Tin tức Đời sống - xã hội
5 việc người nghèo hay làm, người giàu thì không: Thấy đặc điểm nào giống mình, hãy mau thay đổi!
Người mạnh mẽ thực sự sẽ không bao giờ đổ hết lỗi lầm lên đầu người khác. Họ chỉ biết trách mình chưa đủ mạnh, chưa đủ tốt. Có như vậy họ mới càng cố gắng hơn nữa, mới càng thành công.
– 1 – Người nghèo giết thời gian, người giàu tận dụng nó.
Mỗi người đều sẽ chỉ có 24 giờ trong một ngày. Ông trời sẽ không vì bạn giàu mà cho thêm một phút hay vì bạn nghèo mà giảm bớt một giây nào.
Thế nên, cách bạn dùng thời gian thế nào sẽ quyết định vị trí của bạn sau này.
Bạn có thể nhìn thấy những người giàu xung quanh mình rất bận rộn, ngoài công việc hằng ngày ra, còn “ép” bản thân học thêm nhiều kiến thức mới về cách quản lý doanh nghiệp, cách nghiên cứu xu hướng thị trường, hay cách lập kế hoạch chiến lược…
Ngược lại, những người thường than nghèo thì lại rất thảnh thơi. Sáng 8 giờ làm thì 7 giờ thức dậy, chiều 5 giờ tan sở, ăn đại gì đó rồi lao đầu vào xem phim, chơi game cả buổi tối. Đây là cái mà họ thường gọi là “xả stress”.
Nhưng xả stress cũng có nhiều cách: tập gym, tập yoga để rèn luyện sức khỏe, có thể hình đẹp. Hay nghe nhạc, vừa nhâm nhi tách trà vừa đọc và suy ngẫm về một quyển sách nào đó. Hoặc giả bạn cũng có thể đi đăng kí một khóa học cắm hoa, làm bánh, pha chế cũng được. Đâu nhất thiết cứ phải cắm đầu vào điện thoại rồi luyện Liên minh huyền thoại?
Tôi từng khuyên một người bạn không nên sống buông thả bản thân như vậy, nhưng cậu ta chỉ đáp lại rằng: “Người trên đời này chỉ được sống một lần, vậy sống sao cho mình vui là được!”
Kể từ đó, tôi cũng không còn khuyên cậu ta nữa.
Phải, người sống trên đời nên sống theo ý mình. Nhưng nếu bạn lựa chọn suốt đời làm một người tầm thường, địa vị không cao, nhà cửa không có, ở một phòng trọ nhỏ, của cải duy nhất là chiếc xe máy dùng để đi làm và cái điện thoại dùng để chơi game. Vậy bạn cứ mãi đắm chìm trong những thú vui giải trí như thế đi.
Để rồi sau này khi đã hơn 30 tuổi, đừng hỏi tại sao bạn bè xung quanh người ta có con ngoan vợ đẹp, có nhà cửa ấm cúng, có đủ tài sản để lo cho ba mẹ dưỡng già, còn bạn thì vẫn chỉ có một mình, không người tâm sự, không dám về quê vào mỗi dịp Tết.
Mỗi phút mỗi giây mà bạn đang tiêu phí trong hiện tại, đã được định sẵn một mức giá vô định, và mức giá đó chính là những thứ bạn sẽ mất đi trong tương lai.
– 2 – Người nghèo đổ lỗi cho người khác, người giàu tự trách mình.
Khi thất bại hoặc phạm lỗi, người nghèo thường có xu hướng trốn tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho người khác.
Trong đời sống thực, không thiếu những tình huống thế này:
Ví dụ: H và đồng nghiệp đã hẹn gặp khách hàng lúc 10 giờ sáng, nhưng lần nào anh ta cũng đến trễ mấy phút. Lần đầu, khách hàng thông cảm cho qua, nhưng liên tiếp vài lần sau vẫn như vậy khiến họ có ấn tượng ngày càng xấu với công ty.
Mà cái lý do đầu tiên H nói không hề xa lạ gì với tất cả chúng ta, ngay cả học sinh, sinh viên cũng thường xuyên sử dụng nó: do bị hư xe.
