Cẩm nang nghề nghiệp
Vì 1 thói quen, nhân viên ưu tú 10 năm không thể thăng chức: Người đi làm nên biết để tránh
Chỉ vì 1 thói quen, cậu nhân viên ưu tú trong câu chuyện dưới đây chẳng những không có cơ hội thăng tiến mà còn buộc phải từ bỏ công việc gắn bó nhiều năm.
Chuyện kể rằng có một người thanh niên rất mực tài hoa, từ khi còn học đại học đã nổi tiếng là sở hữu năng lực xuất sắc. Bởi vậy mà ngay khi mới tốt nghiệp, cậu đã được một tập đoàn danh tiếng mời vào làm.
Thế nhưng dù có được thiên phú xuất sắc tới đâu, có nỗ lực làm việc tới nhường nào, thì trải qua 10 năm ròng rã, cậu sinh viên hăng hái năm ấy giờ đã trở thành một nhân viên kỳ cựu nhưng vẫn chưa bao giờ có được một lần thăng chức.
Lý do là bởi trong suốt 10 năm công tác tại đây, dù ở mỗi buổi họp giao ban nhỏ hay trong những đại hội lớn, cậu nhân viên ấy mỗi khi phát biểu ý kiến đều có thói quen dùng lời lẽ cay độc để mỉa mai người khác, bất kể đó là đồng nghiệp hay cấp trên.
Vì vẫn là một nhân tài không thể thiếu trong nhiều dự án chủ chốt, cho nên ban lãnh đạo dù không vừa lòng nhưng cũng chẳng thể sa thải cậu. Thế nhưng kết quả là trải qua gần 1 thập kỷ phấn đấu không ngừng cho công việc, cậu nhân viên có năng lực ưu tú đó vẫn chưa bao giờ được thăng chức một lần nào.
Về phần đồng nghiệp, những người trong công ty có hiềm khích với cậu nhiều không đếm xuể, mà số người thực sự coi cậu là bạn lại ít ỏi tới nỗi có thể đếm hết chỉ bằng vài đầu ngón tay.
Đó là lý do vì sao mỗi khi cậu có cơ hội thăng tiến thì những người lãnh đạo bất mãn hoặc các đồng nghiệp bất bình khác đều hùa với nhau để tìm cách trì hoãn hoặc trực tiếp bỏ qua vấn đề thăng chức.
Cống hiến suốt nhiều năm nhưng chẳng có được vị trí xứng đáng, cậu nhân viên đã từng có nhiều lúc nản lòng. Cho tới một ngày kia, cậu đã bất bình tới nỗi quyết định đưa ra đơn từ chức.
Người bạn hiếm hoi của cậu ở trong công ty biết chuyện, liền khuyên cậu hãy thử thay đổi góc độ đánh giá người khác mỗi khi phát biểu trong các buổi họp.
Người này cho rằng thay vì liên tục chỉ trích gay gắt vào những khuyết điểm nhỏ của mọi người, cậu có thể học cách nhìn vào ưu điểm, thậm chí khi cần thì cố tình đưa ra vài lời tán dương cho mọi người vui vẻ.
Thế nhưng cậu nhân viên vừa nghe xong đề nghị này thì sắc mặt nhanh chóng sa sầm. Cậu cảm thấy dường như bản thân đã chẳng thể nào nói ra một câu khen ngợi người khác, bởi những lời phê phán, mỉa mai đã ăn sâu vào trong tâm thức cậu, thậm chí trở thành một thói xấu thâm căn cố đế mà cậu chẳng thể thay đổi.
Cứ như vậy, người nhân viên ưu tú đó không còn cách nào khác, chỉ đành ngậm ngùi rời bỏ tập đoàn mà mình đã cống hiến 10 năm trời để đi tìm kiếm một môi trường làm việc công bằng hơn.
Thế nhưng sau này dù đã nhiều lần thuyên chuyển công tác, nhân viên ưu tú ấy vẫn bị mọi người đối xử như trước đó.
Cậu vĩnh viễn không tìm được sự công bằng cho sự nghiệp của mình, bởi bản thân cậu cũng chưa bao giờ công bằng trong việc nhìn nhận cả ưu điểm và nhược điểm ở người khác.
Bài học rút ra
Từ câu chuyện trên, không khó để nhận thấy nhân tố cản trở bước đường thăng tiến của người nhân viên ưu tú chính là thói quen chỉ trích khuyết điểm mà không công nhận ưu điểm của mọi người xung quanh.
Ít ai có thể nhìn ra rằng, một người thường xuyên dùng ngôn ngữ tiêu cực để công kích, mỉa mai khuyết điểm của người khác dần sẽ hình thành chướng ngại về phương diện giao tiếp. Nếu cứ tiếp tục duy trì thói quen này, tới một lúc nào đó, người ấy sẽ nhận ra rằng bản thân từ lâu đã chẳng thể nói nổi bấy kỳ lời khen ngợi tốt đẹp nào được nữa.
Trên thực tế, thói xấu này cũng giống như khái niệm về “khẩu nghiệp” mà chúng ta thường phê phán trong cuộc sống ngày nay.
Theo quan niệm của đạo Phật, “khẩu nghiệp” là một trong bốn điều bất thiện thuộc về lời nói, bao gồm “vọng ngữ” (nói dối), “thiến ngữ” (nói lời bất nhã), “lưỡng thiệt” (nói hai lời) và “xảo ngữ” (nói lời khiêu khích, châm chọc).
Quan điểm về “nhân – quả” đối với khẩu nghiệp cũng chỉ ra rằng, phàm là người thường xuyên nói lời cay nghiệt để chỉ trích, giễu cợt người khác thì chẳng những phúc đức bị hao tổn mà thậm chí còn có thể rước họa vào thân.
Trong cuộc sống, sẽ có lúc chúng ta khó có thể tránh khỏi việc phải phê bình hoặc chỉ ra khuyết điểm của những người xung quanh.
Thế nhưng khi đối mặt với những tình huống như vậy, thay vì cố tình chỉ trích hay châm chọc theo chiều hướng tiêu cực, bạn có thể dùng những lời lẽ hòa nhã hơn để phê bình một cách công bằng và đúng đắn.
Người xưa có câu “nhân vô thập toàn”, sống ở trên đời khó ai có thể đạt được sự hoàn hảo trong mọi việc, cho nên phàm là người có ưu điểm thì ắt sẽ có khuyết điểm và ngược lại.
Bởi vậy mà trước khi đánh giá một ai đó, ta nên nhìn nhận cả hai mặt ưu – nhược của họ, tránh vì cái nhìn thiếu toàn diện mà phán xét tiêu cực, phạm phải khẩu nghiệp, tổn hại phúc đức.
Theo Soha.vn