Tin tức Đời sống - xã hội
Bài học quan trọng mà có người cả đời mới hiểu: Lấy nhu thắng cương, lấy ít thắng nhiều mới là đạo của kẻ mạnh, là đại trí tuệ của người thành công!
Có những thứ trên đời, càng ngẫm càng thấy thấm.
01.
Một trong những nhân vật chính yếu của Triết học Trung Quốc, Lão Tử từng được người thầy Thường Tung của mình dạy cho bài học để đời bên giường bệnh khi ông hỏi học trò rằng: “Cái lưỡi của thầy có còn không?”
Lão Tử kinh ngạc trả lời: “Đương nhiên rồi ạ, không có lưỡi sao thầy nói chuyện được?”
Người thầy lại hỏi: “Vậy răng của ta còn không?”
Lão Tử lắc đầu: “Thầy già rồi, răng đã rụng hết.”
Thường Tung đáp rằng: “Con thấy đó, cái lưỡi thì mềm nhưng nó vẫn còn; cái răng thì cứng nhưng lại dễ rụng đi. Vạn sự vạn vật trên thế gian, chẳng phải đều như vậy sao?”
Sau câu hỏi ngày hôm đó, Lão Tử trở về suy ngẫm và nhận ra nhiều bài học thấu đáo. Ông đã viết lại lời dạy trong “Đạo đức kinh” truyền cho hậu thế như sau: “Trên đời này không gì mềm yếu hơn nước, thế mà lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng gì hơn được nước, chẳng gì thay thế được nước. Mềm thắng cứng, nhu thắng cương, thiên hạ ai cũng biết thế, mà mấy ai làm được”.
Do đó, không phải cứ mạnh mẽ mới là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Đôi khi chính sự hạ mình, nhún nhường và khiêm tốn lại giúp chúng ta giành được nhiều lợi ích hơn. Cách nhanh nhất để giải quyết mọi mâu thuẫn chính là lấy nhu thắng cương. Chẳng thế mà trong việc đối nhân xử thế, người ta luôn coi trọng đạo lý: “Lùi một bước biển rộng trời cao”.
02.
Cứng cáp và mềm dẻo cũng là sự khác biệt giữa cây bàng và cây liễu. Khi một trận bão lớn đổ ập vào đất liền, nhà cửa cây cối đều bị tàn phá ghê gớm, không gãy thì cũng sập, cây bàng lớn cũng ngã đổ chỉ còn mỗi gốc trơ trọi, chỉ có duy nhất cây liễu mỏng ven hồ vẫn sống sót. Nhánh liễu mềm dẻo lúc nào cũng đung đưa dù chỉ một cơn gió nhẹ thoáng qua, tưởng như vô cùng yếu ớt nhưng thực chất lại ẩn chứa sức sống ngoan cường. Nó không phải giống loài vững chắc nhất, thẳng tắp nhất, hay vươn cao vươn xa nhất, nhưng nó luôn có thể chống chọi với rất nhiều gió táp mưa sa của cuộc đời nhờ sự bản tính mềm dẻo trời cho của mình.
Đó chính là một cảnh giới, một mỹ đức, một thái độ sinh tồn, một bản lĩnh trong ứng xử, càng là đại trí tuệ của nhân sinh. Sự dẻo dai mềm mại có thể mang tới thành công trong sự nghiệp, giúp cuộc sống hài hòa, cuộc đời vui thú, nâng cao đạo đức, hoàn thiện nhân phẩm, xây dựng mối quan hệ xã giao càng ổn định và bền chặt hơn.
Điển tích từ xưa đã chứng tỏ sức mạnh tiềm ẩn của sự nhẫn nhịn như là Việt vương Câu Tiễn “nằm gai nếm mật”, Bình Định vương Lê Lợi “chốn hoang dã nương mình”. Nếu thuở xưa, Câu Tuẫn khuất phục trước Ngô vương trong đại chiến giữa hai nước Ngô – Việt thì đã không phải chịu trăm đắng nghìn cay đày ải thân mình, nhưng thay vào đó, mãi mãi mang nỗi nhục mất nước trên lưng suốt hàng thế kỷ sử sách. Tương tự như vậy, khi Lê Lợi từ chối những chức quan tốt theo mưu đồ của tướng nhà Minh, nếu ông không lấy lùi làm tiến, trở về ẩn giấu nơi núi rừng mà âm thầm chiêu mộ hào kiệt mưu trí thì khó có thể làm nên nghiệp lớn sau này.
