Tin tức BĐS
Trung Quốc “còng lưng” làm lụng tiết kiệm cho Mỹ vay tiền hưởng thụ
Từ một quốc gia yếu kém, chậm phát triển chỉ sau 30 năm Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc có quy mô kinh tế lớn thứ 2 thế giới và có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc cùng với chính sách “Made in China 2025” đã khiến cho cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ quan ngại. Vì vậy, ngày 15/6/2018, chính quyền của ông Donald Trump đã áp đặt mức thuế cao với hàng hóa của Trung Quốc, vụ việc căng thẳng này đã leo thang thành chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Danh sách mặt hàng bị đánh thuế tập trung vào các sản phẩm được đưa vào kế hoạch Made in China 2025, bao gồm các sản phẩm liên quan đến công nghệ thông tin và robot.
Tuy vậy, các số liệu vĩ mô cho thấy người Trung Quốc thì tiết kiệm rồi cho người Mỹ vay tiền mua hàng hóa của mình để tiêu xài.
Tính đến năm 2018, quy mô kinh tế Hoa Kỳ đạt 20.500 tỷ USD, trong khi đó Trung Quốc đạt 13.339 tỷ USD. Như vậy, tính theo giá thực tế quy mô kinh tế Mỹ vẫn bằng khoảng 1,53 lần so với kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, xét theo sức mua tương đương (PPP – purchasing power parity) thì quy mô kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Mỹ từ năm 2014 và hiện tại có quy mô khoảng 25.000 tỷ USD.
Nguồn: World Bank
Biểu đồ trên cho thấy khoảng cách về số tuyệt đối giữa kinh tế Mỹ và Trung Quốc vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, so sánh tương đối thì khoảng cách giữa kinh tế Mỹ và Hoa Kỳ ngày càng thu hẹp. Số liệu của World Bank cho thấy vào năm 1990 quy mô kinh tế kinh tế Mỹ gấp 16,5 lần Trung Quốc, vào năm khủng hoảng tài chính 2008 vẫn còn gấp 3,2 lần và con số này hiện nay chỉ còn 1,53 lần. Nếu duy trì tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%/năm và kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 2%/năm, thì đến năm 2030 quy mô kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ.
Sở dĩ khoảng cách giữa kinh tế Mỹ và Trung Quốc ngày càng rút ngắn là do tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với kinh tế Mỹ. Tính trung bình giai đoạn 1990-2018, tăng trưởng GDP trung bình của Trung Quốc lên đến 9,43%, trong khi đó Mỹ chỉ tăng 2,45%. Đặc biệt, có những giai đoạn như 1992-1995 và 2003-2007, tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt trên 2 con số. Đây là một mức tăng trưởng cao kéo dài mà chưa nước nào trên thế giới có được.
Nguồn: World Bank
Dù quy mô kinh tế có thể tương đương Mỹ như với quy mô dân số lớn hơn 4 lần so với Mỹ nên thu nhập bình quân đầu người của người dân Trung Quốc vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với Mỹ. Cụ thể, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc khoảng 9.500 USD/người/năm, tính theo sức mua tương đương vào khoảng 18.358 USD/người/năm, trong khi đó người dân Mỹ là 60.000 USD/người/năm. Như vậy, thu nhập bình quân đầu người của người dân Trung Quốc chỉ bằng 1/6 so với người Mỹ. Tuy vậy, tính theo sức mua tương đương thì thu nhập bình quân đầu người của người dân Trung Quốc bằng gần 1/3 so với người dân Mỹ.
Nguồn: World Bank
Mỹ là một quốc gia có mức thâm hụt thương mại lại lớn nhất thế giới, Trung Quốc là nước có thặng dư thương mại lớn nhất. Điều này đồng nghĩa với việc nước Mỹ đang tiêu dùng nhiều hơn những gì mình tự làm ra, nói cách khác nước Mỹ đi vay tiền các quốc gia trên thế giới để nhập hàng hóa về tiêu dùng.
Năm 2018 là năm thâm hụt thương mại của Mỹ đạt mức kỷ lục. Cụ thể theo công bố của Mỹ năm 2018, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ lên đến 621 tỷ USD, trong đó nếu tính riêng hàng hóa là 891 tỷ USD. Trước đó, năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ lên đến 578 tỷ USD. Tính lũy kế từ năm 1990-2018 thâm hụt thương mại của Mỹ đã hơn 11.000 tỷ USD, cao hơn 50% so với quy mô kinh tế hiện nay của nước này.
