Tin tức BĐS

Thái Bình: Tỉnh xé rào pháp luật, doanh nghiệp hưởng… “đặc lợi, đặc quyền”

Ngân sách Nhà nước có nguy cơ thất thu, thất thoát nhiều tỷ đồng khi UBND tỉnh Thái Bình và các cơ quan liên quan liên tục “xé rào” các quy định pháp luật trong nhiều năm qua. Những sai phạm nghiêm trọng, có tính hệ thống, công khai, kéo dài dẫn đến nhiều doanh nghiệp liên tục được hưởng “đặc quyền, đặc lợi” nằm ngoài pháp luật.

Đến thời điểm thanh tra, cơ quan chức năng huyện Hưng Hà chưa yêu cầu bà Hoàng Thị Phương thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, vi phạm hàng loạt quy định của Luật Đất đai. Ảnh: Nhóm PV.

 

Như Báo Thanh tra phản ánh, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra về việc thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thời kỳ năm 2011 – 2016 và đất đai, môi trường thời kỳ từ năm 2006 – 2016.

Qua thanh tra phát hiện hàng chục dự án trên địa bàn tỉnh Thái Bình có sai phạm. Nhiều dự án bị phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng có tính hệ thống, công khai, liên tục, kéo dài qua nhiều năm.

Đáng nói là, những vi phạm của UBND tỉnh Thái Bình và các đơn vị có liên quan có nguy cơ gây thất thoát, thất thu nhiều tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp liên tục được hưởng “đặc quyền, đặc lợi” về tài chính, thủ tục pháp lý…  vượt trên quy định của luật pháp trong quá trình triển khai dự án trên địa bàn.

Được biết, đến nay, UBND tỉnh Thái Bình đã có kế hoạch để thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (Báo Thanh tra sẽ đăng tải trong những số báo tới).

Tuy nhiên, để làm rõ những sai phạm nghiêm trọng có tính hệ thống, công khai, liên tục, kéo dài qua nhiều năm nêu trên, Báo Thanh tra xin thông tin cụ thể hơn về công tác quản lý Nhà nước tại một số dự án và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình vừa được Thanh tra Chính phủ chỉ ra. Qua đó thấy rõ được trách nhiệm của UBND tỉnh, đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình và các đơn vị liên quan.

Tại kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc quản lý và sử dụng đất của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Phương Anh (Công ty Phương Anh) và bà Hoàng Thị Phương, Giám đốc Công ty Phương Anh.

Giai đoạn tháng 1/2011 đến tháng 2/2015, ông Phạm Văn Sinh giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.

Tháng 3/2015 đến tháng 7/2018, ông Nguyễn Hồng Diên giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Hiện, ông Nguyễn Hồng Diên là Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình.

Theo kết luận, Công ty Phương Anh là đơn vị thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường Thái Bình, Hà Nam nối với đường cao tốc Cầu Giẽ, Ninh Bình, tổng diện tích là 266.256,2m2 từ năm 2010 đến năm 2017. Đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh chưa có quyết định giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, thế nhưng tuyến đường đã được đầu tư, xây dựng xong.

Thậm chí, Công ty Phương Anh được cấp giấy phép khai thác cát trên diện tích 7,5ha tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Trên thực tế, công ty đã khai thác cát để phục vụ thi công đường Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ, Ninh Bình. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, công ty vẫn chưa lập hồ sơ để thuê đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Vi phạm trong công tác quản lý đất đai tiếp diễn khi, UBND huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ đã thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân và bàn giao cho bà Hoàng Thị Phương và Công ty Phương Anh sử dụng với tổng diện tích là 80.416,64m2, gồm 7.691 m2 tại huyện Quỳnh Phụ, 72.725,54m2 tại huyện Hưng Hà để làm bãi tập kết  nhưng không thực hiện đầy đủ các thủ tục về đất đai.

Tại một dự án khác, UBND huyện Hưng Hà có quyết định cho bà Hoàng Thị Phương thuê tổng diện tích đất là 30,9ha gồm: 10ha (cho thuê năm 2012, phần diện tích 10ha đất này trùng với 7,5ha đất Công ty Phương Anh khai thác cát nêu trên) và 20,9ha (cho thuê năm 2013, đã được UBND huyện Hưng Hà cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BG 142200 ngày 30/10/2013) tại Khu bãi bồi thuộc địa phận xã Tiến Đức để làm bãi chế biến khai thác vật liệu xây dựng và thực hiện dự án xây dựng trang trại, trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản (giai đoạn 1), du lịch sinh thái (giai đoạn 2), thời hạn 40 năm (đến năm 2053).

Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, mặc dù, bà Phương chưa nhận được thông báo để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, thế nhưng UBND huyện Hưng Hà đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Hoàng Thị Phương (phần diện tích 20,9 ha).

UBND huyện Hưng Hà thực hiện không đảm bảo quy định pháp luật về đất đai, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Ngoài ra, đến thời điểm thanh tra, cơ quan chức năng huyện Hưng Hà thậm chí còn chưa tiến hành thực hiện các thủ tục để yêu cầu bà Hoàng Thị Phương thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, vi phạm quy định tại các Điều 15, Điều 107, Điều 123 Luật Đất đai năm 2003.

Tại một số dự án khác, nhiều doanh nghiệp được giao hàng chục nghìn m2 đất không qua đấu giá, được UBND tỉnh cho triển khai dự án và ứng hàng trăm tỷ đồng trong khi chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về đất đai theo quy định..

 

 

Theo CafeLand