Dưới áp lực, phải học cách thay đổi, trong nguy nan, học cách tự bảo vệ mình. Lùi một bước trời cao biển rộng, nhẫn một thời sóng lặng gió êm. Đó mới là sự trí tuệ bản lĩnh đích thực của một bậc trượng phu, biết mượn gió trợ hỏa, biết chọn thời mà làm, biết lấy yếu thắng mạnh, biết lấy nhu đấu cương. Chúng ta phải đủ khôn ngoan để kiểm soát “độ cong” của mình, không đánh mất giới hạn, không mặc kệ cho người ta cướp đoạt và nhục nhã. Không chỉ biết cách cong, mà phải cong sao cho đáng, có lý có cớ, cong mà không gãy gập đánh mất chính mình.
Khi chúng ta thực sự thấu hiểu đạo lý ẩn sâu bên trong, hiểu rằng nhượng bộ không có nghĩa là nhu nhược, yếu thế mà ngược lại là thể hiện sự tài trí, bao dung và cao thượng thì chúng ta mới thật sự trở thành người chiến thắng. Không phải tự dưng mà người xưa có câu “lấy nhu thắng cương” và “lấy lùi làm tiến”, nghe thì tưởng dễ, nhưng không phải ai cũng làm được.
03.
Trong câu chuyện của Sói và Cừu, tưởng như con Cừu béo sẽ ngay lập tức trở thành mồi ngon cho Sói đang bụng đói cồn cào, nhưng Cừu đã dùng mưu trí của mình để “cứu thua” trông thấy.
Nó nhanh trí nói trước khi Sói kịp ra tay: “Trước khi ăn thịt tôi, tôi phải nhắc nhở anh biết, tôi có sức mạnh lớn đến nhường nào khi thắng được cả Bò Mộng. Không tin, anh gọi Bò Mộng tới mà xem.”
Sói đương nhiên không tin nhưng vẫn nói: “Mi cố tình giả vờ để tìm cách chạy đi mất chứ gì?”
Cừu đáp: “Không bao giờ. Anh cứ nhốt tôi vào trong hang động, rồi tự mình canh bên ngoài thì ai mà chạy được.”
Nghe hợp lý, Sói bèn gọi Bò Mộng khỏe nhất tới. Nó thả cả hai vào một hang lớn để tranh đấu rồi tự bản thân đứng giữ cửa hang bên ngoài, đề phòng Cừu chạy trốn.
Trận đấu nhanh chóng diễn ra với những tiếng động ầm ỹ bên trong. Một lúc sau, Cừu lững thững đi tha, trong khi Bò Mộng nằm quỵ trên đất với những vết thương bê bết máu trên đầu. Con Sói ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, vội lao vào trong hang kiểm tra lại. Hóa ra, Cừu luôn nhanh nhẹn tránh được mỗi lần Bò Mộng đánh tới, lại khéo léo tận dụng địa hình khiến Bò toàn đâm đầu vào vách động cứng rắn, tự gây ra những vết thương chí mạng.
Sói tức mình nhận ra bản thân bị lừa bởi chiêu “lấy lùi làm tiến” của Cừu, nó vội vàng đuổi theo ra ngoài thì đã làm gì thấy bóng dáng của Cừu nữa.
Thông qua câu chuyện ngụ ngôn này, một lần nữa chúng ta cần nhận ra trí tuệ lớn của đời người không phải tranh đấu quên mình, hung hăng tiến về phía trước mà đôi khi, lùi bước mới chính là tiến lên. Khi chúng ta đứng trước khó khăn, thay vì bài xích và tự trách, hãy nhìn lại chỗ thiếu sót của mình, rồi tận dụng những ưu điểm để khỏa lấp vào chỗ trống đó. Đừng nghĩ đời người lúc nào cũng suôn sẻ thẳng bước, đôi khi, một quãng lùi lại để tự suy xét bản thân, sáng tỏ về tình huống, mới giúp chúng ta cảm nhận trọn vẹn biển rộng trời cao là như thế nào.
Theo Trí thức trẻ