Tin tức Kinh doanh - Tài chính
Từng phản đối gay gắt, nhưng tại sao các ngân hàng trung ương lại đang ráo riết chuẩn bị cho “cuộc đua” phát triển đồng tiền số của riêng mình?
Các NHTW đang dần thay đổi thái độ và cách tiếp cận với tiền số khi Facebook đề xuất về kế hoạch phát triển đồng Libra.
Quay trở lại thời điểm Bitcoin là đồng tiền vô tình tạo điều kiện cho những tội phạm vô chính phủ, những kẻ buôn ma tuý làm ăn, các NHTW khi đó có lý do chính đáng để “giữ khoảng cách” với đồng tiền này. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi rất nhanh vì đề xuất phát triển đồng Libra của Facebook – được nhiều nhà lập quy coi là một mối đe doạ với hệ thống tiền hiện có.
Các NHTW của Trung Quốc, Thuỵ Điển, Bahamas và những quốc gia khác đã nghiên cứu lĩnh vực này, một trong số đó cũng cho biết đồng tiền số của họ sẽ sớm được triển khai. Trong khi đó, một số khác, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thì đang theo dõi từ xa.
1. Điều gì đã thay đổi?
Triển vọng về một đồng tiền có thể được sử dụng cho các giao dịch hàng ngày đã rơi vào tay Facebook. Đồng Libra sẽ gia nhập nhóm “stablecoin” – một loại tiền số mới được phát triển nhằm neo giá dựa trên một số tài sản ít biến động. Stablecoin nổi tiếng nhất là Tether – neo giá theo đồng USD. Mục tiêu của stablecoin là tạo ra giá trị tương đối phù hợp, khi những đồng tiền số ra đời từ trước như Bitcoin hay Ethereum vẫn có mức giá lên xuống thất thường và không phù hợp để làm phương tiện trao đổi.
Kế hoạch của Facebook vốn đã vấp phải nhiều rào cản, nhưng khái niệm về một loạt tiền thay thế được sử dụng trên quy mô toàn cầu cũng nhanh chóng được các cơ quan quản lý xem là mối đe doạ đối với chủ quyền, tính bảo mật, sự ổn định tài chính của quốc gia và khả năng thực thi các chính sách tiền tệ của NHTW. Gần đây, tỷ phú đầu cơ Ray Dalio cho biết, nếu ông là một lãnh đạo của NHTW thì ông sẽ không cho phép bất kỳ một loại tiền số tư nhân nào được phép hoạt động.
2. Đồng tiền số của NHTW (CBDC) sẽ như thế nào?
Sẽ giống với Libra hơn là Bitcoin, được thiết kế dựa trên niềm tin về sự vượt trội của một hệ thống tài chính nằm ngoài tầm kiểm soát của một hệ thống trung ương. Dẫu vậy, các NHTW từ Ả Rập Xê Út cho đến Thái Lan đều dự kiến sẽ sử dụng công nghệ blockchain để củng cố đồng Bitcoin. Nhưng thay vì thúc đẩy việc ẩn danh, thì các ngân hàng sẽ sử dụng blockchain theo cách tương tự để giám sát đồng tiền số.
Một quan chức của PBOC nói rằng, nghiên cứu của họ cho thấy khả năng xử lý của đồng Bitcoin thấp hơn so với nhu cầu của người dân Trung Quốc, đặc biệt là trong các dịp lễ. Trong sự kiện mua sắm Lễ Độc thân, số lượng giao dịch đã lên tới 92.771/giây. Những nghiên cứu khác thì cho thấy Ether xử lý trung bình 15 giao dịch/giây, trong khi Visa có thể xử lý 24.000/giây.
3. Dự định của các NHTW?
Có 2 dự định chính là dịch vụ bán buôn và bán lẻ. Trong các dự án bán buôn, quyền tiếp cận đồng tiền số có thể được giới hạn đối với các ngân hàng và thể chế tài chính khác, mục tiêu sẽ là giúp các luồng thanh toán trong hệ thống tài chính nhanh và rẻ hơn.
