Tin tức Đời sống - xã hội
1 giờ tức giận = 6 tiếng thức khuya, là cơn “sóng thần” nguy hại cho cơ thể không kém gì ung thư
Các nhà tâm lý học cũng cho rằng, năng lượng thể chất và tinh thần cần tiêu thụ để chống chọi với tâm trạng ở trong trạng thái tức giận suốt 1 tiếng đồng hồ có thể tương đương với việc thức khuya 6 giờ liên tục, cực kỳ nguy hại sức khỏe.
Nói về tác động tiêu cực của việc thức khuya lên sức khỏe con người, tin rằng tất cả mọi người không ai không biết, không ai không hiểu. Nếu đồng hồ sinh học của cơ thể bị đảo lộn ngày đêm, các cơ quan tạng phủ trong người sẽ phải chịu tổn thương nghiêm trọng, từ đó gây ra hàng loạt các bệnh lý khác nhau từ nhẹ tới nặng cho gan, tim, não bộ, v.v.
Thức khuya lâu dài thậm chí có thể xuất hiện thêm các triệu chứng tiêu cực kinh niên như mất ngủ, đãng trí, tâm tính thất thường, khiến tình trạng cả thể xác và tinh thần ngày càng tồi tệ hơn, trở thành một vòng lặp tổn hại mãi mãi không có hồi kết.
Với những hậu quả để lại như trên, quả thực thức khuya chính là một hành vi không khác gì tự sát. Vì lẽ đó, ngày nay, để chú trọng vấn đề dưỡng sinh và nâng cao sức khỏe, người ta thường xuyên được khuyến cáo không nên đi ngủ sau 11 giờ đêm. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số chúng ta lại quên mất một hành động cũng có thể gây ra những nguy hại không hề kém cạnh cho cơ thể con người. Đó chính là việc tức giận.
Có câu nói ví von rằng “1 giờ cáu kỉnh bằng 6 tiếng thức khuya” để thể hiện rõ những hậu quả mà trạng thái tức giận kéo dài có thể đem tới. Một số nhà tâm lý học cũng cho rằng, năng lượng thể chất và tinh thần cần tiêu thụ để chống chọi với tâm trạng ở trong trạng thái tức giận suốt 1 tiếng đồng hồ có thể tương đương với việc thức khuya 6 giờ liên tục. Điều này không chỉ khiến hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm, mà làm dẫn tới những tác động tiêu cực về lâu về dài.
Đôi khi tức giận có thể tốt cho trạng thái tâm lý của chúng ta nếu nó chỉ xảy ra nhất thời và được thể hiện một cách tiết chế. Trên thực tế, nhiều người còn có khả năng suy nghĩ logic và nhanh nhạy hơn trong cơn nóng giận. Tuy nhiên, tình trạng tức giận kéo dài, dù được kìm nén trong lòng hay bùng nổ ra ngoài, thì đều có thể tàn phá cơ thể nghiêm trọng. Cụ thể như sau:
Tức giận hại tim, tăng nguy cơ đột quỵ
Khi tức giận, nhịp tim của chúng ta tăng nhanh. Hệ thống tim mạch phải chịu áp lực rất lớn. Trong vòng hai giờ đồng hồ khi cơn thịnh nộ bùng phát, nguy cơ gây nên một cơn đau tim có thể tăng gấp hai lần. Cơ thể còn có thể sẽ gây ra những biến động huyết áp, có thể gây nhồi máu não, đột quỵ. Vì thế, những bệnh nhân bị bệnh tim mạch và mạch máu não sợ nhất là tức giận.
Viêm loét dạ dày
Các thần kinh giao cảm được kích thích khi tâm trạng nóng giận sẽ tác động trực tiếp tới tim và mạch máu, giảm lưu lượng máu đến dạ dày, dạ dày và ruột, gây ra cảm giác chán ăn và hiện tượng loét dạ dày nặng, axit dạ dày gây ra chấn thương niêm mạc dạ dày…
Suy nhược tinh thần
Nếu bạn lúc nào cũng tức giận, bạn sẽ thấy thường xuyên mệt mỏi hơn. Trong một nghiên cứu năm 2012, các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng sự tức giận có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của rối loạn lo âu (GAD) – một tình trạng với các dấu hiệu như lo lắng quá mức và không kiểm soát được cảm xúc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của người mắc bệnh.
Khả năng miễn dịch giảm
Khi tức giận, não sẽ ra lệnh cho cơ thể tạo ra một lượng corticosteroid được chuyển hóa từ cholesterol. Nếu chất này tích lũy quá nhiều trong cơ thể, nó sẽ cản trở sự chuyển động của các tế bào miễn dịch và làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
Gây ra ung thư phổi
Nhiều người không biết rằng duy trì một tâm trạng xấu như hờn dỗi, trầm cảm và nghi ngờ là tất cả các yếu tố vô tình gây ra ung thư phổi. Một nhóm các nhà khoa học Đại học Harvard đã nghiên cứu 670 người đàn ông và cho kết quả như sau: Những người đàn ông có xếp hạng mức độ tức giận cao nhất có dung tích phổi nặng hơn đáng kể, điều này có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của cơ quan hô hấp.
Tổn hại gan
Khi tức giận, cơ thể sẽ tiết ra một chất gọi là “catecholamine”, gây tác động lên hệ thống thần kinh trung ương, lượng đường trong máu cao, tăng lượng axit béo phân hủy, đồng thời làm tăng độc tố trong các tế bào máu và gan.
Do đó, trong đời sống thường ngày, phải chú trọng kiểm soát tâm trạng của bản thân, không duy trì cơn nóng giận trong một thời gian dài để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Cần phải học được cách giải tỏa áp lực cho bản thân và rộng lượng đối xử với những người xung quanh để bình tĩnh hơn trước mọi tình huống.
Theo Trí thức trẻ