Thế lý do những lần sau đến trễ là gì?
Trên đường bị kẹt xe do có tai nạn, trợ lý không in hợp đồng trước, con gái bị sốt cao,…
Tôi không biết nếu là bạn, bạn sẽ nói thật hay nói dối. Nhưng tôi biết lòng tin mất đi rồi thì rất khó lấy lại, hơn nữa kiểu đổ lỗi này chỉ khiến cho đối phương thấy bạn vô trách nhiệm và không muốn có thêm bất cứ mối liên hệ nào với bạn nữa.
Người ta có thể thông cảm cho bạn một lần, nhưng không độ lượng đến nỗi thông cảm cho bạn cả chục lần.
Do đó, đối với những người giàu, khi phạm phải sai lầm, điều đầu tiên họ làm chính là kiểm điểm lại mình, tìm lại lý do ở chính mình trước. Bởi vì họ tin rằng trong quá trình thừa nhận thiếu sót của bản thân, họ mới có thể tạo ra nhiều không gian phát triển cho bản thân hơn trong tương lai.
Sự khác biệt trong suy nghĩ sẽ mở rộng khoảng cách giữa người này và người kia, khiến xã hội xuất hiện tầng lớp giàu – nghèo.
Nhưng hãy nhớ rằng, người mạnh mẽ sẽ không bao giờ đổ hết lỗi lầm lên người khác. Họ chỉ biết trách mình chưa đủ mạnh, chưa đủ tốt. Có như vậy họ mới càng cố gắng hơn nữa, mới càng thành công.
– 3 – Người nghèo “giả” hiểu biết, người giàu “vờ” ngốc nghếch
Có một số người, họ nghèo vì mắc căn bệnh “sĩ” quá cao. Ai hỏi cái gì cũng giả vờ như là mình có, mình thấy rồi, mình biết rồi, mục đích là để ngụy trang cho sự thiếu hiểu biết của bản thân. Cũng chính vì vậy, họ đã tự tay chặt đứt cơ hội học hỏi và kết nối của mình với người khác hết lần này đến lần kia.
Ngược lại, những người giàu không ngại học hỏi. Họ dám hỏi điều họ không biết, dám học những thứ mới mẻ, và dám đề ra định hướng, mục tiêu tiếp theo cho tương lai.
Họ sống thực tế, nên họ không lạc lõng và lo sợ quá nhiều. Trái lại, càng có nhiều thứ mới lạ, càng kích thích họ có động lực đi khám phá lĩnh vực mới.
– 4 – Người nghèo “sợ” thất bại, người giàu “dám” thất bại.
Người nghèo có rất nhiều ý tưởng, nhưng thường lại không có đủ can đảm để thực hiện.
Dù cho họ có đọc được cả trăm mẫu báo doanh nhân thành đạt đi nữa, cũng không bằng câu chuyện phá sản được truyền miệng từ hàng xóm.
Chỉ cần nghe đâu đó làm ăn thua lỗ, mất trắng, họ trở nên “nhát”. Họ không dám thử, mặc dù họ rất muốn có nhà lầu xe hơi, ăn nhà hàng, ngủ khách sạn như những người giàu khác.
Người giàu thì khác, họ thất bại một lần, họ mừng vì có thêm một bài học kinh nghiệm. Hơn nữa, họ còn dựa vào đó để “vá lại” những lỗ hổng trong chiến lược, chính sách hoặc cách điều hành của mình. Họ chấp nhận “cược”, nếu thành công thì công sức họ đã bỏ ra không uổng phí, còn nếu thất bại, họ vẫn vui vẻ đi làm công kiếm vốn lại từ đầu.
Nói tóm lại, bạn là người tạo ra đồng tiền, thì bạn cũng phải biết cách điều khiển và sử dụng nó. Chỉ đến khi bạn thay đổi được tư duy và suy nghĩ của mình, thì bạn mới dám hành động và thay đổi. Và tiếp theo, mọi thứ nhất định sẽ dần tốt đẹp hơn.
Theo Trí thức trẻ