Tin tức Đời sống - xã hội
Bốn nấc thang của cuộc đời: Hoá ra, ở tuổi 20 – 30, chúng ta thường mắc kẹt ở nấc thang số 2
Ai sinh ra rồi cũng sẽ phải chết đi. Đó là quy luật bất biến của cuộc sống. Nhưng ở độ tuổi của bạn, bạn có bao giờ đang tự hỏi mình là ai? Mình đang làm gì trong cuộc sống này?
Ai sinh ra rồi cũng sẽ phải chết đi. Đó là quy luật bất biến của cuộc sống. Nhưng ở độ tuổi của bạn, bạn có bao giờ đang tự hỏi mình là ai? Mình đang làm gì trong cuộc sống này? Ý nghĩa của cuộc sống này là gì? Mark Manson – tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” đã có cách cắt nghĩa cuộc đời dưới những nấc thang độc đáo và những luận điểm của ông chắc chắn sẽ khiến bạn phải suy nghĩ, và biết đâu, bạn sẽ hiểu rõ bản thân mình đang ở nấc thang nào, bạn sẽ phải làm gì tiếp theo.
Chúng ta được sinh ra khá…vô dụng. Chúng ta không thể đi lại, không thể nói, không thể tự ăn uống và cơ bản là chẳng làm được gì.
Là một đứa trẻ, cách chúng ta được dẫn dắt để học là quan sát và bắt chước những người khác. Đầu tiên chúng ta học những hành động cơ bản như đi lại và nói năng. Rồi chúng ta phát triển kĩ năng xã hội bằng cách học hỏi những người đồng trang lứa. Cuối cùng, trong những năm tháng sắp rời xa niên thiếu, chúng ta học cách thích nghi với văn hoá chung bằng cách quan sát những luật lệ và quy tắc xung quanh rồi cố gắng hành xử theo cách được chấp nhận bởi cộng đồng.
Mục đích của nấc thang đầu là dạy chúng ta cách để hoạt động cho phù hợp với guồng quay xã hội, để nhờ đó mỗi người có thể trở nên độc lập và trở thành một con người với đầy đủ năng lực cơ bản. Ý tưởng ở đây là: những người trưởng thành trong xã hội sẽ giúp lớp người sau đạt đến cột mốc này bằng cách hỗ trợ phát triển khả năng ra quyết định và tự tay hành động.
Nhưng cũng tồn tại một số thành viên cộng đồng khá tệ. Họ trừng phạt chúng ta vì sự thiếu độc lập. Họ không ủng hộ những quyết định của từng cá nhân. Và do đó chúng ta cũng không thể phát triển một cách độc lập. Có thể, chúng ta sẽ bị kẹt ở nấc thang đầu, bắt chước người khác vĩnh viễn và luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để làm hài lòng tất cả mọi người để nhờ đó không bị đánh giá.
Thông thường với mỗi cá nhân, nấc thang này sẽ kéo dài tới cuối giai đoạn thành niên và những năm tháng đầu của tuổi trưởng thành. Với một số, nó có thể kéo dài suốt năm tháng trưởng thành. Thậm chí, ai đó thức dậy vào buổi sáng mai ở tuổi 45 và nhận ra họ chưa bao giờ thực sự sống cho mình rồi băn khoăn bao năm tháng qua bản thân đã làm gì.
Đây là nấc thang đầu: Sự bắt chước. Là sự tìm kiếm không ngừng nghỉ để được chấp thuận và ghi nhận. Bên cạnh đó là sự thiếu vắng của suy nghĩ độc lập cũng như các giá trị cá nhân.
Chúng ta phải nhận thức được những chuẩn mực và kì vọng của những người xung quanh. Nhưng đồng thời, cũng cần trở nên đủ mạnh mẽ để hành động khi cần vượt qua những chuẩn mực và kì vọng đó. Chúng ta phải phát triển khả năng có thể tự ra quyết định cho bản thân và cho những người xung quanh.
