với “dư thừa”.
Con người chúng ta là động vật có máu thịt, có cảm xúc chứ không chỉ là máy móc được lập trình sẵn theo một công thức nào đó. Chúng ta không thể chịu đựng những áp lực vô tận, làm việc đến kiệt sức mà không cho bản thân cơ hội dừng lại và nghỉ ngơi.
Nếu lạc mất mình trong vòng quay cuộc đời, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã bỏ lỡ cả ý nghĩa cuộc sống. Do đó, hãy trân trọng những kho báu mà mình đang nắm giữ trong tay, không thể để đê đập vỡ rồi mới mất công đắp lại.
Theo Trí thức trẻ