Tin tức Đời sống - xã hội

Bác sĩ “nghìn like” Quốc Khánh: Cuộc gọi từ số lạ lúc nửa đêm như tiếng còi xe cấp cứu, nghe nhiều thành quen

 

“10 cuộc gọi, có tới 7-8 cuộc mình giải quyết tình huống cho bệnh nhân và mọi người sẽ tốt hơn. Còn 2-3 cuộc gọi là phiền phức. Như vậy cái nào nhiều hơn? Niềm vui nhiều hơn thì mình chọn niềm vui thôi” – bác sĩ Trần Quốc Khánh, khoa phẫu thuật cột sống – bệnh viện Việt Đức, chia sẻ về quyết định công khai số điện thoại cá nhân trên mạng xã hội.

Bác sĩ “nghìn like” Quốc Khánh: Cuộc gọi từ số lạ lúc nửa đêm như tiếng còi xe cấp cứu, nghe nhiều thành quen - Ảnh 1.

 

– “Sống là cho đi, là in dấu”. Tâm đắc và dùng câu nói này để giới thiệu về bản thân trên Facebook, anh quan điểm thế nào về “sống là cho đi”?

– Đặt lời tựa trong trang cá nhân: “Sống là cho đi, là in dấu, đâu chỉ nhận cho riêng mình”, tôi coi đó là điều mình xác định trong tư tưởng, không phải lời sáo rỗng. Tôi muốn để cho mọi người khi tiếp cận tôi trên Facebook biết rằng đó là quan điểm sống của bác sĩ Khánh.

Tôi là bác sĩ, về tài chính thì thực sự đủ nuôi sống gia đình, về sức khỏe thì có thể tự chăm sóc được bản thân. Các mối quan hệ đủ dùng và công việc rất bận. Nếu lựa chọn cuộc sống cho riêng gia đình và bản thân, thực sự rất đơn giản.

Nhưng cuộc đời đã cho mình sinh ra, mình phải sống có trách nhiệm. Mỗi con người được sinh ra, được nuôi dưỡng ở trong hệ thống giáo dục này, ở trong xã hội này phải có một phần trách nhiệm, chia sẻ trách nhiệm xã hội. Cũng không cần làm gì quá to tát, mình cứ làm hết sức và chia sẻ hết mức có thể đóng góp.

Vì là một bác sĩ, tôi đam mê chia sẻ những kiến thức về y học. Tôi nhận thấy nền tảng về y học của dân mình chưa cao nên rất muốn thực hiện một phần trách nhiệm của bản thân. Chỉ đơn giản là như vậy.

 

– Vậy còn “sống in dấu” thì sao thưa anh?

– Tôi quan điểm rằng, sống một đời người đừng sáng mở mắt ra rồi cuối ngày lên giường đi ngủ. Như thế không có một dấu ấn gì, vô vị và nhàm chán. Trong khi sống có dấu ấn trong người khác rất quan trọng.

Có rất nhiều người có tài chính, quyền lực nhưng khi ra đi có ai nhớ đến đâu. Mình phải có gì đó khác biệt. Không phải là điều gì quá cao siêu nhưng phải sống hết năng lượng. Sống tận hiến cho mọi người thì cuộc sống rất vui vẻ.

Mỗi ngày tôi cứ bảo mình là sống như vậy sẽ năng lượng dạt dào luôn. Mặc dù nghề bác sĩ rất bận nhưng không bao giờ có khái niệm stress. Luôn lạc quan và yêu đời.

 

– Từ khi nào anh bắt đầu hình thành quan điểm sống như vậy?