Ở nấc thang đầu, chúng ta học cách để hòa nhập vào cộng đồng và nền văn hoá xung quanh. Nấc thang tiếp theo là lúc để học xem điều gì khiến chúng ta khác biệt so với những người khác. Nó đòi hỏi ta cần bắt đầu tự đưa ra những quyết định cho cuộc đời mình, tự thử thách qua đó hiểu bản thân để xem điều gì làm cá nhân trở nên độc đáo.
Nấc thang thứ hai bao gồm rất nhiều quá trình “thử-sai-lại” qua các trải nghiệm. Chúng ta thử nghiệm việc sống ở một nơi mới, đi chơi với những người bạn khác lạ, tiếp nhận những quan điểm đối lập và tìm niềm vui theo những cách khác xa.
Ở nấc thang này của mình, tôi đã chu du khoảng đâu đó 50 quốc gia. Nấc thang thứ hai của anh tôi là những ngày tháng đâm đầu vào hệ thống chính trị ở Washington DC. Nấc thang này của mỗi người sẽ khác nhau chút ít vì mỗi chúng ta đều có những điểm khác biệt ít nhiều.
Đây là giai đoạn để khám phá bản thân. Chúng ta thử mọi thứ. Một số diễn ra suôn sẻ. Một số thì không. Mục tiêu sau cùng là gắn bó với cái suôn sẻ và tiếp tục tiến bước.
Nấc thang này kéo dài tới khi chúng ta bắt đầu phải đối mặt với giới hạn của chính mình. Điều này diễn ra không dễ chịu lắm với nhiều người. Nhưng mặc cho những điều Oprah và Deepak Chopra (họ những người truyền cảm hứng nổi tiếng) nói với bạn, việc khám phá những giới hạn bản thân là một điều tốt và lành mạnh.
Bạn sẽ luôn kém ở một vài thứ, mặc cho bạn đã cố gắng chăm chỉ thế nào. Và bạn cần biết những thứ này là gì. Tôi bẩm sinh đã không tài giỏi trong bất cứ dạng hoạt động thể thao nào. Với tôi, việc học mấy môn đó thật sự tệ nhưng tôi vẫn học thôi. Chúng ta phải học cách tìm ra chúng ta kém trong điều gì. Và càng sớm nhận ra những điều này sẽ lại càng tốt.
Đến lúc này chúng ta đã biết mình kém ở một vài thứ. Đồng thời, cũng có một số thứ có thể mang lại cảm giác thoả mãn trong giây phút nhưng lại có những hậu quả lâu dài sau vài năm. Du lịch vòng quanh thế giới là một ví dụ. Quan hệ tình dục quá nhiều cũng vậy. Đi uống rượu vào mỗi tối thứ 3 cũng thế. Còn nhiều hơn nữa, tin tôi đi.
Những giới hạn của bạn rất quan trọng vì sau cùng bạn phải nhận ra rằng thời gian của bản thân trên đời là hữu hạn. Vì vậy bạn cần dành thời gian cho những thứ đáng để tâm nhất. Điều này cũng đồng nghĩa rằng nếu bạn nhận ra rằng bản thân có thể làm cái gì đó, không có nghĩa bạn luôn nên làm. Hay là việc nhận ra rằng chuyện bạn rất thích ai đó không có nghĩa bạn phải gắn bó với họ. Sau tất cả, bạn sẽ nhận ra luôn có chi phí cơ hội cho tất cả mọi thứ và bạn không thể có tất cả.
Có một số người không bao giờ cho phép bản thân cảm thấy bị giới hạn – hoặc vì họ từ chối thừa nhận thất bại hoặc họ tự huyễn mình rằng giới hạn không tồn tại. Những người này kẹt lại ở nấc thang thứ hai.
Ở một số thời điểm, ta sẽ đều phải thừa nhận điều không thể tránh né: cuộc sống này ngắn ngủi, không phải mọi giấc mơ có thể thành hiện thực. Vậy nên hãy chọn lựa cẩn thận và chọn xem bản thân có cơ hội tốt nhất ở điều gì rồi cống hiến cho nó.
