Tin tức BĐS

Việt Nam thu hút 22,63 tỷ USD vốn ngoại trong 8 tháng

Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng năm 2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,63 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2018

 

Theo đó, có 2.406 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 25,4% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 9,13 tỷ USD, bằng 67,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Đồng thời có 908 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh gần 4 tỷ USD, bằng 71,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 8 tháng năm 2019, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án nhỏ, không có dự án tăng vốn lớn như trong cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 42% tổng vốn đăng ký.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 11,96 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 15,74 tỷ USD, chiếm 69,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,31 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,19 tỷ USD, chiếm 5,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo quốc gia, khu vực Hồng Kông là dẫn đầu đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5,63 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 24,9% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,48 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

 

 

Theo CafeLand