– Đó là một quá trình. Tôi sinh ra ở vùng đất vô cùng nghèo khó, một huyện miền núi nằm ở phía tây của tỉnh Nghệ An, giáp với biên giới lào – huyện Thanh Chương. Nơi mà cơ hội đi học của trẻ em rất hiếm hoi. Ngày xưa, lớp 1 cách nhà tôi 18 cây. Việc đi lại rất khó khăn. Đến lúc hơn 10 tuổi, tôi vẫn chưa có dép. Thời đó, cơm gạo trắng là điều xa xỉ, hầu như chỉ ăn sắn với ngô. Có những ngày thức dậy, đi xuống bếp thấy mẹ nấu sắn, nấu ngô là tôi khóc. Tôi bảo tại sao mẹ không cho con ăn cơm. Đói khổ đến như thế.

 

Vì lớn lên từ nghèo khó nên khi thấy nhiều bệnh nhân, người ta vào viện thì một là khó khăn về tài chính, hai là mất niềm tin và lo lắng về sức khỏe, tôi thật sự thông cảm, thấu hiểu và muốn cho đi. Giống như là người ta đang hấp hối, cần một cái nắm tay, một chỗ dựa thì mình chìa bàn tay mình ra, mình cho đi. Điều đó làm tôi thấy vui hơn việc chỉ sống cho riêng mình.

Tôi cũng chịu sự ảnh hưởng từ bà nội, người vô cùng hiền hậu và tốt bụng. Nhà tuy rất nghèo, rất vất vả, con cháu còn chưa có ăn nhưng có gì bà cũng đem chia thêm cho hàng xóm. Sự cho đi đó có thể là một hành động rất nhỏ từ ngày xưa nhưng tôi lại cảm nhận được và khắc ghi đến tận bây giờ.

 

– Cho đi như thế, anh có nhận lại được nhiều không?

– Nhận lại nhiều nhất là niềm vui. Một người bạn của tôi nói rằng, khi làm bất cứ điều gì thì tận trong đáy sâu, chúng ta đều có mục đích. Đừng nói tôi làm không có mục đích, là hồn nhiên, vô tư. Không phải như vậy. Mục đích lớn nhất của mình, cũng không phải sáo rỗng luôn, đó là niềm vui. Khi chúng ta cho đi, niềm vui nhận lại rất nhiều. Đó là thứ không mua được bằng tiền.

Khi chúng ta cho đi là chúng ta đã ghi được dấu ấn trong lòng người khác. Từng có rất nhiều bệnh nhân, tôi cả cho vay và cho luôn tiền. Những người đó sau này mổ thành công và trở về nhà nhưng dấu ấn không bao giờ phải mờ. Vừa là sự tin cậy, vừa là sự thân thương, vừa là cái tình người.

Bác sĩ “nghìn like” Quốc Khánh: Cuộc gọi từ số lạ lúc nửa đêm như tiếng còi xe cấp cứu, nghe nhiều thành quen - Ảnh 4.

 

– Vì sao trên trang cá nhân, anh lại lựa chọn cách xưng “bác sĩ”, gọi “anh chị” với mọi người?

– Vì tôi muốn có sự tôn trọng người khác. Cũng có một vài người góp ý là nên xưng “tôi” và gọi mọi người là “các bạn”. Nhưng tôi thì muốn đặt người khác trước mình và tôn trọng những người cao tuổi.

Xưng bác sĩ vì tôi muốn nhắc bản thân và mọi người, đó là lời nói của một người làm ngành y. Vừa để mọi người biết nghề nghiệp của mình vừa để khi người ta thấy bác sĩ Khánh là sẽ thấy có gì đó rất gần gũi, rất “bác sĩ”.

 

– Còn việc chia sẻ công khai số điện thoại cá nhân trên mạng xã hội, anh có lăn tăn và mất bao nhiêu thời gian suy nghĩ trước khi quyết định?

– Không hề. Tôi thấy cần làm thì làm thôi, không phải suy nghĩ, cân nhắc gì cả. Thứ nhất, nhiều bệnh nhân đọc được bài viết của bác sĩ ở trên mạng nhưng không biết cách nào để tương tác.