Nhưng hầu hết những người kẹt lại nấc thang này lại dành phần lớn thời gian tự thuyết phục điều ngược lại. Rằng họ không có giới hạn. Rằng họ có thể vượt qua mọi thứ. Rằng cuộc đời của họ là sự vươn lên không ngừng trong khi hầu hết những người xung quanh có thể nhận ra họ gần như vẫn chỉ dậm chân tại chỗ.
Thông thường, nấc thang thứ hai sẽ bắt đầu ở giai đoạn giữa – cuối thành niên và kéo dài tới những năm 20, 30 tuổi. Những người kẹt lại đây sau lứa tuổi này thường được ví như “Hội chứng Peter Pan” – một tư duy “tuổi trẻ” vĩnh viễn, luôn cố gắng khám phá mọi thứ nhưng không tìm ra thứ gì.
Một khi bạn đã đẩy giới hạn bản thân tới cực đỉnh và tìm ra: hoặc là giới hạn của bạn (thể thao, nghệ thuật ẩm thực…) hoặc hậu quả về sau của những hành động quá khứ (tiệc tùng, chơi điện tử, việc nghiện tự xử, …) những điều còn lại sẽ là: thứ thực sự quan trọng với bạn và những điều bạn làm không tệ. Đây là lúc để lại dấu ấn của bạn ở thế giới này.
Nấc thang thứ ba là sự thống nhất lớn trong cuộc đời mỗi con người. Rời xa những người đang kìm hãm bạn. Rời xa những cuộc vui và sở thích lãng phí thời gian. Và rời xa cả những giấc mơ mà rõ ràng sẽ không thể trở thành hiện thực.
Rồi bạn đâm đầu vào những điều mà bạn giỏi nhất, vào những thứ là tuyệt vời nhất với bạn. Bạn tập trung vào những mối quan hệ quan trọng nhất trong đời. Bạn tập trung vào một mục tiêu duy nhất, dù đó là giải quyết khủng hoảng năng lượng của thế giới hay trở thành gã hoạ sĩ, hoặc chăm chút cho mấy đứa nhóc mũi xanh thò lò. Dù là gì, nấc thang thứ ba là khi bạn hoàn thành những mục tiêu ấy.
Nấc thang này chính là lúc bạn tối đa hoá tất cả những tiềm năng của bản thân trong cuộc đời. Đây chính là lúc để xây dựng di sản của bạn. Bạn sẽ để lại điều gì cho cuộc đời này sau khi ra đi? Mọi người sẽ nhớ đến bạn như thế nào? Dù đó là một nghiên cứu đột phá hay một gia đình đầm ấm, đây là lúc để thế giới khác đi một chút so với lúc bạn mới phát hiện ra nó.
Nấc thang này kết thúc khi hai điều dưới đây xảy ra: bạn cảm thấy không còn quá nhiều thứ để hoàn thành và bạn trở nên già nua hơn, mệt mỏi rồi nhận ra bản thân muốn uống một thứ gì đó dễ chịu và đọc sách cả ngày thay vì cứu thế giới.
Thông thường, nấc thang này kéo dài từ khoảng những năm 30 cho tới khi một người tới tuổi nghỉ hưu.
Những người kẹt lại ở nấc thang này thường vì họ không biết cách làm thế nào để từ bỏ những tham vọng và liên tục khát khao nhiều hơn, cứ thế kéo tới những năm 70, 80 của cuộc đời.
4. Nấc thang thứ 4: Di sản
Mọi người khi đạt tới nấc thang cuối này đã dành đâu đó nửa thập kỉ đầu tư bản thân vào những thứ mà họ tin tưởng rằng ý nghĩa và quan trọng. Họ đã làm được những điều tuyệt vời, đạt được tất cả những thứ mong muốn, có thể đã có một gia đình, tổ chức từ thiện, sự nghiệp và giờ mọi thứ đã xong. Họ đã đạt tới cái tuổi mà sức khoẻ và những trở ngại không còn cho phép họ theo đuổi mục tiêu xa hơn nữa.
