Tin tức BĐS
Xuất hiện những “điểm nóng” trên thị trường nhà đất khu Nam TPHCM
Hơn 10 năm trước, khi đại lộ Nguyễn Văn Linh hình thành đã tạo nên một diện mạo “không tưởng” cho thị trường BĐS của toàn khu Nam Sài Gòn. Từ đó, khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng ra đời đã kéo theo hàng loạt dự án nhà đất “ăn theo”, và đến nay cơn sốt này bắt đầu lan toả mạnh đến một số khu vực giáp ranh là Cần Giuộc, Đức Hoà, Đức Huệ (Long An).
Thực tế, tuyến đường này đã tạo ra trục kinh tế trọng điểm của TPHCM hiện tại. Nó giúp kết nối những công trình trọng điểm như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Nhà máy điện Hiệp Phước, Khu công nghiệp Hiệp Phước và Khu đô thị cảng Hiệp Phước. Con đường thành hình, việc trung chuyển hàng hóa từ Khu chế xuất Tân Thuận, cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận các tổng kho, tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại đã được giải quyết.
Vai trò chiến lược của con đường càng được xác định rõ nét và trở thành tuyến vành đai chủ lực tạo mạng lưới giao thông liên hoàn từ Nam Sài Gòn đến các quận, các tỉnh miền Tây Nam Bộ với các vùng kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ khi cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn được xây dựng, nối liền trục giao thông vành đai phía Đông Thành phố, nối từ quận 7, sang quận 2 và quận 9.
TS. Nguyễn Văn Tùng, giảng viên Khoa Quy hoạch vùng và đô thị, Đại học Kiến trúc TPHCM cho rằng, điều dễ thấy nhất tại khu Nam, đó là kinh tế khu vực này phát triển mạnh nhất TPHCM trước đây và hiện nay. Sau khi tuyến đường Nguyễn Văn Linh được hình thành, hàng loạt các doanh nghiệp trong và ngoài nước đổ về đây đặt văn phòng tại các tòa nhà dọc tuyến đại lộ này.
Ông Trương Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc công ty Phát triển Phú Mỹ Hưng, cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ các hướng phát triển của thành phố trước khi quyết định chọn Nam Sài Gòn. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển khu công nghiệp và khu đô thị lớn. Theo đó, hướng Bắc có điều kiện đất đai và hạ tầng rất tốt, tuy nhiên, nếu phát triển khu đô thị với quy mô lớn ở đây thì về lâu dài có thể ảnh hưởng không tốt đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước của TPHCM”.
Mặt khác, phát triển về hướng Tây ở thời điểm đó hạ tầng chưa hoàn thiện, vị trí nằm xa quận 1 và quận 5 – hai quận trung tâm sầm uất của thành phố. Quận 2 thì gần quận trung tâm, nhưng điểm hạn chế bị ngăn cách bởi sông Sài Gòn.
Vì vậy, Nam Sài Gòn đã được chọn vì những lý do sau: Dải đô thị nằm dọc cùng trục và gần hai quận trung tâm là quận 1, quận 5, hệ thống giao thông sẵn có nên dễ dàng kết nối. Đồng thời, phát triển theo hướng Nam cũng phù hợp với xu thế phát triển của những đô thị lớn trên thế giới, đó là phát triển tiến dần ra biển. Ngoài ra, điều kiện tự nhiên khu Nam Sài Gòn khá tốt, có hệ thống kênh rạch dày đặc, nằm gần rừng phòng hộ Cần Giờ – lá phổi xanh của TPHCM – nên đây là điều kiện hết sức lý tưởng để phát triển đô thị sinh thái.
Không dừng lại ở đó, cũng với chiến lược quy hoạch vùng đô thị mở rộng về các tỉnh phía Nam (Long An, Tiền Giang, Tây Ninh…), TPHCM cũng đang dành một nguồn ngân sách khá lớn và kêu gọi nhiều tập đoàn đa quốc gia cùng tham gia phát triển hàng loạt dự án đầu tư mở rộng – nâng cấp cầu đường hiện hữu để tạo nên một đối trọng không kém cạnh với các vùng còn lại của thành phố.
Đặc biệt, UBND TPHCM đã giao một số đơn vị liên quan nhanh chóng xúc tiến phương án đầu tư dự án hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, với số vốn gần 5.000 tỷ đồng.
