Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản vừa tổ chức vào cuối tuần này.
Theo ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng Trưởng cơ quan đại diện Uỷ ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước tại TP.HCM, hiện vốn hoá của thị trường chứng khoán Việt Nam so với GDP từ mức 47% cuối năm 2016 thì đến hết năm 2018 đã là 109% GDP (bao gồm cả thị trường cổ phiếu, trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp). Trong khi đó, tỷ lệ tín dụng/GDP đạt khoảng 134%.
Liên quan đến số liệu đại gia, tỷ phú tại Việt Nam, ông Năng cho biết: “Trong hội nghị thượng đỉnh về đầu tư quốc tế khu vực châu Á (AOA Forum) vào tháng 5-2019 nhận định: Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có tỷ lệ sinh lời khá hấp dẫn so với TTCK trong khu vực. Đáng chú ý là số lượng người giàu của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Chỉ trong vòng một thập kỷ, số lượng người giàu của Việt Nam đã tăng 200%”.
Trước đó, hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức) cũng đưa ra dự báo về số lượng triệu phú của Việt Nam trong giai đoạn 2013-2023. Tổ chức này dẫn chứng năm 2013, Việt Nam có khoảng 10.000 triệu phú; đến năm 2017, con số này tăng lên 11.790 và năm 2018 là 12.330. Như vậy, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ đạt được 15.780 triệu phú vào năm 2023.
Tương tự, tại Báo cáo thịnh vượng 2019 (Wealth Report) được Knight Frank công bố vào hồi tháng 3 vừa qua, Việt Nam có 142 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) năm 2018. Con số này đã tăng thêm 7 người so với 2017. Trong 5 năm tới, VN là quốc gia có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới, với mức tăng 31%.
Theo danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới 2019 mà tạp chí Forbes công bố, Việt Nam vinh dự có 5 đại diện đó là Chủ tịch tập đoàn Vingroup – Phạm Nhật Vượng; CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo; Chủ tịch Thaco – Ông Trần Bá Dương; Chủ tịch Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ông Hồ Hùng Anh và Chủ tịch Masan – Nguyễn Đăng Quang.