Tin tức Đời sống - xã hội
30 tuổi không xu dính túi, tôi nhận ra rằng: Khi không có tiền, lấy gì để duy trì quan hệ? Tình yêu, tình bạn, hay chỉ dùng lời nói liệu có đủ không?
Khi bạn nghèo, bạn ở trước mặt thì chẳng ai dòm ngó. Khi bạn giàu, bạn có ở trong hang sâu họ cũng đến thăm. Quan hệ giữa người với người vốn đã mỏng như tờ giấy.
Trong cuộc sống hiện đại, dù chúng ta vẫn luôn nói rằng “Đồng tiền không thể mua được tất cả”, nhưng trên thực tế, cuộc sống lại không thể tách rời khỏi tiền tài. Đúng là đồng tiền không phải tất cả, không thể mua được mọi thứ nhưng không có tiền cũng đồng nghĩa với việc chúng ta chẳng có tư cách để mua nổi bất cứ thứ gì. Cuộc sống trong điều kiện đầy đủ vật chất sẽ hoàn toàn khác biệt cả về chất lẫn lượng với một cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Cho nên, dù không thể giàu có nứt đố đổ vách, không trở thành triệu phú tiền đô, ít nhất chúng ta cũng phải không ngừng nỗ lực trong phương diện tài chính, đừng để bản thân rơi vào cảnh nghèo nàn.
Dù có nói thế nào đi nữa thì chúng ta cũng không thể phủ nhận sự thật rằng: đồng tiền chính là mặt gương rõ nét nhất để phản chiếu bản chất thật nhất của mọi sự vật, sự việc đang diễn ra xung quanh. Khi rơi vào cảnh không xu dính túi, chúng ta mới càng có cơ hội đích thân trải nghiệm thế nào là thói đời bạc bẽo, lòng người khó dò. Khi không có tiền, bạn sẽ lấy gì để duy trì các mối quan hệ? Dùng tình thân, tình bạn, hay chỉ dựa vào miệng lưỡi trong xã hội trọng vật chất bây giờ?
Tại một làng nhỏ ở Trung Quốc, gia đình họ Trương sinh được 2 người con trai. Cậu con cả tính trầm, lấy vợ sinh con đã được 5 năm, cả hai vợ chồng làm giáo viên tại một ngôi trường cấp xã. Đồng lương đủ ăn đủ tiêu, không quá khó khăn nếu biết cách dành dụm chút ít. Làm nghề giáo nên cũng có nhiều thời gian rảnh, cậu con cả thường về nhà bố mẹ giúp đỡ, đỡ đần công việc tay chân.
Ngược lại, cậu con thứ có tính cách nhiệt tình sôi nổi, xin bố mẹ vốn để làm ăn kinh doanh và kiếm được không ít lợi nhuận. Cậu ta mải mê kiếm tiền nên bản thân bận rộn, cả năm cũng mới về nhà bố mẹ được một lần, mỗi lần chỉ ngồi nửa ngày, để lại quà cáp đắt tiền rồi lại đi luôn.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu sau Tết năm đó, con trai của anh Trương lớn phải nhập viện điều trị viêm phổi một thời gian dài. Chi phí nằm viện và thuốc men rất lớn, vượt khỏi tầm kiểm soát của hai vợ chồng làm giáo viên. Họ đi đến bước đường cùng mới về nhà hỏi vay bố mẹ và em trai. Thế mà, ông bà Trương chỉ bảo “đã đưa hết tiền cho thằng út đi làm ăn”, còn cậu Trương nhỏ thì thẳng thừng từ chối vì “đang thiếu vốn kinh doanh, không có thừa cho vay được”.
Hai vợ chồng anh Trương lớn phải cầm cố, bán đi rất nhiều tài sản tư trang trong nhà mới đủ sức gồng gánh qua thời gian đấy. Sau này, họ tình cờ nghe được rằng, cậu Trương nhỏ rất giàu, chẳng bao giờ thiếu tiền nhưng cố tình không cho anh chị vay là vì sợ họ nghèo quá, không trả nổi rồi lại kiếm cớ quỵt tiền.
