Cẩm nang nghề nghiệp

Sếp ơi … cứu!

 

Thú nhận rằng mình hoàn toàn mất phương hướng hay bế tắc khi triển khai nhiệm vụ là điều thực sự khó làm, dù bạn là người mới trong nhóm hay nhân viên có thâm niên tại công ty. Ngại ngùng khi phải đặt câu hỏi cũng là một cái tên trong danh sách những nỗi sợ phổ biến của dân công sở. Đừng nên “sỉ diện” rồi mù quáng tạo ra mớ hỗn độn to hơn! Bài học bạn nên sớm nghiệm ra chính là giải quyết càng nhanh hậu quả càng nhẹ nhàng hơn.

 

Qua bài viết này, hãy cùng chúng tôi tham khảo bí quyết để bắt đầu nói với sếp rằng “Tôi chẳng biết làm sao” mà không tự trách mình quá ngu ngốc hay vô dụng nhé!

 

1. Thử làm điều gì đó trước tiên

Tất nhiên, sếp của bạn sẽ có mặt để giải quyết các vấn đề. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn không cho phép mình tự đưa ra vài giải pháp tiềm năng.

Có thể bạn không biết đâu là phương án khả thi hàng đầu. Thậm chí bạn còn chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, thay vì lập tức chạy đi tìm sếp giúp, hãy xắn tay áo lên thực hiện trước vài bước theo cách riêng bạn. Ít nhất cũng hãy phác hoạ kế hoạch hành động và lập danh sách câu hỏi cần thiết. Khi đã sẵn sàng trong tay những điều kiện cần thiết để làm rõ vấn đề, hãy liên hệ xin sếp chút thời gian.

Cũng tại thời điểm này, tiếp cận với vài đồng nghiệp hoặc liên lạc với các mối quan hệ trong mạng lưới của mình để tìm kiếm thêm kinh nghiệm về “địa hạt xa lạ” đang níu chân công việc bạn lại là bước đi thông minh.

Hành động đầu tiên khi gặp khó khăn là bạn dồn hết những nỗ lực tốt nhất đã chứng minh với sếp rằng bạn sẽ luôn chủ động trong mọi tình huống công việc, chứ không phải tìm con đường dễ dàng nhất để tháo chạy. Đặc biệt hơn nữa, cuộc trò chuyện của bạn với sếp sẽ rất hiệu quả, vì bạn có đủ sự chuẩn bị cần thiết để chia sẻ về ý tưởng và chiến thuật của mình.

 

2. Chọn một vấn đề cụ thể

Lao vào phòng của sếp như một cơn lốc và tuyên bố: “Tôi không biết làm việc này thế nào, không một chút nào trong đây” là lựa chọn rất cám dỗ trong những khoảnh khắc tuyệt vọng, nhưng bạn cũng có thể đoán được rằng đây không phải là cách giải quyết hợp lý.

Thay vào đó, hãy bắt đầu với một phần cụ thể của dự án hoặc vấn đề khiến bạn bế tắc. Nó giúp cuộc trò chuyện có mục tiêu và trở nên sôi nổi hơn, đồng thời không biến bạn thành một kẻ tuỳ tiện, lười biếng động não.

 

3. Lên lịch họp với sếp

Một khi bạn đã nắm các mảnh ghép trong tay, đây là lúc sắp xếp chúng lại với nhau: Bạn cần nói rõ với sếp rằng mình thực sự bị “lạc đường”.

Đây không phải là điều mà bạn có thể (và nên) nói khi tình cờ đi ngang qua sếp ở hành lang công ty. Mục tiêu của bạn là một buổi họp hẳn hoi để được định hướng và làm rõ thông tin, yêu cầu cần thiết. Vậy bạn phải chắc cả hai bên đã chuẩn bị kỹ càng để cuộc trò chuyện có hiệu quả và ý nghĩa.

Chính xác thì nên nói gì để đề nghị gặp mặt? Hãy làm theo gợi ý trong email mẫu dưới đây để thiết lập một cuộc hẹn như mong đợi:

Dear [Tên của sếp],

Phải thừa nhận rằng, tôi đã cảm thấy một chút bế tắc về [điều cụ thể]. Cho đến hiện tại, tôi đã thử thực hiện [chiến thuật 1 bạn đã thử] và [chiến thuật 2 bạn đã thử] nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mà tôi kỳ vọng hay giải quyết được vấn đề.

Thay vì tiếp tục để mình quay vòng vòng không có lối ra trong rắc rối này, tôi đành nhờ đến những chuyên môn, kinh nghiệm và hiểu biết từ sếp vậy. Khá là mất mặt nhưng tôi tin sẽ tốt hơn cho công việc, không lãng phí cả thời gian lẫn công sức một cách vô ích.

Sếp có thể tranh thủ chút thời gian nào trong ngày [ngày cụ thể] để chúng ta ngồi lại nói chuyện chi tiết về rắc rối này không?

Cảm ơn sếp rất nhiều!

[Tên của bạn]

Hiệu quả của việc gửi email thẳng thắn thừa nhận khó khăn với sếp có thể mang lại ngạc nhiên lớn cho bạn. Nhiều người kể rằng sau khi gửi đi “tâm thư muối mặt” đó, họ nhận lại được sự chỉ dẫn tận tình cùng hàng tá lời khuyên hữu ích khác từ người quản lý trực tiếp. Tinh thần nỗ lực hết mức, sự chuẩn kỹ càng cùng với lời trình bày chân thành của bạn sẽ khiến sếp thấy có niềm tin về bạn hơn trong các nhiệm vụ về sau, dù hiện tại bạn xuất hiện trong tư thế của kẻ đang cầu cứu. Đặc biệt, điều an ủi nhất trong nhiều trường hợp, sếp cũng sẽ nói rằng họ nhận thức được là nhiệm vụ đó không hề dễ dàng, nên hỗ trợ nhân viên là điều nên làm.

 

4. Rốt cuộc thì chuyện nhờ sếp cứu có đáng sợ lắm không?

Chúng tôi hiểu rằng hành động chạy đi nhờ sếp hỗ trợ có thể giống như một cú đánh vào lòng kiêu hãnh của bạn. Nhưng hãy nghĩ lại xem, nó xứng đáng, và xét cho cùng danh dự của bạn vẫn còn nguyên. Không ai biết hết tất cả, đó là lý do chúng ta phải học hỏi, trau dồi để tiến bộ hơn mỗi ngày. Nói rằng “tôi không biết” khi bạn thực sự không biết là lựa chọn khôn ngoan của một người nhân viên mạnh mẽ và trách nhiệm. Tin rằng khi đã nắm vững nghệ thuật kêu gọi sự giúp đỡ của sếp, bạn sẽ luôn nhanh chóng hoá giải được tình thế bất lợi, vượt qua thử thách trong công việc mà không hề khiến mình trông vô cùng lười nhác hoặc rất ngốc.

 

Theo CareerBuilder Vietnam