Thứ hai, khi rơi vào tình huống cấp cứu, nguy kịch thì làm sao người ta mở Facebook ra để chat đây. Nghĩ như vậy nên tôi cung cấp số điện thoại, trong trường hợp cấp bách, bệnh nhân có thể bấm máy, trực tiếp gặp mình.

 

– Điều này có mang lại phiền phức cho anh không?

– Cũng có đấy nhưng niềm vui nhiều hơn. Dù có số điện thoại của bác sĩ, cũng không phải tự nhiên mọi người gọi đâu, ai cũng thế đấy. Thứ nhất khi bấm máy gọi cho bác sĩ thì người ta phải cân nhắc. Thực ra người ta vô cùng ngại. Thứ hai, gọi nhờ về y tế, về sức khoẻ có ai thích, muốn gọi để nhờ đâu. Bất khả kháng thì họ mới gọi. Nghĩ thư thế nên tôi công khai luôn.

Thông thường các cuộc gọi đến lúc nửa đêm, một đêm khoảng 3,4 cuộc. Lâu rồi tôi cũng thành quen, giống như tiếng còi xe cấp cứu, tiếng khóc đêm trong bệnh viện, thấy bình thường.

10 cuộc gọi, có tới 7, 8 cuộc mình giải quyết tình huống cho bệnh nhân và mọi người sẽ tốt hơn. Còn 2, 3 cuộc gọi là phiền phức. Như vậy cái nào nhiều hơn? Niềm vui nhiều hơn thì mình chọn niềm vui thôi.

 

– Cuộc gọi nào từng khiến anh ấn tượng nhất?

– Đó là cuộc gọi từ một người mẹ ở trên Sơn La. Cháu bé khoảng 11 tuổi bị tai nạn và người mẹ gọi cho tôi, lúc đó khoảng 9, 10 giờ đêm. Tình trạng của cháu là đa chấn thương, chấn thương sọ não. Người mẹ lúc bấy giờ nói như khóc, hốt hoảng và đau đớn cực độ. Nhưng chỉ cần bác sĩ nói một câu rằng sức sống và sự thích nghi của trẻ vô cùng lớn thì chị ấy bình tĩnh và ổn định tinh thần lại. Chỉ cần một câu nói đó thôi.

Thực sự thì bệnh nhân và người nhà ở xa, trên miền núi, người ta rất hoang mang, không biết nên đi thẳng xuống Việt Đức hay đi vào bệnh viện huyện, tỉnh. Mà từ Sơn La về đây thì phải mấy tiếng. Mình thăm hỏi sơ bộ rồi định hướng ban đầu thì người ta ổn hơn. Chỉ đường đi nước bước xong, tôi luôn dặn rằng “tắc” ở đâu thì báo lại ở đó. Cứ gọi điện, bất cứ tình huống và thời gian nào. Người nhà lúc này có một niềm tin rất lớn và cháu bé được sơ cứu, xử lý kịp thời.

Chính lần đó đã khiến tôi tâm đắc với các cuộc gọi và tư vấn, dù mình chỉ là định hướng cho người ta thôi. Niềm vui đọng lại mỗi khi giúp đỡ được mọi người khiến tôi có thêm động lực để duy trì.

 

– Vợ con phản ứng thế nào trước sự “nổi tiếng” và những cuộc gọi bất đắc dĩ của anh?

– Thứ nhất, vợ tôi cũng là bác sĩ nên cô ấy cũng hiểu cho tính chất công việc của tôi. Làm việc ở Việt Đức là phải đối diện với các ca tai nạn, cấp cứu liên tục. Thứ hai, tôi có sự sắp xếp thời gian cho gia đình, cho các con. Thường các ngày trong tuần thì dành cho công việc nhưng thời gian cơm tối là dành cho người thân. Cả ngày chủ nhật có 1, 2 cuộc gọi thì không có gì là quá khủng khiếp.