Thực sự, khi bạn nghèo không xu dính túi, thì mọi mối quan hệ cho dù là cha mẹ, cho dù là anh em, cho dù bạn bè thân thiết đến mấy cũng có thể coi thường bạn. Quả thật, nghèo nàn chính là thời điểm tốt nhất để biết bộ mặt thật của những người xung quanh, kể cả những người thân thuộc.
Người xưa cũng từng nói “Bần tiện phu thê bách sự ai”, có nghĩa là “vợ chồng nghèo nên trăm chuyện buồn thương”. Tiền không phải vạn năng, nhưng không có tiền thì làm gì cũng bất tiện. Thành thật mà nói, nghèo không phải bệnh bất trị khiến chúng ta phải sợ hãi. Nhưng không có tiền, chúng ta phải chấp nhận rằng, mình sẽ có ít lựa chọn hơn, đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Chỉ có nỗ lực kiếm tiền, cho bản thân một cuộc sống sung túc đủ đầy, chúng ta mới khiến sự tồn tại của mình được trọn vẹn hơn, cũng có đủ tư cách để giúp đỡ và yêu cầu sự giúp đỡ từ người thân khi cần thiết.
Có câu rằng: Hãy tự tiết kiệm cho mình một khoản một dày, để một ngày nào đó, dù mất đi sự ưu ái của bất kỳ ai, bạn vẫn có thể áo cơm vô lo, tự chủ về cuộc sống của mình. Cho dù vật chất không thể mang lại hạnh phúc tuyệt đối, nhưng ít nhất nó có thể giải quyết hầu hết các vấn đề trong cuộc sống và đưa bạn thoát khỏi nhiều sầu khổ, đến gần hạnh phúc hơn một chút. Tự lấy năng lực để nuôi sống bản thân, chúng ta mới có thể tự tin quyết định vận mệnh của mình, không cần phụ thuộc vào bất cứ ai.
Phải biết rằng, nếu không có một xu dính túi, đừng nói là quan tâm người khác, đến chăm lo bản thân mình cũng đã đủ khó khăn. Vào thời điểm đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng có quá nhiều thứ bất lực trong cuộc sống. Trước những khó khăn kinh tế, chúng ta không thể đưa ra sự lựa chọn tốt hơn ngoài việc từ bỏ. Không dám thất nghiệp, không dám ốm đau, không dám tiêu pha, ngày ngày sầu não vì chuyện sinh hoạt.
Như người ta vẫn nói, khi bạn giàu, bạn có ở trong hang sâu họ cũng đến thăm; khi bạn nghèo, bạn ở trước mặt thì chẳng ai dòm ngó. Quan hệ giữa người với người vốn đã mỏng như tờ giấy. Mặc dù quen biết hàng trăm người nhưng đến thời điểm khó khăn nhất, số người đưa tay ra giúp đỡ liệu được bao nhiêu? Hay chỉ có người thân thì xa lánh, bạn bè thì không liên hệ, người yêu cũng dần thay đổi. Những người thường ngày có thể ăn uống chơi bời, nhìn như tri kỷ tình thâm nghĩa hậu, cũng sẽ tìm cách lảng tránh từng cuộc điện thoại xin giúp đỡ của chúng ta mà thôi.
Cho nên, khi còn có thể, hãy dùng khả năng để phấn đấu kiếm tiền, dùng tiền tài để bảo vệ tự tôn và xây dựng vị thế của bản thân. Có đủ điều kiện trong tay, chúng ta mới không sợ thiên tai nhân họa, mới có thể yên tâm ngã bệnh mà vẫn được quan tâm chăm sóc. Đó không chỉ là sự rèn luyện về tinh thần, mà còn là nhu cầu phát triển cả tố chất lẫn năng lực. Có những sự thật nên đối mặt càng sớm càng tốt, đừng để tuổi già mới minh bạch bi ai.
Theo Trí thức trẻ