Tin tức Đời sống - xã hội
35 tuổi vẫn chưa ổn định: Bạn càng tàn nhẫn với bản thân, cuộc sống càng dịu dàng với bạn
Muốn trở thành người mình muốn trở thành, muốn có được cuộc sống mà mình muốn có, thì phải chịu được những nỗi khổ mà người khác không chịu được.
Gần đây, một người bạn kể tôi nghe một câu chuyện. Bạn cũ cậu ấy đến công ty tìm cậu ấy, nói là thấy dạo này sự nghiệp của cậu ấy phát triển rất tốt, nên anh ta đặc biệt tới thăm, cũng như muốn hỏi cậu ấy một điều: “Tại sao anh ta đã rất nỗ lực, nhưng đã 35 tuổi rồi mà vẫn chưa có việc gì ổn định hay thành công cả?”
Cậu bạn tôi với anh ta tốt nghiệp cùng năm, lúc đó cả hai đều 23 tuổi. Khác biệt chính là: cậu bạn tôi trong thời gian thực tập, đã dùng tiền kiếm được nhờ làm part-time lúc trước để khởi nghiệp, có điều đã thất bại; Anh bạn kia sau khi tốt nghiệp được 2 năm cũng bắt đầu khởi nghiệp, nhưng cũng đã thất bại.
Có thể nói, thời gian khởi nghiệp của cả hai người họ cũng cách nhau không lớn, bọn họ đều đã học được một vài kinh nghiệm từ sau lần thất bại đó.
Nhưng đến nay, sau hơn 10 năm, một người có mức lương 9 chữ số, một người vẫn còn sống bấp bênh.
Thực ra, mọi chuyện đều có lí do riêng của nó.
Anh chàng kia lúc đầu tính đầu tư mở rạp chiếu phim, nhưng sau vài tháng ngay cả địa điểm vẫn chưa chọn xong, cuối cùng đợi đến khi anh ta chọn được chỗ đẹp, mới phát hiện trước đó vài tháng ở vùng đó đã có vài người mở trước, bọn họ còn thống nhất giá cả và hay tổ chức ưu đãi rất nhiều cho những khách quen, nên lượng khách cố định chỗ họ là rất đông.
Sau đó, anh ấy tính lập công ty làm về tài chính Internet, nhưng lại nghe người ta nói hiện nay làm ngành đó rủi ro quá lớn, nên anh ta đã từ bỏ.
Anh ấy nói bản thân quá xui xẻo, làm việc gì cũng không thành.
Nhưng nếu phân tích kỹ, ta sẽ thấy, bởi vì anh ấy “nghĩ” khá nhiều, nhưng “làm” thì lại rất ít.
Hạng mục anh ta chọn không tệ, nhưng lại không làm đến nơi đến chốn, kế hoạch dù hoàn hảo nhưng cũng chỉ là lý thuyết.
Nhìn vào những người thành công mà xem, mặc dù nguyên nhân thành công không giống nhau. Nhưng có một điều chắc chắn là, bọn họ đều hành động rất nhiều, tinh thần vượt khó cũng rất mạnh mẽ.
Trong xã hội này, không có ai thông minh hơn ai, cũng không có ai sống dễ dàng hơn ai, thế nhưng tại sao có người thành công, có người thất bại?
Bởi vì người ta dám nghĩ dám làm, họ không cần hoàn mĩ, họ cần trải nghiệm, ý tưởng khá ổn sẽ bắt tay hành động ngay, vừa làm vừa điều chỉnh, như vậy mới cách thành công không xa.
Khả năng hành động cũng được phân cấp độ:
Cấp 1: dù nhiệm vụ phức tạp đến đâu, cũng đi trước bước đầu rồi tính tiếp.
Cấp 2: làm việc nghiêm túc, quyết không bỏ cuộc giữa chừng.
Cấp 3: việc người ta bảo không làm được lại càng muốn làm. Họ nghĩ được, nói được, làm được, không ngại khó và dám tiếp nhận thách thức.
Thế nên, rất nhiều người không thành công là do không hành động, cũng không có tính kỷ luật.
Bạn muốn ốm bớt 10 kg, nhưng tập thể dục vài bữa đã nản; bạn muốn ngủ sớm dậy sớm, nhưng chỉ vài tập phim truyền hình đã khiến bạn từ bỏ; bạn đặt mục tiêu mỗi ngày phải đọc sách 2 tiếng, nhưng những con chữ khô khan khiến bạn đầu hàng.
Bản thân chúng ta thường tự đặt ra cho mình rất nhiều mục tiêu, nhưng đến lúc thực hành lại chẳng được bao nhiêu cái.
Bởi vì chúng ta không ý thức được lợi ích của việc tự giác chấp hành mục tiêu là gì, hơn nữa khi đối diện với an nhàn trước mắt – khổ cực trong tương lai và khổ cực trước mắt – an nhàn trong tương lai, chúng ta lại không kiên trì nổi mà buông tay lựa chọn an nhàn trước mắt.
