Tin tức Kinh doanh - Tài chính

Trung Quốc chuẩn bị triển khai hệ thống chấm điểm doanh nghiệp: Nhất cử nhất động đều bị theo dõi, các công ty nước ngoài lo sợ bị phân biệt đối xử

 

Hệ thống này sẽ được triển khai trên cả nước, áp dụng đối với cả công ty nội địa và công ty nước ngoài. Do đó các doanh nghiệp đều cố gắng có được những dữ liệu trong sạch nhất có thể.

 

 

Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) đã sử dụng hàng nghìn công nhân trong 4 năm qua để xây dựng con đường vận chuyển than đá từ Nội Mông đến tỉnh Giang Tô. Năm ngoái, dự án trị giá 28 tỷ USD được truyền thông nhà nước ngợi ca là chuẩn mực cho “xây dựng an toàn” vì không ghi nhận bất cứ trường hợp thương vong nào trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy và các lãnh đạo dự án đã bưng bít thông tin.

Câu chuyện được tiết lộ với báo chí và cuối cùng 1 chi nhánh của China Railway đã phải thừa nhận năm 2017 có 3 công nhân thiệt mạng vì giàn giáo mà họ đang đứng trên đó bị sập và rơi xuống sông. Các lãnh đạo của dự án cũng như chi nhánh này đã bị phạt. Chính phủ ra quyết định cấm vận 1 năm và còn điều tra thêm, giới hạn khả năng đấu thầu các dự án công cũng như phát hành trái phiếu và cổ phiếu của China Railway.

Vết đen này sẽ đi theo China Railway trên hệ thống chấm điểm xã hội doanh nghiệp mà Trung Quốc đang triển khai nhằm giám sát hành vi của mọi công ty ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong bối cảnh chỉ 1 bài đăng trên Twitter, 1 tấm bản đồ hay thậm chí là câu khẩu hiệu in trên áo phông cũng có thể thổi bùng lên sự giận dữ, các doanh nghiệp Trung Quốc đều không muốn thu hút quá nhiều sự chú ý của chính phủ. Và hệ thống chấm điểm càng khiến họ lo lắng hơn.

Hệ thống này sẽ được triển khai trên cả nước, áp dụng đối với cả công ty nội địa và công ty nước ngoài. Do đó các doanh nghiệp đều cố gắng có được những dữ liệu trong sạch nhất có thể.

Dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn, thể hiện 1 doanh nghiệp có tuân theo hay vi phạm một danh sách gồm hàng trăm luật lệ hay không. Các hành động của doanh nghiệp đều được ghi chép và phân loại. Doanh nghiệp nào đạt điểm cao có thể được giảm thuế, đi vay dễ dàng hơn và có nhiều cơ hội tham gia đấu thầu các dự án công. Các hành vi sẽ được cộng điểm bao gồm nộp thuế đúng hạn, đạt tiêu chuẩn về khí thải, làm từ thiện hay đảm bảo an toàn.

Tập trung các thông tin về một mối sẽ giúp các cơ quan quản lý, ngân hàng và người tiêu dùng biết được liệu doanh nghiệp có đáng tin cậy để làm ăn cùng hay không.

Doanh nghiệp càng có điểm tín dụng xã hội cao thì càng ít bị thanh tra hơn. Còn doanh nghiệp nào đe dọa đến cuộc sống cũng như tài sản của người dân sẽ bị trừng phạt thích đáng, thậm chí trục xuất khỏi thị trường.

Đối với các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Trung Quốc, họ lo ngại hệ thống này có thể trở thành “vũ khí, đặc biệt là khi mà các tập đoàn đa quốc gia đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung hoặc bị tấn công để tạo lợi thế cho doanh nghiệp nội địa.

Theo Jacob Parker, phó chủ tịch ủy ban kinh doanh Mỹ – Trung, tổ chức có cả Apple, Exxon Mobil và Goldman Sachs tham gia, trong một số trường hợp doanh nghiệp có thể bị đưa vào danh sách đen mà không được thông báo thông tin chi tiết, dẫn đến tâm lý hoang mang. Một số công ty nước ngoài cảm thấy họ bị phân biệt đối xử.

Trong khi Microsoft, Walmart, Adidas, GM hay Apple từ chối bình luận, đại diện của Volkswagen, Ford Motor và Siemens cho biết họ vẫn đang đánh giá những tác động của hệ thống chấm điểm. Nhưng không thể phủ nhận rủi ro lớn nhất mà các tập đoàn đa quốc gia gặp phải từ hệ thống này là họ sẽ mất khả năng tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới vì những sai lầm mang màu sắc chính trị. Mới đây, vụ giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) bị cấm chiếu trên cả tivi và kênh online của Tencent sau 1 phát ngôn ủng hộ người biểu tình Hồng Kông là 1 ví dụ.

Một số công ty nước ngoài đang tìm cách đi trước. Trivium China thu phí 2.500 USD mỗi giờ để giải thích hệ thống chấm điểm cho khách hàng, ngoài ra còn có dịch vụ kiểm toán giá 50.000 USD.

 

 

Theo Trí thức trẻ