Tin tức Kinh doanh - Tài chính
Quán quân Vietnam Startup Wheel 2018: Học dốt và sợ tiếng Anh lại giành giải nhất cuộc thi startup viết phần mềm học tiếng Anh, tư duy “mạo hiểm phải có kế hoạch chứ không đâm đầu vào tường”
Năm 2018, Nguyễn Hữu Ân đơn thương độc mã mang sản phẩm Clevertube đi dự thi, đó là một ứng dụng cung cấp các công cụ thông minh hỗ trợ người học tiếng Anh trên Youtube. Nhưng ít ai biết rằng, trước đây Nguyễn Hữu Ân là người cực kì tự ti về vốn tiếng anh “nhà quê” của mình.
Một thống kê của Cơ quan thương mại và đầu tư của Chính phủ Australia cho thấy Việt Nam đang tăng trưởng phi thường về số lượng startup, từ 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 trong năm 2017. Trong khi nghiên cứu của quỹ đầu tư mạo hiểm ESP Capital ghi nhận 6 tháng đầu năm 2019 đã có 246 triệu USD rót vào các công ty startup Việt Nam. Dự kiến con số này sẽ đạt mốc 800 triệu USD năm 2019, tăng 80% so với mức 444 triệu USD của năm ngoái và Việt Nam chắc chắn có tiềm năng trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp của Đông Nam Á.
“Trí tuệ nhân tạo, blockchain, machine learning…” đã trở thành các keywords của các bạn trẻ khi đi gọi vốn để thoả ước mơ sẽ trở thành thế hệ unicorn thứ hai của Việt Nam sau VNG. Nhưng liệu câu chuyện có đơn giản như vậy?
Trí thức trẻ có buổi phỏng vấn Nguyễn Hữu Ân, giải nhất cuộc thi Vietnam Startup Wheel 2018, cuộc thi dành cho tất cả các cá nhân/doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn quốc do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) đồng tổ chức cùng Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM.
Em có thể chia sẻ về ý tưởng tạo ra ứng dụng hỗ trợ học tiếng Anh trên Youtube?
Em sinh năm 1989, khởi nghiệp từ năm thứ 3 đại học. Khi đó em học trường Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông và gặp rào cản về ngôn ngữ. Ai cũng biết ngoại ngữ là điều kiện cần để đạt các nấc thang khác trong sự nghiệp. Nhưng khổ nỗi đi học ở quê thì ngọng, tiếng Anh gần như số 0. Các cụ có câu “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, không có cách nào khác muốn tồn tại bắt buộc phải học ngoại ngữ. Nhưng lúc đó mình không có tiền nên em nghĩ ngược lại là muốn giỏi thì phải đi dạy ngoại ngữ (làm gia sư).
Khi đi dạy gia sư mình tự tạo áp lực cho mình. Trước khi lên lớp em phải chuẩn bị bài đó thật kỹ, thậm chí có những lúc để học phát âm em đã phải xem đi xem lại clip luyện âm trong 1 tuần, cách người ta thở như thế nào, đặt môi miệng như thế nào để phát âm cho chuẩn. Em đã có một thời gian đi dạy miễn phí cho các bạn trong trường, sau đó em thuê phòng sinh hoạt chung trong ký túc xá để mở lớp. Em thuê người nước ngoài về dạy, thu 2-3 triệu/1 khoá học từ 1,5-2 tháng. Khi đó có lớp 25-30 bạn theo học.
Thừa thắng xông lên em mở hẳn một trung tâm ngoại ngữ bên ngoài, làm chung với 2 bạn tây nhưng sau đó phải đóng cửa vì kinh nghiệm quản trị không có. Thất bại này khiến em nghĩ rằng, làm theo cách truyền thống rất cực, cùng lắm là dạy được vài trăm người, nên chuyển sang làm công nghệ. Nếu viết app, mình có thể dạy ngoại ngữ cho cả triệu người một lúc.
