Tin tức BĐS

Sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu

Sự kết nối giao thông xuyên suốt những năm qua và chính sách Vùng TP.HCM mới đây khiến TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu như xích lại gần nhau hơn. Theo đó, hấp lực đầu tư vào thị trường bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu trở nên hấp dẫn không chỉ với các doanh nghiệp phát triển địa ốc mà cả với các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

 

 

Ưu thế mạnh với hạ tầng phát triển

Theo phân tích của giới chuyên môn, với những gì đang diễn ra, trong tương lai gần, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ trở thành một trong những thủ phủ về phát triển công nghiệp và du lịch tại các tỉnh phía Nam.

Động lực đầu tiên giúp Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển mạnh trong những năm qua bắt đầu từ câu chuyện về sự đột phá trong phát triển hạ tầng. Kể từ khi tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Quốc lộ 51 mở rộng, khoảng cách di chuyển từ TP.HCM đến Bà Rịa – Vũng Tàu rút ngắn một nửa thời gian so với trước đây.

Đặc biệt, sắp tới đây, khi tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đưa vào sử dụng, sẽ kết nối toàn khu vực miền Tây với Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, sân bay lưỡng dụng Hồ Tràm, đường hầm xuyên biển nối Cần Giờ – Vũng Tàu… được quy hoạch và từng bước đi vào hoạt động đã thúc đẩy xu hướng đầu tư đón đầu tiềm năng bất động sản trung tâm Bà Rịa – Vũng Tàu. Việc khơi thông dòng kết nối không chỉ thuận lợi với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, mà còn rất dễ dàng kết nối với miền Tây Nam Bộ.

 

Với một địa phương được quy hoạch để trở thành trung tâm về dầu khí, cảng biển hàng đầu của cả nước, trong đó Cảng quốc tế Cái Mép là 1 trong 19 cảng trên thế giới có đủ khả năng tiếp nhận những tàu siêu lớn; rồi dự án Sân bay Quốc tế Long Thành được quy hoạch và từng bước hoàn thiện hình hài; tuyến cao tốc Biên Hòa – Bà Rịa trở thành “sợi chỉ đỏ” để Bà Rịa – Vũng Tàu dễ dàng cất cánh…

Ngoài yếu tố hạ tầng, theo phân tích của các chuyên gia, Bà Rịa – Vũng Tàu có lợi thế hơn so với nhiều địa phương khác là hội đủ các các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, là địa phương duy nhất phía Đông Nam TP.HCM hội tụ đủ các yếu tố để phát triển công nghiệp và du lịch nhờ có bờ biển đẹp trải dài hàng trăm kilomet.

 

 

Ồ ạt đầu tư, đón đầu cơ hội

So sánh với các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa Vũng Tàu là địa phương có thị trường bất động sản đi sau, nhưng trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm 2018, Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành “cái nôi” thu hút sự quan tâm của giới đầu tư kinh doanh địa ốc, từ những “ông lớn” trong ngành bất động sản đến những doanh nghiệp đầu tư nhỏ, nhà phân phối.

Từ đầu năm 2018 đến nay, giao dịch mua bán đất đai trên địa bàn hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là khu vực trung tâm Bà Rịa, Tân Thành, Long Hải, Xuyên Mộc trở nên sôi động với mức giá tăng nhanh. Theo ghi nhận, so với cách đây khoảng hơn nửa năm, giá đất tại nhiều địa phương trong tỉnh đã tăng 20-30%, thậm chí 50%, trong đó giá tăng cao nhất tập trung tại TP Bà Rịa. Theo khảo sát của Công ty Asian New Time, tại các trục đường chính của TP Bà Rịa như Hùng Vương, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng có mức giá giao dịch trung bình từ 25 đến 30 triệu đồng/m2, tăng từ 2 đến 2,5 lần so với đầu năm 2018.

Trong năm 2019 này, Thành phố Bà Rịa cũng trở thành tâm điểm nhất với nhiều dự án được đầu tư bài bản, thu hút sự quan tâm lớn của khách hàng. Đó là các dự án đầu tư lớn của các nhà phát triển bất động sản có thương hiệu tại khu vực này như: Sông Hồng ICT Phương Nam,  HVT Invecon, Novaland, Chúa đảo Tuần Châu, Sun Group, FLC, Đức Long Gia Lai, Hưng Phúc Land, Phúc Gia Khang…

Điển hình trong số đó có thể kể đến Sông Hồng ICT Phương Nam với các dự án có sức hút lớn đáng chú ý hiện nay là Dự án Khu du lịch Trung Sơn, Dự án khu du lịch Ngân Sơn, Dự án biệt thự Ngân Sơn, Dự án hóa dầu Long Sơn, Dự án Khu công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ Hắc Dịch, Dự án Khu neo đậu tàu thuyền và dịch vụ hậu cần cảng,…

 

Với những gì đang diễn ra, theo phân tích của giới chuyên môn, chắc chắn trong những năm tới, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có một sự thay đổi diện mạo lớn  từ những cuộc đổ bộ này.

                                                                                             Nguồn tham khảo: Báo Lao Động