Vợ tôi là bác sĩ đông y thì nhàn hơn. Vợ chồng cố gắng sắp xếp thì cũng ổn thỏa. Chứ không thì con lại gửi hàng xóm (cười).

 

– Vậy còn đồng nghiệp, người trong ngành phản hồi ra sao trước các bài viết chia sẻ “nghìn like” trên mạng xã hội của anh?

– Lời chê thì tôi không nhận được vì có thể mọi người không nói với tôi. Còn tôi nhận được phản hồi rất tích cực. Đồng nghiệp không chỉ ở Hà Nội mà các tỉnh hay gọi điện cho bác sĩ Khánh bảo là bài viết này rất hay, ổn. Hoặc có những kiến thức chuyên môn cần các bác sĩ chuyên khoa sâu hơn chia sẻ, đồng nghiệp cũng sẵn lòng góp ý.

Thực ra không ai biết hết tất cả và những đóng góp của các bạn ấy là vô cùng đáng quý, tuyệt vời. Trên Facebook, tôi thường viết cho cộng đồng những kiến thức tương đối thường thức thôi chứ không quá sâu. Còn ai muốn hỏi sâu hơn, tôi sẽ giới thiệu một bác sĩ chuyên sâu về mảng đấy.

Bác sĩ “nghìn like” Quốc Khánh: Cuộc gọi từ số lạ lúc nửa đêm như tiếng còi xe cấp cứu, nghe nhiều thành quen - Ảnh 7.

 

– Với những kiến thức ngoài chuyên môn cột sống, phẫu thuật chỉnh hình, anh tìm hiểu thông tin và truyền tải thế nào đến cộng đồng?

– Có nhiều cách. Thứ nhất, tôi học Đại học Y 6 năm, được đào tạo đa khoa, các chuyên ngành mình đều được học dù không nhiều. Trong 3 năm nội trú trước khi về mổ xương khớp, tôi cũng phải đi mổ, phụ mổ đa khoa trước, về sọ não, tiêu hóa, tim mạch. Thứ hai, khi muốn viết những cái không phải kiến thức sâu của mình thì cần đọc sách và tham khảo các đồng nghiệp, bạn bè trong lĩnh vực ấy.

Một cái nữa là khi mình viết cho cộng đồng thì là những kiến thức tương đối thường thức, không có những chỉ số quá chi tiết hay một số cái chuyên sâu. Những cái quá sâu thì mình khuyên người ta đi khám chuyên khoa là vì thế.

 

– Anh thấy dân ta thường hay quan tâm tới vấn đề sức khỏe gì?

– Số 1 là ung thư. Số 2 là những cái liên quan sức khỏe thường thức, từ thói quen ăn uống đến các thói quen hàng ngày của người dân. Ung thư thì người ta luôn nghĩ, mắc là dính án tử. Còn thói quen hàng ngày thì hầu như ai cũng mắc phải nên mọi người hay quan tâm.

Để có thể phát huy được giá trị về tính sức khỏe trong một bài viết thì thứ nhất phải có dấu ấn về một sự kiện, tình huống với con số vô cùng ám ảnh. Và phải là thực tế, không phải mình nghĩ ra. Tức là, ngày hôm qua tôi vừa mổ bệnh nhân này, chứng kiến thế này, đau xót và ấn tượng sâu sắc quá nên tôi muốn chia sẻ. Thứ hai là mình phải dẫn dắt người đọc bằng một cách nói rất nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người.

 

– Đó cũng chính là bí quyết giúp các bài viết của anh được mọi người đón nhận với hàng nghìn lượt yêu thích, chia sẻ phải không?

– Một phần. Còn lý do nữa là tôi không đi sâu vào khoe kiến thức. Thường khi đưa ra một vấn đề, tôi cũng không xoáy sâu vấn đề đó mà chủ yếu đưa ra giải pháp.

