Tin tức Đời sống - xã hội

10 năm sau, liệu bạn có thể cảm ơn bản thân vì ngày hôm nay đã làm việc chăm chỉ không? Câu trả lời nằm ở chính bạn

 

10 năm sau, bạn sẽ là người thành công trong cuộc sống để tự hào cảm ơn quá khứ, hay chỉ ôm đầu hối tiếc khi ngẫm lại những gì đã qua?

 

 

Nếu cuộc đời cũng có một bản tóm tắt, liệu ở phút giây cuối cùng, chúng ta có thể nói lời cảm ơn với chính mình khi ở vào thời điểm nào đó trong quá khứ, đã hết lòng trả giá công sức, đứng vững trước mọi áp lực, khắc chế dục vọng bản thân để kiên trì hướng tới 1 mục tiêu duy nhất?

Mười năm trước, một đồng nghiệp của tôi chuẩn bị thi lên thạc sĩ. Bởi vì tài chính khó khăn, cô ấy không dám từ chức công việc đang làm mà chỉ có thể tranh thủ thời gian, ban ngày đi làm, đến tối về mới nỗ lực ôn thi. Những người xung quanh biết chuyện đều cho rằng cô ấy đúng là tự hành xác vì kỳ thi thạc sĩ của trường học cô đăng ký thuộc dạng cực kỳ khó nhằn.

Tôi nhớ lịch trình đại khái của cô ấy lúc đó chính là:

5 giờ sáng thức dậy, học đến 7 giờ sáng thì đi làm.

12 giờ nghỉ trưa, vừa ăn cơm vừa tranh thủ học thêm đến 2 giờ chiều rồi lại vào làm ca chiều.

7 giờ tối bắt đầu tự học ở thư viện gần trường hoặc tham gia vào các khóa học thêm, nghiên cứu của trường đại học đó tới 10 giờ tối.

Cả hai ngày cuối tuần đều bận rộn chạy hết lớp phụ đạo này đến lớp phụ đạo khác quanh trường, không có lấy một chút thời gian rảnh rỗi cho riêng mình.

Trong ấn tượng của tôi, cô ấy là một người rất nhỏ và gầy gò, luôn đeo trên vai một chiếc balo cỡ lớn không hề cân xứng với vóc dáng của mình. Tốc độ ăn uống và đi lại của cô rất nhanh. Thông thường, khi chúng tôi thảnh thơi mua đồ ăn, quay cơm, đi rửa tay rồi mới ngồi vào bàn ăn thì cô ấy đã ăn gần xong bữa của mình.

Cuối cùng, cô ấy cũng thi đỗ thạc sĩ tại trường đại học mà mình mong muốn, xin được học bổng bán phần và có thể lập tức từ chức, chuyển tới thủ đô để bắt đầu một chương mới trong cuộc đời mình.

Một thời gian dài sau đó, khi chúng tôi tình cờ gặp lại nhau ở thủ đô, tôi mới nhận ra cô ấy đã hoàn toàn thay đổi như biến thành một con người khác. Không chỉ mặc một thân đồ công sở xuất xứ từ một nhãn hàng sang trọng đắt tiền, khí chất xung quanh cô đã trở nên mạnh mẽ như một nữ cường nhân thành đạt. Lúc đó, cô ấy mới cười nói: “Chắc lần đầu cậu nhìn thấy mình có bộ dạng như này nhỉ? Ngày xưa có dám đi giày cao gót, mặc đồ công sở đâu. Chỉ sợ đi lại vướng víu chậm chạp, lãng phí thời gian thôi!”

Nhớ lại đoạn thời gian gian khổ lúc trước, cô ấy chia sẻ rằng, giai đoạn ôn thi thạc sĩ đó chính là quãng đời khổ cực nhất trong ký ức của cô kể từ khi sinh ra đến giờ. Không có thời gian mua sắm, không có thời gian vui đùa, các hoạt động xã giao hay giải trí gì cũng phải từ bỏ hết, bạn bè gọi điện cũng không dám nhận, ăn sáng hay ăn trưa đều tiện đường mà mua, miễn rẻ và nhanh là được, không dám mong đợi ăn ngon.

