Tin tức Kinh doanh - Tài chính
Virus corona ‘khuấy đảo’ cả nền kinh tế Trung Quốc: Tốc độ tăng trưởng có thể chỉ còn 4,5%, giới chức buộc phải cân nhắc lại toàn bộ mục tiêu đã đặt ra!
Trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona tiếp tục bùng phát, Trung Quốc đang chuẩn bị đưa ra những động thái để đối mặt với tốc độ kinh tế tăng trưởng chậm hơn nữa.
Hiện tại, các quan chức của nước này đang đánh giá về việc liệu có nên hạ mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020 hay không. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu khí đốt lỏng thuộc sở hữu nhà nước đang cân nhắc để đưa ra thông báo rằng họ không thể đáp ứng nghĩa vụ bắt buộc đối với những đơn giao hàng, đây được gọi là trường hợp bất khả kháng. Ngoài ra, các nhà chức trách ở Bắc Kinh cũng đang kỳ vọng Mỹ sẽ đồng ý nới lỏng thoả thuận thương mại giai đoạn 1.
Theo Bloomberg, 2/3 nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục đình trệ vào tuần này khi một số tỉnh đã thực hiện động thái kéo dài kỳ nghỉ lễ nhằm phần nào ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do virus corona.
Đây là một số vấn đề mà chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc:
Hạ mục tiêu tăng trưởng GDP
Mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm thường được giới chức Trung Quốc công bố vào tháng 3. Hiện tại, các nhà kinh tế học dự đoán Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng ở khoảng 6% trong năm nay, sau khi mục tiêu của năm 2019 là 6% đến 6,5%. Theo Bloomberg Economics, con số này có thể giảm xuống mức 4,5% trong quý I/2020.
Các quan chức nước này cũng đang cân nhắc về các biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm phát hành thêm trái phiếu chính phủ đặc biệt, nguồn tin thân cận tiết lộ. Ngoài ra, Trung Quốc có thể nâng giới hạn đã đặt ra về tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với GDP.
Virus có thể ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống
Trong cuộc họp được tiến hành vào ngày 3/2, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi các quan chức nhanh chóng phối hợp hành động để ứng phó và kiểm soát dịch bệnh do virus corona, ông cho biết kết quả của quá trình này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định xã hội của Trung Quốc.
Ông Tập phát biểu trong cuộc họp rằng nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân, sự ổn định của xã hội và quá trình mở cửa đất nước. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi giới chức tiến tới việc đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong năm nay và thúc đẩy sự ổn định của chi tiêu người tiêu dùng.
Đây là cuộc họp thứ hai của các nhà lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc, nhằm xử lý khủng hoảng do dịch bệnh lây lan trong thời gian gần đây.
Nhu cầu tiêu thụ dầu, khí đốt sụt giảm
Hiện tại, lượng tiêu thụ dầu ở Trung Quốc – nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất và nhà mua LNG (khí tự nhiên hoá lỏng) lớn thứ hai thế giới, ước tính đã giảm 20%. Điều này khiến các nhà sản xuất nhiên liệu phải cắt giảm sản lượng và tìm cách hoãn giao một số lô hàng. Nhu cầu đối với khí đốt sụt giảm cũng khiến các bên mua phải cân nhắc về việc hoãn giao hàng để ứng phó với tình trạng lượng hàng tồn kho lớn.
Các nhà nhập khẩu LNG bao gồm Tổng công ty Dầu khí Ngoài Khơi Trung Quốc (CNOOC) hiện vẫn đang đánh giá tác động đối với lượng tiêu thụ và chưa đưa ra quyết định liệu có đưa ra tuyên bố như trên hay không, nguồn tin thân cận tiết lộ. Công ty này có thể sẽ đưa ra tuyên bố về trường hợp bất khả kháng khi họ không thể đáp ứng các nghĩa vụ bắt buộc (contractual obligation) vì nguyên nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
CNOOC và PetroChina đã bắt đầu soạn thảo các tài liệu cần thiết để đưa ra tuyên bố, trong trường hợp họ đưa ra quyết định chính thức. Sinopec cũng đang cân nhắc về quyết định tương tự.
Thương chiến với Mỹ
Hồi tháng trước, Mỹ và Trung Quốc đã ký kết thoả thuận thương mại giai đoạn 1, các điều khoản dự kiến có hiệu lực vào tháng 2. Trong đó, một điều khoản có nội dung rằng các quốc gia sẽ cân nhắc “trong trường hợp xảy ra thảm hoạ tự nhiên hoặc sự kiện không thể lường trước”, để trì hoãn hoặc không tuân theo thoả thuận. Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có đưa ra yêu cầu đối với trường hợp này hay chưa, nhưng nguồn tin thân cận cho biết nước này đã có kế hoạch thực hiện vào một thời điểm nào đó.
Người phát ngôn của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer vẫn chưa nhận được yêu cầu từ phía Trung Quốc để thảo luận về cam kết mua nông sản của quốc gia này. Bộ Thương mại Trung Quốc chưa phản hồi về vấn đề này.
Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, nền kinh tế Trung Quốc đã đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm chạp, khi nhu cầu trong nước giảm sút, tình trạng vỡ nợ liên tiếp xảy ra và chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang. Năm ngoái, tăng trưởng GDP đạt mức 6,1%, tốc độ thấp nhất trong 3 thập kỷ nhưng vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu của chính quyền ông Tập.
Trong một kịch bản có thể xảy ra, dựa vào tình hình hiện tại, dịch bệnh do virus corona có thể khiến tăng trưởng GDP quý I/2020 của Trung Quốc giảm xuống mức 4,5% so với năm trước, theo ước tính của Bloomberg Economics. Hầu hết các tỉnh của Trung Quốc cho biết từ trước khi dịch bệnh lan rộng, họ đã dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại vào năm 2020, với 22 trong số 31 tỉnh, thành phố, khu tự trị lớn cắt giảm mục tiêu tăng trưởng kể từ ngày 21/1.
Theo đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thực hiện những bước đi cụ thể đầu tiên để thúc đẩy nền kinh tế, hỗ trợ thị trường khi dịch bệnh đang hoành hành. Hôm 2/2, PBOC quyết định bơm 1200 tỷ CNY (174 tỷ USD) vào hệ thống tài chính, đồng thời hạ lãi suất đi vay đối với các quỹ để đảm bảo thanh khoản.
Theo Trí thức trẻ