Do đó, chúng ta cần học cách nâng cao ý thức kỉ luật bản thân nhiều hơn. Ví dụ:
Hãy nhớ rằng, nếu không hoàn thành công việc đúng hạn, bạn sẽ không được thăng chức tăng lương, và sau này không được tự do tài chính.
Kỷ luật tự giác khiến bạn thấy khó chịu, nhưng không có tính kỷ luật càng khiến bạn gặp nhiều rắc rối hơn.
Nếu hiện tại bạn không chịu cố gắng, nó sẽ trở thành nguyên nhân thất bại của bạn trong tương lai.
Cháu gái tôi tên Tâm, năm nay vừa mới thi đại học và đậu vào trường Đại học Y Dược ở Tp. HCM. Lúc còn học năm lớp 10 và 11, nó còn rất ham chơi. Nhưng đến đầu năm lớp 12, tôi không hiểu sao thấy nó như biến thành người khác. Điện thoại không xài mà tự động nộp cho mẹ nó, trừ những lúc cần tra cứu thông tin, thời gian còn lại đều không mở máy tính chơi game. Đi học xong, về nhà phụ mẹ việc nhà trước, sau đó liền học bài, đọc sách tham khảo. Nó chỉ học luyện thi môn Sinh.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất chính là: con bé đã bỏ được thói quen ngủ nướng mà tự giác ngủ lúc 10 giờ đêm, và dạy lúc 4 giờ sáng để ôn bài trong suốt cả năm học.
Đối với vài đứa trẻ khác, chuyện này là bình thường, nhưng với cháu gái tôi, để kiên trì làm đúng mục tiêu trong suốt cả năm học như vậy là chuyện rất khó khăn, bởi trước đây nó chưa bao giờ chấp hành nghiêm chỉnh như thế.
Lúc mới tự giác thực hiện mục tiêu, có thể bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn, nhưng lâu dần bạn sẽ phát hiện ra, mỗi người chúng ta đều có một khả năng, gọi là “vô hạn”, chỉ cần tiếp tục nỗ lực, ta có thể tự mình vượt qua được giới hạn bản thân.
Mức độ hành động cũng sẽ quyết định phạm vi cuộc đời bạn.
Xung quanh chúng ta, không ít người bị cho là “lập dị” bởi những tình huống thế này:
Tất cả bạn bè đều đi chơi, còn anh ta lại chìm đắm trong việc đọc sách.
Tan ca, đồng nghiệp đều rủ nhau đi ăn một bữa no nê, cô ấy lại ở một mình, đổ mồ hôi nhễ nhại trong phòng tập gym.
Ngày nghỉ, mọi người đều ngủ nướng, hoặc chơi game, người đó lại thức dậy sớm tự mình nấu đồ ăn sáng, sau đó lên kế hoạch mấy ngày sau.
Bọn họ bị người khác đánh giá là nhàm chán, cô độc, hay thậm chí là tự kỉ, tự ngược bản thân, thiếu tự do, không hòa đồng. Nhưng thực tế thì sao, bọn họ mới là người tự do nhất, họ cũng có nhiều quyền lựa chọn nhất. Bởi vì họ dám tự giác kỷ luật, dám hành động, nên họ càng dễ tiếp cận mục tiêu và ước mơ của riêng mình.
Thành công không có con đường tắt, nhưng mỗi bước đi của bạn đều góp phần tạo nên con đường đến với thành công.
Tôi từng xem qua một bộ phim, nam diễn viên chính đóng vai một diễn viên không có tiếng tăm. Dù biết đạo diễn đang bắt nạt mình, anh ta vẫn cố gắng hoàn thành tốt mỗi vai diễn.
Đạo diễn bắt anh ta tăng cân, anh ta tự ép bản thân ăn, muốn mập lên 7 kg, đạo diễn bắt anh ta giảm cân, anh ta cố gắng mỗi ngày đều chạy bộ, không ăn thịt, ăn ít cơm, ốm hơn 10 kg trong vòng 1 tháng.
Anh ta nói: “Mỗi nghề đều có cái khó của nó. Nếu tôi đã chọn làm diễn viên, tôi sẽ liều mạng theo đuổi đến cùng. Kịch bản bắt tôi gầy, tôi nhất định sẽ gầy. Kịch bản bắt tôi béo, tôi nhất định sẽ béo. Là một diễn viên chân chính, đây là chuyện cơ bản nhất cần làm được.”
Sau này, anh ta thực sự đã nổi tiếng.
Việc càng khó, càng nên nỗ lực, phấn đấu, tự giác thực hiện mục tiêu đề ra.
Có nhiều việc, không phải chờ bạn giỏi rồi mới thực hiện, mà vì nhờ bạn thực hiện, bạn mới trở nên ưu tú.
Muốn trở thành người mình muốn trở thành, muốn sống cuộc sống mà mình muốn, thì phải chịu những nỗi khổ mà người khác không chịu được.
Bạn càng tàn nhẫn với bản thân, cuộc sống sẽ càng dịu dàng với bạn.
Theo Trí Thức Trẻ