Cô kể: “Hồi đó gần nhà mình có một cửa hàng bán đồ ăn sáng, họ có 3 loại bánh bao chay, nhân thịt và nhân đậu. Mỗi ngày mình đi làm đều qua đó mua hai cái, một chay một đậu, rồi vừa chen chân đứng trên xe buýt, một tay cầm bánh bao gặm, một tay cứ cầm sách học thêm. Sau này lên thủ đô rồi, suốt chục năm nay, nửa cái bánh bao mình cũng không sờ tới nữa, cứ nghĩ đến lại thấy nghẹn cả người.

Ngày nào cũng học từ sáng đến khuya, mệt đến phát điên nhưng vẫn phải tiếp tục, chỉ mong có người đến giết quách mình đi cho rồi. Ngày nào trước khi đi ngủ, mình cũng nằm vắt tay lên trán mà nghĩ, có thể thi đậu hay không còn chưa biết, tự hành xác thế này có đáng hay không.

Cũng may là ý nguyện đạt thành, đại cát đại lợi. Hiện tại ngẫm lại mới thấy thật sự may mắn, may mắn vì mình đã kiên trì vượt qua giai đoạn đó. Nếu có thể trở lại quá khứ, mình thật sự muốn một lần được ôm lấy con người đáng thương của mười năm trước. Cảm ơn bản thân của quá khứ đã nỗ lực kiên trì không buông bỏ, để có được bản thân của mười năm sau ở đây.”

Có lẽ trong đời mỗi người đều từng có một giai đoạn cảm thấy khổ không thể tả, sống không bằng chết, cuộc đời chẳng còn gì luyến tiếc. Lúc đó, chúng ta cực kỳ mệt mỏi, cực kỳ mê mang, cực kỳ muốn từ bỏ. Thế nhưng kiên trì một hồi, chịu đựng thêm một lúc, đợi đến khi vượt qua đêm đen, vậy là có thể nghênh đón ánh sáng, bình minh tới rồi.

Tựa như VĐV Bơi lội Phó Viên Tuệ nổi tiếng của Trung Quốc từng nói: “Ở thời điểm giãy giụa nhất, thống khổ nhất, không nhìn thấy một chút hy vọng nào, mệt đến thở không ra hơi, vai không nâng dậy nổi, quần áo cũng không đủ sức mặc lên, mỗi tối nằm trên giường mà cả người đau đớn không ngủ nổi, mỗi lần tim đập lên đều thấy đau đến tức ngực, tôi vẫn sẽ nghĩ rằng, nếu mình cứ thế này mà mệt chết thì phải làm sao bây giờ? Bố mẹ phải làm sao bây giờ?

Thôi, lại kiên trì thêm một chút, cố gắng bơi nhanh thêm một chút. Chỉ một chút thôi cũng được. Và một chút đó đã giúp tôi đạt được thành tích không tưởng tại Thế vận hội Olympic 2016. Dù chỉ về đích thứ 3 nhưng đây là kết quả mà tôi đã dùng toàn bộ thể xác và tinh thần để đánh đổi.

Khoảnh khắc đứng trên bục trao giải thưởng, nhìn quốc kỳ đỏ rực tung bay, dường như đó chính là tôi vậy. Lúc đó, tôi phải chân thành mà cảm ơn những kiên cường mà mình đã bỏ ra suốt thời gian qua.”

Cảm ơn sự kiên cường đã giúp chúng ta tìm kiếm và đạt được thêm rất nhiều sắc thái rực rỡ cho sinh mệnh. Trong lòng mỗi người đều có một thế giới mỹ lệ, ở đó có cuộc sống mà bạn mong muốn, có thành tựu mà bạn ước mơ, có bản thân mà bạn luôn hướng tới.

Chỉ là, cánh cửa bước vào thế giới đó chưa bao giờ mở rộng để chờ bạn thong thả tiến đến. Ở đại đa số thời điểm, trước mặt bạn chỉ có một bức tường kiên cố. Chỉ khi nào bạn dùng hết sức bình sinh phá bỏ được nó, thoát khỏi rào cản, bạn mới có thể miễn cưỡng đạt được được gì mình mong chờ. Có nỗ lực và trả giá trong quá khứ mới có tương lai đầy hoa tươi và vinh quang ở tương lai.

 

 

Theo Trí thức trẻ