Tin tức Đời sống - xã hội
Biến đổi khí hậu đang gây tổn hại cho sức khỏe của chúng ta như thế nào?
Bạn có đủ tinh tế để nhận ra sự ảnh hưởng của nhiệt độ, ô nhiễm không khí và tia cực tím lên cơ thể mình?
Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra những cơn bão, những đợt nắng nóng mà còn đang khiến tất cả chúng ta ốm yếu hơn. Từ hen suyễn, dị ứng theo mùa, bệnh tim mạch, bệnh phổi cho đến cả nguy cơ chấn thương và rủi ro y tế đều được thúc đẩy bởi biến đối khí hậu.
Trẻ em, phụ nữ mang thai và người già là những đối tượng có nguy cơ cao nhất từ thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ tăng cao. Ngày càng rõ ràng, biến đổi khí hậu đang tác động lên mọi khía cạnh sức khỏe và chăm sóc y tế.
“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các toa thuốc và liệu trình điều trị có thể gây hại cho bệnh nhân khi nhiệt độ thay đổi”, Aaron Bernstein, giám đốc của Trung tâm Khí hậu, Sức khỏe và Môi trường Toàn cầu tại Đại học Harvard cho biết.
“Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đang ảnh hưởng đến nhiều nguồn cung cấp y tế quan trọng của chúng ta”.
Lấy ví dụ nó có thể làm cạn kiệt nguồn cung chất truyền dịch. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ gây mất điện có thể là một vấn đề lớn, ảnh hưởng tới tính mạng nhiều bệnh nhân.
Một nghiên cứu trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ gần đây cho thấy bệnh nhân ung thư phổi xạ trị có tỷ lệ sống sót giảm xuống khi bị ảnh hưởng bởi bão.
Một bài báo tháng 8 trên Tạp chí Y học New England đưa ra hàng chục nghiên cứu tương tự, cho thấy biến đổi khí hậu ảnh hưởng vào từng ngóc ngách của ngành y như thế nào.
Renee Salas, đồng tác giả của báo cáo đến từ Trường Y Harvard, nói: “Cuộc khủng hoảng khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân, mà còn ảnh hưởng tới cả cách chúng tôi chăm sóc họ và khả năng mà chúng tôi làm được”.
“Và điều đó đang xảy ra ngay lúc này”, Salas nói. Chỉ có điều bạn có đủ tinh tế để nhận ra hay không mà thôi:
1. Biến đổi khí hậu kéo dài mùa dị ứng, làm trầm trọng thêm các triệu chứng
Biến đổi khí hậu sẽ làm cho các dạng dị ứng con người gặp phải trở nên tồi tệ hơn. Khi nhiệt độ tăng, cây cối sẽ tạo ra nhiều phấn hoa hơn trong khoảng thời gian dài hơn. Mùa dị ứng vì vậy cũng kéo dài ra.
Nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên cũng thúc đẩy nhiều loại thực vật phát triển, trong đó có các loại cỏ sinh phấn gây dị ứng cho khoảng 20% dân số. Ngoài ra, bản thân CO2 cũng có thể làm tăng tác dụng gây dị ứng của phấn hoa.
Neelu Tummala, một chuyên gia tai mũi họng tại Hiệp hội Y khoa George Washington ở Washington DC, cho biết cô thấy ngày càng nhiều bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng hoặc viêm khoang mũi, nghẹt mũi và chảy nước mũi sau.
“Trước đây, phấn hoa chỉ có vào mùa xuân, phấn cỏ chỉ có vào mùa hè, cỏ phấn hương chỉ có vào mùa thu”, Tummala nói. “Nhưng bây giờ mùa của những tác nhân gây dị ứng đó bắt đầu chồng chéo lên nhau”.
Một trong những bệnh nhân của Tummala, Kelly Kenney chỉ bị dị ứng theo mùa dạng nhẹ khi còn nhỏ. Nhưng bây giờ, cô ấy bắt đầu bị đau xoang, ù tai và nghẹt mũi quanh năm.
“Bốn năm qua, các triệu chứng của tôi ngày càng trở nên tồi tệ hơn“, Kenney nói.
2. Biến đổi khí hậu gây biến chứng thai kỳ và ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi
Phụ nữ mang thai là đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ và ô nhiễm không khí, hai vấn đề đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong làn sóng biến đổi khí hậu.
