Tin tức BĐS
Tăng trưởng như vũ bão, Việt Nam cán mốc gần 100.000 phòng khách sạn cao cấp
Thị trường Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang…trong 4 năm gần đây có tốc độ phát triển dự án du lịch nghỉ dưỡng ấn tượng nhất, dẫn tới lượng phòng khách sạn 4-5 sao (cao cấp) tăng trưởng chóng mặt.
Báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam 2019 của CBRE Việt Nam, cho thấy dấu ấn đậm nét nhất trên thị trường đó là tốc độ tăng trưởng ấn tượng của loại hình BĐS du lịch cao cấp. Điều này kéo theo lượng phòng khách sạn cao cấp của Việt Nam đã tăng chóng mặt trong khoảng 4 năm qua.
Theo ghi nhận từ CBRE Việt Nam, tính đến cuối quý 3/2019, ước tính toàn quốc có tổng cộng 442 dự án khách sạn 4 sao và 5 sao đang hoạt động, cung cấp tổng cộng 91.236 phòng. Trong đó, nhóm khách sạn 5 sao tăng trưởng mạnh nhất, từ 2015 đến nay lượng phòng 5 sao tăng trưởng tới 21%, còn nhóm khách sạn 4 sao chỉ tăng khoảng 9%.
Nguồn cung tăng chóng mặt bởi nhu cầu về du lịch ở Việt Nam trong những năm qua đều tăng trưởng ở mức cao, mỗi năm khách du lịch tăng trung bình khoảng 30%.
Tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2018, Việt Nam chào đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng đầu 2019 (tăng 10,8% so với cùng kỳ 2018). Những quốc gia có lượng khách tăng trưởng tốt nhất trong 9 tháng đầu năm bao gồm Thái Lan (46%), Đài Loan (28%) và Hàn Quốc (23%), trong khi nguồn khách từ Trung Quốc tuy vẫn có tăng trưởng nhưng tốc độ đã chững lại đáng kể (chỉ 4% so với cùng kỳ).
Xét về lưu lượng khách quốc tế, khách đến từ các quốc gia châu Á vẫn áp đảo với gần 79% tổng lượt khách trong 9T/2019, trong đó riêng Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 55% tổng lượt khách.
Sự cải thiện của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, luôn là một trong những mảng đầu tư được ưu tiên của Việt Nam, đã là tiền đề tạo sức bật cho nhiều thành phố du lịch trong giai đoạn vừa qua. Hai sân bay quốc tế lớn nhất của Việt Nam hiện tại là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, đều có kế hoạch tăng cường lượng khách lên đến 50 triệu (đối với sân bay Nội Bài sau năm 2030 và đối với sân bay Tân Sơn Nhất sau năm 2025).
Các dự án đầu tư trọng điểm trong những năm tiếp theo bao gồm: xây dựng mới Nhà ga hành khách T3 tại Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất; xây dựng Nhà ga hành khách T2 tại các Cảng HKQT Cát Bi, Cảng HKQT Vinh, Cảng HKQT Phú Bài; triển khai đầu tư các dự án mở rộng sân đỗ máy bay tại các Cảng hàng không có tần suất khai thác cao như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Cát Bi, Vinh, Phú Bài.
Vì thế, các điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam đều đón nhận làn sóng đầu tư dự án BĐS một cách bùng nổ. Tại Đà Nẵng và Khánh Hòa, hiện mỗi địa phương có khoảng 14.000 phòng khách sạn cao cấp tốc độ tăng trưởng trên 19% mỗi năm trong giai đoạn 2015 – quý 3/2019.
Nguồn cung khách sạn 4-5 sao của Việt Nam
Tiếp theo là Tp.HCM và Hà Nội với nguồn cung khách sạn cao cấp lần lượt là 10.600 và 7.900 phòng, tuy nhiên tăng trưởng chỉ ở mức 2-4% mỗi năm trong giai đoạn 5 năm vừa qua.
Đáng chú ý, Phú Quốc là địa điểm đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng nhất ở mức 36% mỗi năm, và hiện số phòng khách sạn cao cấp ở huyện đảo này đã gần bằng nguồn cung ở Hà Nội, nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn bất động sản nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam.
Xét về nhóm sản phẩm bất động sản du lịch bán bao gồm biệt thự du lịch và căn hộ du lịch, thị trường ở các thành phố du lịch trọng điểm đã chứng kiến sự giảm nhiệt đáng kể về nguồn cung mới từ năm 2018 đến nay.
Cụ thể, nguồn cung tích lũy biệt thự du lịch tại ba thị trường chính là Đà Nẵng, Khánh Hòa và Phú Quốc có tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm lần lượt là 2,6%, 0,9% và 7,3% trong giai đoạn 2017 – quý 3/2019. Trước đó, mức tăng trung bình mỗi năm tương ứng trong giai đoạn 2015-2017 là 5,5%, 35% và 27%.
Tốc độ tăng trưởng của nguồn cung căn hộ du lịch cũng giảm mạnh trong giai đoạn sau 2017: ví dụ nguồn cung tại Khánh Hòa chỉ tăng trung bình 7%/năm so với mức 239%/năm trong 2 năm trước đó.
Theo Nhịp sống kinh tế