Em đã viết một phần mềm học tiếng Anh dựa trên các bài báo của BBC, có những lúc ứng dụng lên đến cả trăm nghìn user. Em viết phần mềm để con robot có thể cào data trên internet tạo ra bài học cho học viên, nhưng khi đó mình bị vướng vấn đề về bản quyền và app bị đánh sập.
Cuối cùng em đã viết lại ứng dụng ngoại ngữ dựa trên các nội dung chia sẻ của Youtube và có xin phép các Youtuber về việc tôi sẽ tăng view miễn phí cho các video nhưng tôi muốn sử dụng nội dung để học tiếng Anh. Đó là một mối quan hệ win win.
Năm 2018 em mang sản phẩm này đi thi và may mắn giành quán quân Vietnam Startup Wheel, vượt qua 1.500 startup mà họ đều là các team rất mạnh. Đó là một động lực rất lớn.
Nhưng hiện tại em đang làm chủ một công ty gia công phần mềm cho Nhật, tại sao vậy, tại sao không phát triển Clevertube và đi huy động vốn từ các nhà đầu tư khác để hoàn thiện sản phẩm?
Sau cuộc thi năm 2018, anh Lê Đăng Khoa (Shark Khoa) đã gặp em và đề nghị hợp tác mở một công ty gia công phần mềm. Em và anh Khoa ở 2 thế giới khác nhau, em là thế giới IT và anh Khoa bổ sung cho em về mặt kinh doanh. Công ty Teso là một công ty gia công phần mềm cho nước ngoài và các khách hàng lớn trong nước. Hiện nhân sự đã tăng từ 5 người lên 40 người và vẫn tiếp tục tuyển ồ ạt. Thị trường chính của Teso ở Nhật và sắp tới là Hàn Quốc và Mỹ.
Nguyễn Hữu Ân kết hợp với Lê Đăng Khoa (ngoài cùng bên phải) mở công ty gia công phần mềm cho khách hàng doanh nghiệp tập trung ở thị trường Nhật
Em thấy cuộc đời mình trải qua những năm tháng lên xuống và giải được nhiều bài toán. Khi đi học đại học đã giải được bài toán về rào cản ngoại ngữ, cũng viết được ứng dụng về công nghệ, và hiện nay là giải bài toán về vận hành doanh nghiệp, sale, marketing, quản trị nhân sự, dòng tiền…Luôn có những thứ để mình làm và bài toán để mình giải.
Quan điểm của em khi làm startup là một business có tạo ra giá trị cho xã hội hay không, có sinh ra dòng tiền dương hay không. Trào lưu startup hiện nay là gọi thật nhiều vốn, mở rộng công ty cho lớn rồi bán cổ phần (build to sell), nhưng cuối cùng founder lại thành đi làm thuê.
Em nghĩ rằng khi làm startup những người cộng sự của mình phải có thu nhập, không thể sống bằng niềm tin. Xem chương trình Shark Tank em rất tâm đắc với phát ngôn “ngáo giá”. Nhiều bạn làm công nghệ muốn thay đổi thế giới nhưng để thay đổi được đó là một chặng đường dài. Nếu bạn chưa thay đổi được chính bản thân mình và anh hàng xóm bên cạnh thì làm sao thay đổi được thế giới. Cũng giống như em muốn tạo ra sản phẩm học tiếng Anh thì bản thân mình phải giúp mình giỏi trước đã.
Nhiều startup bị luẩn quẩn trong việc đi gọi vốn, không tập trung vào core value để sinh dòng tiền và cuối cùng một ngày đẹp trời mình trở thành người làm thuê, công ty thì lỗ không biết bao giờ cash out được.
Đấy có phải là lí do em mở Teso?
Làm gì cũng vậy, những cộng sự đi cùng mình phải đảm bảo cho họ thu nhập ít nhất hoặc bằng thu nhập họ đang có. Không thể statup đốt tiền liên tục từ nhà đầu tư hay của co-founder.