Đó là một phần lý do thôi thúc Bruce Bekkar, một bác sĩ phụ sản ở San Diego nghỉ việc 6 năm về trước, để chuyển sang làm việc như một nhà hoạt động khí hậu. Ông đã tổng hợp 68 nghiên cứu ở Hoa Kỳ để minh chứng mối liên hệ giữa nhiệt độ, khói bụi, các hạt ô nhiễm siêu nhỏ xuất phát từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch với những ca sinh non, trẻ nhẹ cân và thai chết lưu.
Nhiều khói bụi hình thành khi trời nóng, và một số nghiên cứu cho thấy các hạt vật chất này đang gia tăng trong làn sóng khủng hoảng khí hậu. Bekkar cho biết ông và các đồng tác giả đã tìm thấy một mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sức khỏe sinh sản trong 58/68 nghiên cứu. Đó là một cơ sở dữ liệu của khoảng 30 triệu ca sinh ở Hoa Kỳ.
Bekkar khuyến cáo các bác sĩ nên tư vấn cho bệnh nhân của mình về việc sóng nhiệt có thể dẫn đến sinh non, và tránh xa ô nhiễm không khí có thể giúp họ giữ con mình khỏe mạnh hơn.
“Chúng tôi thấy ngày càng nhiều trẻ em sinh ra trong tình trạng suy yếu do ô nhiễm nhiệt và không khí. Đó là một câu chuyện hoàn toàn khác so với suy nghĩ về biến đổi khí hậu là nguyên nhân của những cơn bão đổ bộ vào Florida. Sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên sức khỏe sinh sản sâu rộng và liên tục hơn nhiều“, Bekkar nói.
Ở các nước đang phát triển, biến đổi khí hậu nhiều khi có thể đẩy phụ nữ mang thai vào tình trạng khan hiếm thực phẩm và nước uống. Các bệnh lây truyền qua côn trùng, ví dụ như Zika, được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu cũng là một mối nguy hiểm cho thai nhi khi ở trong bụng mẹ.
Nhiệt độ gia tăng, khói bụi, các hạt ô nhiễm siêu nhỏ xuất phát từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch có liên quan với những ca sinh non, trẻ nhẹ cân và thai chết lưu.
3. Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và bệnh phổi
Ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ hơn khi nhiệt độ gia tăng, gây căng thẳng lên cả trái tim và lá phổi của bạn. Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch gây ra khủng hoảng khí hậu có liên quan đến những ca nhập viện và tử vong do bệnh tim mạch. Nó cũng liên quan một cách hiển nhiên đến số bệnh nhân mắc hen suyễn và các vấn đề về hô hấp khác.
Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ mô tả tình trạng khói bụi trong những ngày nắng nóng “giống như một vết cháy nắng trên lá phổi của bạn và nó có thể làm khởi phát cơn hen suyễn”.
4. Rủi ro cho sức khỏe của trẻ nhỏ
Theo báo cáo của Salas, trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng phải gánh phần lớn gánh nặng sức khỏe gây ra bởi biến đổi khí hậu.
Samantha Ahdoot, một bác sĩ nhi khoa ở Alexandria, Virginia, gần đây tiếp nhận điều trị cho một đứa trẻ 11 tuổi và một đứa trẻ 13 tuổi chuyển tới từ Florida. Nguyên nhân những đứa trẻ phải chuyển viện là một cơn bão đi qua đã làm hư hỏng bệnh viện và cả hồ sơ y tế ở Florida.
Một trong hai đứa trẻ cần phẫu thuật tim, thật nguy hiểm khi hồ sơ y tế của đứa trẻ đã không còn và Ahdoot gần như bắt đầu từ con số không để tìm hiểu về bệnh nhi của mình.
Nhưng có một điều mà cô biết, đó là cả hai đứa trẻ đều mắc rối loạn thiếu tập trung và hiếu động thái quá (ADHD). Tình trạng này cũng trở nên khó điều trị khi thiếu hồ sơ điều chỉnh liều lượng thuốc trước đó và những đảo lộn cuộc sống mà những đứa trẻ phải chịu sau cơn bão.
Ahdoot cho biết trong sự nghiệp của mình cô đã chứng kiến một loạt các gia đình phải di cư vì thảm họa thời tiết.
5. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới dinh dưỡng
Lượng khí thải CO2 đang làm giảm mật độ dinh dưỡng của cây lương thực, làm giảm hàm lượng protein, kẽm và sắt của thực vật và dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng hơn. Nguồn cung cấp thực phẩm cũng bị gián đoạn do hạn hán, mất ổn định xã hội và bất bình đẳng liên quan đến biến đổi khí hậu.
6. Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ mất nước và bệnh thận
Nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu sẽ làm tăng nguy cơ mất nước của cơ thể. Điều này còn liên quan đến sự mất cân bằng điện giải, sỏi thận và suy thận.
Ngoài ra, trong các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như bão hoặc nắng nóng, điện có thể bị cắt khiến các bệnh nhân suy thận cần lọc máu có thể gặp rủi ro hoặc khó khăn đáng kể.
7. Và các căn bệnh về da
Nhiệt độ tăng cao cùng với sự suy giảm của tầng ozone sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da do tiếp xúc với tia cực tím và các bức xạ gây hại khác. Con người đang sử dụng ngày càng nhiều điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm lạnh, các chất khí mà chúng thải ra có thể làm trầm trọng thêm sự suy giảm của tầng ozone.
8. Bệnh đường tiêu hóa
Nhiệt độ gia tăng cũng làm tăng nguy cơ bùng phát các dịch salmonella và campylobacter. Hai loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm và bệnh đường ruột này có thể phát triển nhanh hơn trong thực phẩm, nếu bạn không bảo quản đúng cách.
Ngược lại, mưa lũ có thể làm ô nhiễm nguồn nước uống. Tảo nở hoa phát triển mạnh khi nước biển ấm lên cũng có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa.
9. Bệnh truyền nhiễm
Thay đổi nhiệt độ và mô hình mưa cho phép một số côn trùng mở rộng khu vực sống của chúng và truyền nhiều bệnh bao gồm sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh Lyme và virus West Nile. Dịch tả và bệnh cryptosporidiosis lây truyền qua nước ô nhiễm cũng tăng lên cùng với hạn hán và mưa lũ.
Thay đổi nhiệt độ và mô hình mưa cho phép một số côn trùng mở rộng khu vực sống của chúng và lây truyền nhiều bệnh.
10. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần
Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ trước đây đã làm hẳn một tài liệu hướng dẫn dài 69 trang, trong đó cảnh báo về biến đổi khí hậu có thể gây ra căng thẳng, trầm cảm và rối loạn lo âu. Các chuyên gia cho ngại rằng nhiều cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu chưa bao gồm sự ảnh hưởng của nó tới sức khỏe tâm thần, trong khi đó là một sự thật đáng ngại đang xảy ra.
Những người tiếp xúc hoặc bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt phải di dời nhà cửa có nguy cơ cao hơn đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần. Nhiệt độ cực cao cũng có thể làm cho một số bệnh tâm thần trở nên tồi tệ hơn.
Trung tâm Báo chí Điều tra của Đại học Maryland đã tìm thấy các cuộc gọi khẩn cấp liên quan đến tình trạng tâm thần tăng khoảng 40% ở Baltimore vào mùa hè 2018, trùng với khoảng thời gian chỉ số nhiệt tăng cao hơn 39 độ.
Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị tâm thần có thể gây sốt, và điều này khiến bệnh nhân càng bị ảnh hưởng nặng hơn.
11. Bệnh não – thần kinh
Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Quá trình đốt than cũng tạo ra thủy ngân – một chất độc thần kinh cho thai nhi.
Sự gia tăng của các bệnh lây truyền qua muỗi cũng gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng thần kinh. Trong khi vào những ngày nhiệt độ cực cao, nhiều người dễ bị rối loạn tuần hoàn máu não.
12. Thương tích
Các sự kiện thời tiết cực đoan, bao gồm bão, lũ lụt và hỏa hoạn, thường gây ra nhiều thương tích. Nhiệt độ cực cao cũng liên quan đến tình trạng bạo lực gia tăng. Trên quy mô lớn, khủng hoảng khí hậu cũng có liên quan đến những làn sóng di cư và xung đột bạo lực giữa các khu vực trên thế giới, chẳng hạn như xung đột nguồn nước.