Trong các dự án bán lẻ, CBDC sẽ được phát hành thông qua các tài khoản mở tại một NHTW, hoặc các tài khoản tại ngân hàng thương mại có liên kết với NHTW. Sau này, các NHTW có thể phải chịu trách nhiệm thẩm định khách hàng, phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu chống rửa tiền và chống khủng bố, cũng như cung cấp thông tin thuế.
4. Những ngân hàng nào đang thử nghiệm?
Một số hòn đảo ở đông Caribe, gồm Grenada, St. Kitts và Nevis, có cùng một NHTW đã phát hành đồng tiền số của họ, hiện đang được người tiêu dùng và các thuơng nhân thử nghiệm. NHTW lớn đầu tiên triển khai kế hoạch này trên quy mô lớn có thể sẽ là PBOC. Sau 5 năm nghiên cứu, hồi tháng 8, PBOC cho biết họ đã gần như hoàn thiện đồng tiền số.
Riksbank của Thuỵ Điển đang phát triển đồng e-krona, Uruguay đã thực hiện một chương trình thí điểm là e-Peso, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi đang nghiên cứu về việc phát hành tiền số và Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sĩ cũng đang hợp tác với sàn chứng khoán SIX để nghiên cứu về việc đưa tiền số vào giao dịch và thanh toán trên thị trường tài chính.
6. Những ngân hàng nào không tán thành?
Fed. Chủ tịch Jerome Powell cho biết, dù Fed đang “theo dõi rất sát sao” sự phát triển của các đồng tiền số, thì “đó vẫn không phải là điều mà họ đang tích cực cân nhắc”, “nó đặt ra những vấn đề quan trọng” đối với an ninh mạng và chưa chắc chắn về nhu cầu đối với đồng tiền này. Ngoài ra, NHTW Nhật Bản và NHTW của Nga cũng cho biết họ không có kế hoạch phát triển tiền số.
6. Ưu điểm từ việc phát triển tiền số là gì?
Nếu các NHTW có thể vượt qua những khó khăn cơ bản, các đồng tiền số có thể sẽ tạo điều kiện các giao dịch chuyển tiền được thực hiện với tốc độ nhanh hơn và rẻ hơn qua những quốc gia khác. Một báo cáo của WEF cho rằng các loại tiền mới có thể giúp nhà đầu tư bán lẻ có nơi “trú ẩn” an toàn hơn để tiết kiệm, nếu đồng tiền đó cho phép họ tạo tài khoản liên kết với NHTW và giảm thiểu các rào cản về chi phí – điều đang khiến 1,7 tỷ người không được sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Một số kinh tế gia còn lập luận rằng CBDC có thể giúp các chính sách tiền tệ hoạt động hiệu quả hơn bằng cách thông qua lãi suất trực tiếp. Đối với Trung Quốc, đồng tiền số được phát hành sẽ giúp giới chức có một số cách thức khả thi để bắt kịp và kiểm soát nền kinh tế số hoá nhanh chóng. Mặt khác, cũng có thể là công cụ giám sát của chính phủ.
7. Nhược điểm?
Rủi ro của việc triển khai sai cách là khá lớn, đó là lý do tại sao hầu hết các NHTW lại rất thận trọng. Tuỳ vào mô hình của CBDC, rủi ro đối với các NHTW là họ có thể phải bỏ các ngân hàng thương mại, hoặc đối mặt với những rắc rối trực tiếp có thể xảy ra khi cung cấp dịch vụ ngân hàng.
Các vấn đề trong việc quản lý một mảng kinh doanh mới đối với các NHTW có thể sẽ khiến niềm tin đối với tổ chức tín thác công bị sụt giảm – đây là những tổ chức được NHTW tin tưởng cho phép họ thực hiện những biện pháp không phổ biến như nâng lãi suất.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg