Tin tức BĐS

Thêm điểm nóng đất đai tại TPHCM: Một ‘Thủ Thiêm’ mới?

 

Sai phạm của chính quyền TPHCM trong việc thu hồi đất của người dân tại dự án Khu công nghệ cao (quận 9) tương tự như những gì đã và đang diễn ra tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) song xét về bản chất và mức độ thì còn nghiêm trọng hơn…

 

 

Chiều muộn 2/8, ngay sau buổi tiếp xúc của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong với một số hộ dân để xin ý kiến về các chính sách sửa sai, PV ghé vào khu nhà tạm cư chính quyền bố trí cho người dân bị cưỡng chế giải tỏa nhà đất trong dự án khu Công nghệ cao (CNC) tại hẻm 41 đường Tăng Nhơn Phú (phường Phước Long B, quận 9).

Trong bóng tối nhập nhoạng, hai vợ chồng ông Lê Xuân Trường (57 tuổi) ngồi trước căn phòng chật chội, tường nứt toác. Hơn 13 năm trước, ông bà từng là chủ quán cà phê Vườn Dừa nức tiếng ở cửa ngõ phía Đông TPHCM. Ông Trường nói: “Chúng tôi đã gặp lãnh đạo thành phố. Họ thừa nhận đã làm sai nhưng bây giờ nhà đất đã bị cưỡng chế hết rồi, phải chấp nhận”.

Quán cà phê Vườn Dừa hồi ấy có chiều rộng hơn 70 m nằm ở vị trí mặt tiền đường Lê Văn Việt (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) gần trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM. Cả khu đất rộng hơn 24.000 m2, trong đó có 400 m2 đất ở đã được cấp sổ đỏ là tài sản chung của các anh em ông Trường. Hai vợ chồng được giao trông coi đất và mở quán sinh sống.

Kinh doanh buôn bán được vài năm thì thành phố thực hiện dự án khu CNC và vận động gia đình ông cùng các hộ dân khu phố 5 phường Tăng Nhơn Phú A bàn giao mặt bằng với giá đền bù đối với đất ở là 900.000 đồng/m2, đất nông nghiệp 150.000 đồng/m2. Đối chiếu với bản đồ quy hoạch, người dân cho rằng khu phố 5 ngoài ranh nên không đồng ý và khiếu nại.

Ông Trường cho biết trong thời gian giải quyết khiếu nại, thành phố cho làm con đường D1 sừng sững như con đê cao bằng nóc nhà. Mỗi khi mưa, nước tràn xuống như thác. Đứng trong nhà nước ngập đến ngực, còn ngoài sân sâu đến cổ. Vợ chồng ông phải chồng hai cái giường tầng lên nhau mới có chỗ khô ráo để gia đình gồm 7 người, trong đó có hai cụ già và 3 đứa trẻ sinh hoạt. Ngoài sân, gia đình phải kê ghế đá bắc mấy tấm ván làm cầu khỉ mới có lối vào nhà.

Chính quyền quận 9 nhiều lần vận động gia đình ông Trường bàn giao mặt bằng và hứa nếu đồng ý thỏa thuận sẽ bố trí 3 nền đất và 2 căn hộ tái định cư. Tuy nhiên, cho rằng mình bị thu hồi đất không đúng, gia đình ông không đồng ý và chờ giải quyết khiếu nại. Chịu đựng suốt mấy năm, khiếu nại chưa giải quyết xong thì quán bị cưỡng chế giải tỏa vào tháng 6/2006.

“Tôi nhớ hôm diễn ra cưỡng chế luôn có 4 cán bộ công an kèm sát tôi. Lúc thấy họ vào đập phá quán, tôi xách máy camera quay thì ngay lập tức bị 7-8 người túm áo hỏi ở báo nào đến quay phim rồi giật máy định ném tôi lên xe chở phạm nhân. May mắn là bà con thấy tôi bị áp giải bèn kêu vợ tôi chạy ra. Khi biết tôi là chủ nhà, họ không bắt giữ nhưng vẫn thu máy, đến chiều mới gửi trả lại sau khi xóa hết hình trong máy”, ông kể.

Cuộc sống của gia đình ông Trường thay đổi hoàn toàn. Hai vợ chồng thất nghiệp. Ông xin làm bảo vệ, còn bà ai thuê gì làm nấy.

 

Chưa tái định cư đã đòi lấy lại nhà tạm cư

Sau khi bị cưỡng chế, gia đình ông Trường được bố trí vào tạm cư trong khu C3 trên đường Tân Lập 1 (quận 9). Được vài năm thì các hộ dân bị đẩy về khu tạm cư hiện nay với quy mô 84 căn. Ban đầu, cả gia đình ông Trường được bố trí căn phòng diện tích chỉ hơn 20 m2. Không đủ không gian sinh hoạt cho 7 người, vợ chồng ông đề nghị bố trí căn phòng rộng hơn thì đươc yêu cầu nộp tiền chuyển đổi nhà và chuyển sang hình thức thuê nhà với giá gần 1 triệu đồng/tháng.

Các anh em trong nhà ủy quyền cho bà đi khiếu kiện. Ông Trường thú nhận: Theo đuổi hơn 10 năm trời, ai cũng mệt mỏi, buông xuôi nhận tiền bồi thường, chờ thành phố xem xét giải quyết. Ông bà liên hệ với Ban Bồi thường yêu cầu giải quyết tái định cư thì được trả lời chỉ còn một nền tái định cư ở khu Man Thiện và nếu muốn nhận nền thì phải làm đơn xin xem xét.

Cho rằng mình đủ tiêu chuẩn và chính quyền phải có nghĩa vụ bố trí tái định cư cho người dân bị giải tỏa, ông bà không làm đơn xin. Bất ngờ, năm 2017, hai vợ chồng nhận được thông báo của quận 9 yêu cầu phải giao nhà và rời đi vì hết thời hạn tạm cư. Bức xúc, bà lên quận khiếu nại thì mới tiếp tục được thuê nhà ở khu tạm cư. Đến năm 2018, quận tiếp tục ra thông báo thu hồi và yêu cầu ông bà giao nhà trong thời hạn một tháng. Quá bức xúc, bà lên UBND TPHCM kêu cứu và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến trực tiếp xem xét, chỉ đạo giải quyết. Kể từ thời điểm ấy, hàng tháng, gia đình ông Trường không còn phải trả tiền thuê nhà tạm cư.

“Chúng tôi đã quá mệt mỏi, không muốn kiện tụng nhưng kể từ khi họ đòi nhà chúng tôi bắt đầu khiếu nại trở lại. Chúng tôi nhiều lần đề nghị công khai bản đồ quy hoạch nhưng thành phố chưa đáp ứng”, ông Trường bức xúc.

 

“Thu hồi đất hơn 10 năm mới tìm đất tái định cư cho dân

Cuối năm 2018, Tổ công tác liên ngành của TPHCM (gọi tắt là tổ công tác) do Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy làm tổ trưởng đã gặp gỡ và thông tin với người dân kết quả tổ chức thực hiện kết luận, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân. Theo ông Bảy, UBND TPHCM đã yêu cầu tổ công tác tổ chức lấy ý kiến của đại diện các hộ dân khiếu nại, tố cáo về chính sách hỗ trợ và đơn giá bồi thường, đơn giá chuyển nhượng nền và giá bán tái định cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng trong phần diện tích gần 41ha (mà người dân cho rằng nằm ngoài ranh dự án. TPHCM đang hoàn thiện đơn giá đất bồi thường (đã được xác định từ tháng 4/2007 đối với phần đất 41 ha vừa nêu và sẽ niêm yết công khai để người dân có ý kiến. Ngoài ra, UBND TPHCM cũng thống nhất chuyển đổi công năng khu đất 4.000m2 ở mặt tiền đường Lê Văn Việt (đang được quy hoạch làm đất giáo dục) thành đất ở để phân lô bố trí tái định cư cho các trường hợp đủ điều kiện.”

 

 

Theo Tiền phong