Mục tiêu của nấc thang này không phải là tạo dựng thêm một di sản nào mà chỉ đơn giản là chắc chắn những di sản sẵn có sẽ vững bền sau khi người này ra đi.
Điều này có thể ví dụ như việc hỗ trợ và chỉ dạy những đứa trẻ của họ, hay chuyển giao những dự án và làm việc như một cố vấn. Đó còn có thể là hoạt động chính trị sôi nổi hơn để duy trì những giá trị truyền thống mà xã hội không còn chú ý.
Đây là nấc thang rất quan trọng về tâm lý. Là con người, chúng ta có một nhu cầu sâu thẳm là cần cảm thấy cuộc đời của mình có ý nghĩa. Điều này có nghĩa điều ta luôn tìm kiếm thực tế chỉ là sự phòng vệ về tâm lý của bản thân trước thế giới phức tạp và cái chết không thể tránh né.
5. Vậy mấu chốt ở đây là gì?
Việc phát triển qua từng nấc thang cuộc đời dần cho chúng ta khả năng kiểm soát lớn hơn với sự hạnh phúc của mình.
Ở nấc thang đầu, một người hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của những người khác và sự chấp nhận để có thể hạnh phúc. Đây là chiến thuật khá tồi tệ vì con người vốn khó đoán và khó trông cậy.
Ở nấc thang thứ hai, một người dựa nhiều hơn vào bản thân họ nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi những thành công ngoại cảnh để trở nên hạnh phúc – kiếm tiền, chiến thắng, sự chinh phục,… Đây là những yếu tố có thể kiểm soát hơn so với con người nhưng vẫn gần như khó dự đoán về lâu về dài.
Ở nấc thang thứ ba, hạnh phúc sẽ phụ thuộc vào một nhóm những mối quan hệ và sự gắn bó với nó, thứ đã giúp họ vượt qua nấc thang thứ trước. Lúc này con người đã đáng tin cậy hơn.
Và cuối cùng, nấc thang thứ tư yêu cầu chúng ta chỉ trông cậy vào những thứ chúng ta vốn dĩ đã hoàn thành càng lâu càng tốt.
Sau từng nấc thang, sự hạnh phúc ngày càng phụ thuộc vào nội tâm, đó là những yếu tố kiểm soát được và ngày càng bớt bị ảnh hưởng bởi thế giới luôn biến động bên ngoài.
6. Những mâu thuẫn trong chính các nấc thang
Những nấc thang sau không thay thế nấc thang trước đó, chúng chỉ vươn về phía trước. Những con người ở nấc thang thứ hai vẫn quan tâm về sự chấp nhận xã hội. Chỉ là họ quan tâm về nhiều thứ hơn là chỉ điều đó. Những người ở nấc thang thứ ba cũng quan tâm tới việc thách thức những giới hạn, nhưng họ quan tâm hơn tới những sự cống hiến mà họ đã làm được.
Mỗi nấc thang đại diện cho một lần xáo trộn hệ thống ưu tiên trong cuộc đời ta. Chính bởi lí do này mà mỗi khi một người chuyển dịch từ nấc thang này sang nấc thang khác họ thường sẽ trải nghiệm sự hụt hẫng trong bạn bè và những mối quan hệ. Nếu bạn đang ở nấc thang thứ hai và bạn bè của bạn cũng vậy, rồi đột nhiên bạn quyết định lui về sau, tập trung vào cống hiến và bước tới nấc thang thứ ba trong khi bạn bè bạn vẫn ở yên, sẽ có một sự mất kết nối sâu sắc giữa những giá trị của bạn và họ, điều rất khó để vượt qua.
Về cơ bản, mọi người sẽ thể hiện nấc thang của họ với tất cả những người xung quanh. Những người ở nấc thang thứ nhất sẽ đánh giá nhau dựa trên sự chấp nhận xã hội. Những người ở nấc thang thứ hai đánh giá nhau qua khả năng đẩy tới những giới hạn. Ở nấc thang thứ ba, mọi người sẽ đánh giá nhau dựa trên những cống hiến và điều mà họ có thể đạt được. Cuối cùng, nấc thang thứ tư là nơi mọi người đánh giá nhau bằng những giá trị họ đại diện và đấu tranh cho.