Song song đó, khu Nam cũng có sự phát triển đồng bộ nhiều tuyến đường để kết nối thuận tiện với khu trung tâm. Đường Huỳnh Tấn Phát được mở rộng lên 30m kết nối với trục đường chính Nguyễn Văn Linh. Cầu Bình Tiên cũng sẽ được xây dựng để mở đường cho việc hình thành tuyến đường Vành đai trong kết nối toàn bộ khu vực Nam Sài Gòn với các khu vực Tây và Tây Nam thành phố.
Ngoài việc ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc, trước mắt thành phố cũng lên phương án mở rộng lộ giới đường Lê Văn Lương lên hơn 40m – tuyến đường huyết mạch bắt đầu đại lộ Nguyễn Văn Linh kết nối khu Nam TPHCM đi qua khu đô thị cảng Hiệp Phước và kết nối trực tiếp với huyện Đức Hoà, Cần Giuộc của tỉnh Long An.
Song song đó, tuyến Metro số 4 với tổng vốn đầu tư 97.000 tỷ đồng (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Nắm bắt thời cơ này, việc doanh nghiệp địa ốc dịch chuyển ra các khu vực lân cận phát triển dự án, nhằm thoát khỏi trung tâm đã quá chật chội để tìm thị trường mới là lẽ đương nhiên. Các đô thị vệ tinh lân cận TPHCM sẽ là thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng với nhu cầu nhà ở người dân tăng cao, mức thu nhập cũng cải thiện hơn rất nhiều. Đây cũng là giải pháp hợp lý khi kết nối hạ tầng giao thông TPHCM với các tỉnh, thành lân cận đang được hoàn thiện rõ rệt.
Một số gương mặt mới cũng bắt đầu xuất hiện tại Nam Sài Gòn như tập đoàn Hưng Thịnh với dự án Floria và Mia; Novaland có Sunrise Riverside và Sunrise Riverview; Vạn Phát Hưng có dự án chung cư Hoàng Quốc Việt; công ty Cổ Phần đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát với chuỗi 4 dự án cao ốc Hưng Phát Silver Star; công ty địa ốc An Gia với dự án An Gia Riverside và sắp tới sẽ tiếp tục công bố ra thị trường một dự án cao cấp mới.
Nhiều nhà đầu tư đánh giá cho thấy hiện trạng khan hiếm đã khiến thị trường phía Nam xuất hiện làn sóng đầu tư ngược tập trung những khu vực liền kề Nam Sài Gòn như Cần Giuộc, Đức Hòa. Hiện nay, nếu khoảng cách từ các quận ngoại thành (Củ Chi, Cần Giờ…) lên đến Bến Thành vào khoảng 18 – 35km, thì Cần Giuộc chỉ khoảng 15km, Đức Hòa khoảng 30km.
Qua tìm hiểu được biết, tại nhiều xã của huyện Cần Đước và Cần Giuộc cũng đang xảy ra “sốt” đất. Cụ thể, giá đất ở xã Tân Bửu và Mỹ Yên, huyện Bến Lức và một số xã của huyện Cần Giuộc: Phước Vĩnh Đông, Phước Lý, Phước Hậu, Tân Kim, Long Thượng đều đang được đẩy lên cao ngất ngưởng, không thua kém là bao so với Đức Hòa.
Đơn cử, tại Cần Giuộc, giá đất hiện tại đang dao động ở mức 18 – 25 triệu đồng/m2, đã tăng gấp đôi với năm 2016. Theo nhận định của các chuyên gia, trong tương lai với sự hoàn thiện đến từ hạ tầng, giá bất động sản khu vực này sẽ còn tăng gấp nhiều lần hơn nữa.
Theo tìm hiểu và xác nhận của chính quyền, khách hàng mua đất ở các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc (ven TPHCM) chủ yếu đến từ TPHCM. Nói về nguyên nhân tạo nên cơn “sốt” đất ở một số địa bàn của Long An giáp TPHCM tăng cao đột biến như thời gian gần đây, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉng Long An) – ông Phan Văn Cường cho rằng qua nắm thông tin thì do TPHCM đang giải phóng mặt bằng một số vùng ở cặp kênh, rạch, nên nhiều người tìm về các vùng giáp ranh của Long An để mua đất, bởi so với đất ở thành phố thì còn rẻ hơn nhiều, khoảng cách địa lý đi – về thành phố cũng không xa.
Ngoài ra, cũng có nguyên nhân khác như xuất phát từ những thông tin về công trình, dự án sắp tới đầu tư kết nối vùng giữa TPHCM và Long An nên có những người mua với mục đích “đón gió”. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp nhận thấy nhu cầu mua đất ở tăng cao nên đầu cơ mua rồi bán lại để kiếm lời và đẩy giá lên cao…
Theo Nhịp Sống Việt