Một phần thâm hụt thương mại của Mỹ được bù đắp bằng thu nhập từ các dòng vốn đầu tư và tiền công của công dân Mỹ ở nước ngoài. Thống kê cho thấy thu nhập ròng gồm các khoản lương người Mỹ ở nước ngoài, thu nhập từ đầu tư… (NFP) của Mỹ ở nước ngoài mỗi năm khoảng 200 tỷ USD. Như vậy, để bù đắp cho thâm hụt thương mại thì mỗi năm nước Mỹ vẫn phải vay từ 300 đến 400 USD từ các quốc gia khác.
Nguồn: World Bank
Ngược với Mỹ, Trung Quốc lại luôn là nước có thặng dư thương mại lớn nhất thế giới. Theo số liệu của World Bank vào năm 2017 cho thấy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc đạt 2.417 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2.208 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 209 tỷ USD. Trước đó, năm Trung Quốc đạt được thặng dư thương mại lớn nhất là năm 2015 với con số thặng dư lên đến 358 tỷ USD. Tính từ năm 1995 đến hơn 3.400 tỷ USD.
Nguồn: World Bank
Trong các đối tác thương mại của Trung Quốc thì Mỹ là nước nhập khẩu nhiều nhất. Cụ thể, theo số liệu của UNCONTRADE năm 2018, xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ lên tới 479 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này và bằng khoảng 18% tổng nhập khẩu của Mỹ. Trong khi đó Trung Quốc lại chỉ nhập khẩu từ Mỹ 120 tỷ USD, bằng 5,64% tổng nhập khẩu của nước này.
Nhập siêu của Mỹ từ Trung Quốc trong những năm qua luôn ở mức rất cao. Đây là một trong những lý do khiến Tổng thống Donald Trump ra lệnh áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa từ Trung Quốc. Các mặt hàng mà Mỹ nhập khẩu lớn từ Trung Quốc là các mặt hàng công nghệ điện, máy móc thiết bị… Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thâm hụt này không phải xuất phát từ phía Trung Quốc mà là do các công ty đa quốc gia, trong đó có rất nhiều công ty của Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ.
Nguồn: UNCONTRADE
Những mặt hàng Mỹ đánh thuế cao với hàng Trung Quốc là những mặt hàng trong chiến lược “Made in China 2025”. Các loại hàng hóa điển hình là điện thoại di động, máy tính, thiết bị viễn thông, bản mạnh điện tử… Ngoài ra, còn một số mặt hàng như thiết bị nội thất, nhựa, ghế, gạch lát sàn…
Thâm hụt thương mại lớn của Mỹ đồng nghĩa với việc người Mỹ đang tiêu dùng nhiều hơn so với số tiền họ làm ra. Thực vậy, tỷ lệ tiết kiệm nội địa so với GDP hiện nay của Mỹ chỉ có khoảng 19%, đây là một tỷ lệ khá thấp so với trung bình của thế giới. Chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ năm 2017 chiếm tới 82,8% GDP, trong khi đó tại Trung Quốc là 52,65%. Trung bình các quốc gia khác tỷ lệ tiết kiệm thường khoảng 25 đến 30% so với GDP, tiêu dùng cuối cùng chiếm từ 65 đến 70% GDP.
Nguồn: Worldbank
Các số liệu về cán cân thương mại, tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng so với GDP, tỷ lệ tiết kiệm cho thấy dường như đang có nghịch lý là Trung Quốc cố gắng làm ra nhiều hàng hóa cho người Mỹ tiêu xài. Trung Quốc trở thành chủ nợ, còn Mỹ trở thành con nợ lớn nhất thế giới. Như vậy, đáng lẽ Mỹ phải “cảm ơn” Trung Quốc nhưng người cho mình vay tiền mua hàng hóa của chính Trung Quốc để tiêu xài nhưng ngược lại các chính sách thuế của Mỹ đang muốn trừng phạt Trung Quốc. Từ nghịch lý đó theo nhiều chuyên gia đánh giá cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ phát động nhằm vào Trung Quốc mục tiêu chính không hẵn là “thương mại” mà chủ yếu nhằm ngăn chặn sự trổi dậy quá mạnh của Trung Quốc. Đặc biệt là kế hoạch “Made in China 2025” đang đe dọa đến Mỹ.
Nguồn: Cafeland