Bạn để ý mà xem, các bài viết của tôi luôn luôn có giải pháp, nghĩa là không bao giờ đưa một vấn đề ra, vứt cho cộng đồng tự giải quyết. Mình luôn đưa ra giải pháp và hầu như tập trung vào giải pháp.

Người ta nói tất cả mọi thứ, dự phòng là quan trọng chứ còn khi để câu chuyện xảy ra rồi thì nó rất tệ. Có lẽ nhờ vậy mà các bài viết được đón nhận.

Ngày xưa, một bài viết được 100 lượt chia sẻ đối với mình đã là ghê gớm. Cuối năm ngoái có 1 bài mình đạt được 1.500 lượt chia sẻ là tôi thấy khủng khiếp, còn năm nay có bài “đỉnh cao”, đã có gần 30.000 lượt chia sẻ.

 

– Giới bác sĩ xưa nay vốn kín tiếng. Anh có nghĩ mình sẽ là người tiên phong cho thế hệ bác sĩ mới, giúp họ gần gũi hơn với bệnh nhân và giảm bớt sự phụ thuộc của người bệnh vào những lời truyền miệng hoặc “bác sĩ Google” không?

– Riêng khái niệm “tiên phong” thì tôi không quan tâm đâu. Tôi không quan tâm mình là người thứ mấy, là người tiên phong hay khai phá gì cả. Chỉ thấy cần và tốt cho mọi người thì làm.

Trong xã hội hiện đại, mọi người dành nhiều thời gian ở trên mạng xã hội. Dùng smartphone nhiều hơn là đọc sách hay tìm hiểu kiến thức về y tế. Tôi tận dụng khoảng thời gian mọi người dùng Facebook để truyền tải những kiến thức y khoa thường thức tới mọi người. Thông qua những câu chuyện thực tế, kiến thức có được của một bác sĩ, từ đó ngấm dần vào từng người dân.

Mong muốn của tôi là mọi người được tiếp cận với một kênh về sức khỏe. Các bài viết được chia sẻ dựa trên các kiến thức y khoa chính thống từ sách vở, tài liệu chuyên ngành. Tôi tìm cách để mọi người tiếp cận nhẹ nhàng, dễ chịu. Vì đọc những kiến thức về sức khỏe khô khan lắm, người ta ngại lắm.

 

– Sau 4 năm dùng Facebook với rất nhiều bài viết “nghìn like”, anh còn điều gì day dứt, đang ấp ủ để làm được cho nhiều người không?

– Thực sự tôi có nhiều ấp ủ lắm, trong đó có mong muốn các đồng nghiệp cũng sẽ viết, chia sẻ về cách dự phòng từ xa nhiều căn bệnh cho cộng đồng.

Tôi hay nói chuyện với các bác sĩ, họ thỉnh thoảng kể vừa mổ ca này rất hay. Tôi bảo bạn ơi bạn mổ ca này 5, 7, 10 tiếng là điều rất tuyệt vời nhưng chúng ta đừng để việc xảy ra thì tuyệt vời hơn. Bạn mổ những ca đấy, chứng kiến những tình huống đấy thì hãy về viết, chia sẻ cho cộng đồng để có thể dự phòng căn bệnh đó.

Ví dụ mổ ca ung thư thực quản, chúng ta có thể viết về dự phòng ung thư thực quản. Đặt một stem mạch vành cho đột quỵ tim, nhồi máu cơ tim thì viết một bài về cách dự phòng nó.

Mỗi bác sĩ đều viết như thế thì sự lan tỏa sẽ rất lớn vì có hàng chục nghìn bác sĩ mà. Không cần viết hay, chỉ cần viết những giải pháp dự phòng thôi là người dân được lợi rất nhiều rồi. Còn tôi vẫn thấy việc mình đang làm hiện nay rất có ích cho cộng đồng, đang lan tỏa những giá trị tốt thì vẫn sẽ tiếp tục thôi.

 

Cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!

Theo Trí thức trẻ