Tin tức BĐS
Resort bịt đường ra biển, sao lại hỏi ông Bộ Nông nghiệp?
Trước câu hỏi của ĐB về giải quyết việc resort, khách sạn bịt đường ra biển của ngư dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói “đường ra biển sao lại hỏi ông Bộ Nông nghiệp?”.
Chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT sáng nay, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm, giải pháp để giải quyết việc resort, khách sạn bịt đường ra biển của ngư dân ở nhiều địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời: “Đường ra biển lại hỏi ông Bộ Nông nghiệp, sợ không đúng địa chỉ lắm. Còn tất nhiên Bộ có trách nhiệm phối hợp với các địa phương, cơ quan quản lý”.
Câu trả lời của Bộ trưởng Cường khiến nhiều ĐB ở hội trường bật cười.
Nghe vậy, Bộ trưởng Nông nghiệp cho hay, nếu nói theo khía cạnh đó thì Bộ sẽ ủng hộ quyết liệt và sẽ cùng với bà con ngư dân, các thành phần nêu vấn đề để tháo gỡ.Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân ở vị trí điều hành nhắc việc này Bộ NN&PTNT cũng phải có tiếng nói với các bộ, ngành địa phương liên quan ở khía cạnh hỗ trợ ngư dân.
Ông Cường cũng cảm ơn câu hỏi của ĐB.
Sau khi Bộ trưởng Cường trả lời, Chủ tịch QH đề nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chiều nay sẽ nói thêm về vấn đề này.
55 tàu đóng mới nằm bờ do nhiều nguyên nhân
ĐB Phan Thanh Bình (Quảng Nam) chất vấn về những bất cập trong hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân và việc các tàu đóng mới hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, nghị định 67 Chính phủ ban hành năm 2014 được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam rất cần ngư dân vươn ra các ngư trường xa để đảm bảo phát triển kinh tế cùng với đảm bảo an ninh quốc phòng của quốc gia.
Theo Bộ trưởng, chúng ta đã phát triển được 1.030 phương tiện, với công suất lớn từ 800 mã lực trở lên với 3 loại vật liệu sắt, composit và gỗ. Riêng tàu sắt, thì đây là loại hình đóng mới. Hiện nay có 358 chiếc, tương đương với 34,2%.
ĐB Phan Thanh Bình
Hiện nay, còn 55 chiếc tàu đóng mới nằm bờ, không ra khơi được do nhiều nguyên nhân như đánh bắt không hiệu quả, chủ tàu chết, một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động, hay chủ tàu không tích cực tham gia. Các tàu đến kỳ bảo dưỡng nhưng không đem đi bảo dưỡng.Bộ trưởng đánh giá loại hình tàu sắt là phương tiện mới, quá trình đóng thì để xảy ra 40 tàu bị hỏng hóc, trong đó có 21 cái ở Bình Định của 2 công ty đóng tàu thì tỉnh phải đặc biệt vào cuộc.
“Trước tình hình này, chúng tôi đã tham mưu, Thủ tướng đã có nhiều quyết sách. Về tiềm năng ngư trường chúng ta không khuyến khích nhiều nữa, phương án hỗ trợ tín dụng 11 năm không còn phù hợp”, ông Cường nói.
Tiếp lời Bộ trưởng Nông nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian vừa qua, đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước và nợ lãi sau, thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu.
Tuy nhiên, trước tình hình nợ xấu còn phát sinh, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, TP rà soát lại.
Cụ thể, với trường hợp bất khả kháng, tiếp tục hỗ trợ để cơ cấu lại nợ; đối với trường hợp chây ì, tiến hành thu hồi nợ.
“Chúng tôi cũng phối hợp với Bộ NN&PTNT để hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Đặc biệt có giải pháp xử lý chênh lệch giữa giá trị thực tế của tàu được định giá lại và dư nợ của tàu cũ ở thời điểm bàn giao”, ông Hưng nói.