Tin tức BĐS
Tại sao condotel bỏ cam kết lợi nhuận để níu chân khách hàng
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng với những dự án được hứa hẹn mức lợi nhuận đầu tư cao, có thể lên đến 15%/năm, bởi rất có thể chủ đầu tư đã cộng luôn lợi nhuận hàng năm vào trong giá bán, đồng nghĩa với việc lợi nhuận khách hàng nhận được thực tế là tiền của chính khách hàng.
Mặc dù còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý, xong số liệu cho thấy condotel là loại hình được ưa chuộng nhất trong các sản phẩm nghỉ dưỡng ở Việt Nam hiện nay. Theo Savills, condotel sẽ chiếm 80% nguồn cung ngôi nhà thứ hai tại các thị trường ven biển với mức tăng trưởng xấp xỉ 30%/năm trong các năm 2018-2020.
Thực tế cho thấy, trong vài năm trở lại đây nhằm kích cầu, các chủ đầu tư đã đưa ra những chính sách cam kết lợi nhuận từ 5-10 năm với mức cam kết lên tới 8-12%/năm. Chính sách cam kết này ban đầu cho nhà đầu tư có cảm giác an toàn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn được hưởng từ 10-12 ngày nghỉ/năm ngay tại dự án hoặc trên chuỗi hệ thống do cùng chủ đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, phương án này cũng có những rủi ro nhất định đối với nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy thời gian đầu, khả năng sinh lời ở mức cao của condotel chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như hiệu suất cho thuê phòng, chi phí quản lý, marketing – những thứ chiếm phần lớn doanh thu. Những dự án mới đưa vào sử dụng, nếu không có sẵn nguồn khách hàng cũng như thương hiệu chưa được tạo dựng, không đảm bảo công suất thuê phòng… thì nhiều khả năng không đạt đủ doanh thu để chi trả lợi nhuận cho khách hàng.
Chính vì thế các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng với những dự án được hứa hẹn mức lợi nhuận đầu tư cao, lên đến 15%/năm, bởi rất có thể chủ đầu tư đã cộng luôn lợi nhuận hàng năm vào trong giá bán, đồng nghĩa với việc lợi nhuận khách hàng nhận được thực tế là tiền của chính khách hàng.
“Bằng cách đó, thực chất đa phần căn hộ condotel mà khách hàng đã mua sẽ có giá đắt hơn so với giá trị chào bán thực ở mức từ 20-30%. Khoản tiền chênh lệch này sẽ được sử dụng để tái đầu tư nhằm mục đích tạo ra dòng tiền thanh toán cho phần lợi nhuận đã được cam kết, phần lợi nhuận kinh doanh khai thác (nếu có) trong thời gian cam kết lợi nhuận thực tế sẽ thuộc về chủ đầu tư”, Luật sư Nguyễn Thị Hoa – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết.
Cũng theo luật sư Hoa, chính sách cam kết lợi nhuận là điểm tựa để chủ đầu tư đưa ra yêu cầu các chủ căn hộ phải cam kết cho thuê/giao quyền khai thác trọn đời căn hộ và vô hình chung làm hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu đối với chính tài sản của mình.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thời gian gần đây nhiều chủ đầu tư đã bắt đầu bỏ dần hình thức cam kết lợi nhuận để đưa condotel về giá trị thực. Quan sát thực tế trên thị trường cho thấy loại hình condotel không cam kết đang có sức hút mạnh đối với khách hàng.
Đầu tiên, việc chủ sở hữu không bắt buộc phải ủy thác quyền kinh doanh căn hộ cho đơn vị vận hành. Vì thế, chủ sở hữu căn hộ sẽ toàn quyền lựa chọn phương án sử dụng đối với tài sản, có thể để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cá nhân hay tự cho thuê hoặc ủy thác kinh doanh và phân chia lợi nhuận. Điều này rất phù hợp với tâm lý người Việt Nam khi tài sản sẽ đúng bản chất sở hữu và toàn quyền của người mua.
Bên cạnh đó, một trong những điểm mạnh của loại hình condotel không cam kết là giá thành và tổng mức đầu tư của khách hàng cho căn hộ sẽ thấp hơn. Hơn thế nữa, nhà đầu tư còn có thể tự chủ động làm nội thất với thiết kế và trang thiết bị tùy biến theo sở thích cá nhân và túi tiền của mình.
Đồng thời, để đảm bảo được sự tin tưởng tuyệt đối từ phía khách hàng thì chủ đầu tư cũng có sự lựa chọn minh bạch về tài chính. Trong quá trình vận hành sẽ có đơn vị kiểm toán làm rõ, đánh giá các chi phí, công bố báo cáo tài chính cụ thể theo từng năm. Phương án này có ưu điểm là giúp khách hàng trở thành một cổ đông, có quyền lợi tham gia đóng góp ý kiến để phát triển kinh doanh chung, đảm bảo sự sinh lời bền vững.
Cùng với việc không cam kết lợi nhuận, hiện nay các chủ đầu tư cũng tăng quyền lợi của chủ sở hữu trong chính sách chia sẻ lợi nhuận. Theo đó, mức chia sẻ lợi nhuận phổ biến hiện nay là 80:20 – nhà đầu tư được hưởng 80% còn chủ đầu tư và đơn vị quản lý nhận 20% từ hoạt động cho thuê lại. Bên cạnh đó, thay vì chăm chăm đưa ra mức cam kết lợi nhuận như trước kia hiện nay các chủ đầu tư cũng chú trọng nhiều hơn đến việc hợp tác với những đơn vị quản lý vận hành khách sạn uy tín trên thế giới để đảm bảo nguồn doanh thu cho các căn hộ condotel.
Trao đổi với chúng tôi về giải pháp này bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills cho biết cách làm này khá mới, giúp giá thành căn hộ condotel trở về với đúng bản chất giá trị thực của căn hộ, đem lại sự yên tâm cho nhà đầu tư và sự ổn định của thị trường. Tuy nhiên, đối với giải pháp này để thực sự thành công thì dự án sau khi đưa vào hoạt động phải được quản lý bởi những đơn vị quản lý uy tín, và đặc biệt chủ đầu tư phải minh bạch về nguồn thu chi từ việc kinh doanh căn hộ.
Theo Trí thức trẻ