Gia công phần mềm là ngành có thể được tiền luôn. Việt Nam là thị trường có nhân sự tốt, giá rẻ, có rất nhiều việc, làm không hết. Tập khách hàng của Teso là các khách hàng có tiêm lực tài chính trung bình trở lên, công việc không thiếu chỉ thiếu người làm.
Mình đang nói về gia công phần mềm, chủ trương của Chính phủ VN hiện nay muốn có các sản phẩm “make in VN”, người Việt Nam tạo ra sản phẩm của Việt Nam chứ không phải đi làm thuê. Cách làm của em có ngược lại không?
Em thì nghĩ em không đi ngược lại, thậm chí đang đi xuôi theo dòng chảy đó. Để tạo ra sản phẩm trí tuệ cao như AI, Deep learning, cần phải có dòng tiền rất lớn. Tiền ở đâu ra? Chẳng lẽ bán nhà để nuôi ước mơ rồi sao, Chính phủ có cho em vay tiền không?
Khi em gia công cho nước ngoài em có thể học hỏi họ rất nhiều. Nước ngoài đã có những sản phẩm như vậy, và chúng ta tư duy thực tế chứ không mông lung. Chúng ta có thể học các sản phẩm của nước ngoài và customize cho thị trường Việt Nam. Thế giới đã đi tên lửa rồi mình không phát minh lại bánh xe bò nữa.
Vậy ước mơ trở thành kỳ lân (unicorn – startup tỷ đô) thì sao?
Người Việt thông minh sáng tạo nhưng để tạo ra các sản phẩm thay đổi thế giới thì cần phải chờ điểm rơi của thị trường và sự chuẩn bị về mặt nhân sự, trình độ dân trí…Các kỳ lân ở thị trường nước ngoài họ có một business model và bộ máy vận hành rất lớn. Unicorn phải có thị trường, không chỉ thắng thị trường trong nước mà phải ra tầm châu lục. Những startup sinh ra ở Trung Quốc bản thân thị trường rộng lớn đã tự khắc trở thành unicorn rồi. Startup phải có tầm nhìn business mindset như vậy, muốn trở thành unicorn thì phải có công nghệ, con người, tài chính, …Tư duy phải thực tế mới biết mình đang ở đâu.
Muốn trở thành unicorn thì phải có core values thật tốt, và phải tự sống được bằng core values ấy. Có rất nhiều unicorn sống bằng tiền từ nhà đầu tư chứ không phải bằnd core values điển hình như we work, và cái kết trong thời gian tới có thể sẽ rất đau đớn.
Người ta thường nói để một startup phát triển thành kỳ lân thì bản thân founder phải nghĩ lớn (think big). Em có nghĩ em quá an toàn không?
Em nghĩ là “think big nhưng do small”. Quan điểm của em ưa mạo hiểm nhưng phải là mạo hiểm có kế hoạch chứ không đâm đầu vào tường.
Teso có thể đứng vững, sống khoẻ, có dòng tiền thì việc Clevertube tự thân được nuôi sống rất cao. Công ty mẹ có thể nuôi được nó. Các kỹ sư làm có kinh nghiệm cho thị trường nước ngoài, họ có thể ứng dụng kỹ năng vào làm cho Clevertube luôn, giảm được chi phí rất lớn, suy cho cùng các sản phẩm công nghệ đều là chất xám của con người.
Vậy Clevertube có chậm hơn so với các đối thủ của mình không?
Mỗi năm Việt Nam có 1,7 triệu sinh viên tốt nghiệp ai cũng cần phải học ngoại ngữ. Nếu tính về độ xanh thị trường thì tiếng anh là đại dương luôn xanh, luôn có khách hàng mới. Mình không quá quan tâm đến đối thủ, miễn mình làm tốt thị trường của mình, người dùng học ngoại ngữ có thể dùng 2-3 app để học, quan trọng là mình xây được core value hay không thôi.
Theo Trí thức trẻ