Quá trình tự phát triển bản thân thường được miêu tả như hàng trình trải đầy hoa hồng, tươi sáng từ khi ngu muội tới lúc bừng tỉnh. Hành trình bao gồm rất nhiều niềm vui và sự hào hứng.
Nhưng sự thật là mỗi giai đoạn chuyển tiếp giữa những nấc thang cuộc đời lại thường được kích nên bởi một bi kịch hay một sự kiện rất bi thảm trong đời mỗi người. Một trải nghiệm cận tử. Một lần li dị. Sự kết thúc của một tình bạn hay cái chết của một người yêu thương.
Những bi kịch ấy làm chúng ta nhìn lại và tái đánh giá động lực sâu thẳm nhất của mình cũng như những quyết định trong đời. Nó cho phép chúng ta nhìn lại: liệu con đường tới hạnh phúc hiện tại có đang là lựa chọn tốt nhất không.
Điều tương tự cũng làm chúng ta kẹt lại ở mỗi nấc thang: cảm giác thiếu vắng ở mỗi cá nhân.
Mọi người kẹt lại ở nấc thang đầu vì họ luôn cảm thấy bản thân không hoàn thiện và khác người nên luôn phải cố gắng hơn để trở thành thứ mà những người xung quanh muốn nhìn thấy. Nhưng dù họ có làm gì, họ vẫn luôn cảm thấy không bao giờ là đủ.
Mọi người kẹt lại ở nấc thang thứ hai vì họ cảm thấy bản thân vẫn nên làm nhiều hơn, làm tốt hơn, làm cái gì đó mới và thú vị hơn, tiến bộ hơn ở cái gì đó. Nhưng dù họ có cố gắng thế nào, họ cũng không bao giờ thấy đủ.
Mọi người kẹt ở nấc thang thứ ba vì cảm thấy bản thân vẫn chưa tạo đủ giá trị ý nghĩa cho cuộc đời, rằng họ cần tạo ra ảnh hưởng lớn hơn ở những lĩnh vực cụ thể mà họ đã quyết tâm theo đuổi. Nhưng dù có làm gì, họ cũng không bao giờ làm đủ.
Ai đó có thể tranh luận rằng những người ở nấc thang cuối vẫn kẹt lại vì họ cảm thấy bất an rằng di sản của họ sẽ không vững bền hoặc không tạo được những ảnh hưởng sâu sắc ở thế hệ tương lai. Họ dùng đến những hơi thở cuối cùng để đâm vào và truyền bá nó. Nhưng dù thế nào, họ vẫn không thấy đủ.
Lời giải cho mọi nấc thang chính là nhìn lại phía sau. Để vượt qua nấc thang đầu, một người cần chấp nhận rằng sẽ không bao giờ có đủ thời gian cho tất cả mọi người. Do đó, bạn cần ra quyết định cho cuộc đời bạn, chính bạn đấy.
Để vượt qua nấc thang thứ hai, người đó cần chấp nhận rằng sẽ không bao giờ đủ sức đạt được tất cả mọi thứ bạn mơ ước và khao khát. Do vậy, bạn cần giới hạn về những điều đáng để tâm nhất để cống hiến.
Để vượt qua nấc thang thứ ba, người này cần chấp nhận rằng thời gian và sức khoẻ có giới hạn vì vậy cần tập trung sự chú tâm vào việc giúp những người khác triển khai những hành trình ý nghĩa mà bản thân họ đã bắt đầu.
Để vượt qua nấc thang cuối, sẽ cần nhận ra rằng sự thay đổi là không thể chống lại, và sự ảnh hưởng của một con người dù có to lớn và mạnh mẽ thế nào hay ý nghĩa sao rồi cũng sẽ dần bị lãng quên…
Và cuộc sống của bạn sẽ cứ thế tiếp diễn. Vậy bạn đang ở nấc thang nào của cuộc đời và bạn có nhận ra những vấn đề của bản thân mình hiện tại không?