Tin tức BĐS

Thủ tục chồng chéo làm nản lòng doanh nghiệp

Các chuyên gia cho rằng, hiện vấn đề thủ tục hành chính còn nhiều chồng chéo, gây tốn kém thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp. Đây là một trong những rào cản lớn kìm hãm sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản Việt Nam.

 

Luật xung đột

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, quý 3/2019, thị trường bất động sản vẫn đi theo chiều hướng giảm, nhất là hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.

Cụ thể, tại TP.HCM chỉ có năm dự án được mở mới so với con số 20-30 dự án mở mới mỗi năm. Tại Hà Nội phân khúc căn hộ đã giảm 2.200 căn so với quý trước và giảm 4.000 căn  so với cùng kỳ năm trước. Ở các tỉnh trong vùng thủ đô được đánh giá như miền đất hứa nhưng nguồn cung và tỷ lệ giao dịch thành công cũng không mấy khả quan.

Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Quy hoạch phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, cho biết hiện tượng cán bộ hành chính nhà nước câu giờ, đá bóng vòng quanh, đùn đẩy trách nhiệm đã làm cho dự án mở mới chậm lại, dẫn đến thiếu nguồn cung ra thị trường.

Ông Chiến cho rằng, đây cũng là khoảng lặng cần thiết để các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận, đánh giá lại các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhưng còn nhiều bất cập, để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung tháo gỡ cho thị trường bất động sản lập lại trật tự, kỷ cương trong quy hoạch quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Cùng với đó, các chủ đầu tư có thời gian nhìn nhận và điều chỉnh lại các định hướng đầu tư và chiến lược phát triển, xây dựng cơ cấu nguồn vốn, nguồn hàng hóa, lựa chọn phân khúc đầu tư phù hợp với nhu cầu thị trường và tuân thủ quy định của pháp luật.

Người dân cũng có dịp nhìn nhận lại, cân nhắc lựa chọn loại hình sản phẩm phù hợp nhất cho mình và góp phần đưa thị trường tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.

Ông Chiến cho biết, trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo phản ảnh của cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh những điểm sáng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thì vẫn còn nhiều khó khăn đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Đầu tiên là những khó khăn bất cập trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật vào thực tế.

Thứ hai là những bất cập giữa các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành (đan xen, chồng chéo) thậm chí xung đột, làm theo luật này thì đúng, chiếu theo luật khác lại sai.

Thứ ba là những vấn đề nảy sinh từ thực tế nhưng chưa được pháp luật điều tiết. Cụ thể, với khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận đất đai, mặc dù Luật Đất đai đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, nhưng vẫn còn một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, còn có nội dung chồng chéo, xung đột với các luật khác (Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…) gây khó khăn cho việc thực hiện.

Theo ông, hiện vấn đề thủ tục hành chính còn nhiều chồng chéo gây tốn kém thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp. Điển hình cho sự chồng chéo là sự chưa nhất quán trong quy định về lựa chọn chủ đầu tư và thủ tục chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở.

“Thực tế một dự án đầu tư phát triển đô thị sau khi có chủ trương đầu tư phải trải qua “Bốn cửa lớn”: Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Xây dựng. Đến đây việc tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng phó mặc cho thanh tra và trật tự xây dựng đô thị, thiếu đầu mối thống nhất quản lý dẫn đến nhiều công trình xây dựng sai phép – thậm chí là không phép”, ông Chiến cho biết.

Mặt khác trong mỗi cửa lớn nêu trên còn rất nhiều cửa phụ phải làm. Đó là việc xin cấp chỉ giới đường đỏ, số liệu hạ tầng kỹ thuật có liên quan, thỏa thuận phòng cháy chữa cháy, môi trường, đầu nối cấp điện, nước sạch, an toàn bay…

“Quá trình giải quyết các thủ tục hành chính của một dự án đầu tư là một chuỗi liên hoàn về nội dung công việc và thời gian. Chỉ cần một mắt xích nào đó trong chuỗi liên hoàn nêu trên vướng mắc sẽ kéo theo toàn bộ tiến độ thời gian của dự án bị chậm lại làm mất cơ hội đầu tư và nản lòng các nhà đầu tư phát triển”, ông Chiến nói.

 

Nhà đầu tư mất cơ hội

Luật sư Phạm Thanh Sơn, Trưởng Văn Phòng Luật Sư Nam Hà Nội, cũng đồng quan điểm, cho rằng khung pháp lý đảm bảo cho sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập, phần nào kìm hãm sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Đơn cử như sự khác nhau về phân loại dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh đã dẫn đến sự chồng chéo, không thống nhất. Hiện cả cơ quan nhà nước và nhà đầu tư không xác định được phải áp dụng theo luật nào là đúng.

Trên thực tế đối với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, một số địa phương chỉ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư một lần; nhiều địa phương khác yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện quy trình thủ tục hai lần theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở.

Luật sư Sơn nhấn mạnh, thủ tục phức tạp đang làm cho tiến trình chậm lại, thời gian giải quyết chậm trễ. Những quy định đan xen, chồng chéo, không phù hợp với thực tế đã làm mất đi cơ hội của các nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, rủi ro rất lớn, thậm chí có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Hệ quả là nguồn thu ngân sách nhà nước từ thị trường bất động sản, từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế cũng bị sụt giảm.

Thủ tục hành chính còn khiến các doanh nghiệp quay lưng với địa phương, làm mất cơ hội phát triển của địa phương. Trong khi đó, với chính quyền địa phương, vướng mắc sẽ làm chậm tiến trình phát triển kinh tế, phát triển đô thị, làm giảm niềm tin của doanh nghiệp.

Theo ông Sơn, nhu cầu mua bất động sản là có thực, nhưng thủ tục phức tạp khiến quá trình đầu tư xây dựng các dự án chậm trễ dẫn đến khan hiếm hàng, vô hình chung đẩy giá bất động sản lên cao.

Ông Sơn đề xuất sửa đổi và bổ sung một số điều của luật, ban hành một luật để sửa nhiều luật, hoặc trước mắt ban hành một nghị định hướng dẫn chung về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường.

 

 

Theo CafeLand