Tin tức Đời sống - xã hội
Phỏng vấn hỏi “Nếu mời bạn đi ăn, họ lại rủ thêm một đám người tới, bạn sẽ phản ứng thế nào?”: 2 câu trả lời được ở lại nhưng duy nhất 1 người được trọng dụng ở vị trí cao hơn!
Trước một tình huống bất ngờ được đưa ra, không ai có thể chuẩn bị trước nên chỉ thông qua câu trả lời, vị quản lý đã tìm thấy những năng lực khác nhau để có thể trọng dụng.
Có một công ty nọ đăng tin tuyển dụng tìm kiếm một quản lý kho bãi. Rất nhiều người tham gia ứng tuyển, mong có cơ hội được làm việc trong một đơn vị sản xuất đầu ngành. Buổi phỏng vấn tuyển dụng hôm đó, đích thân ông chủ cũng có mặt để tham gia sàng lọc các ứng viên.
Khi buổi phỏng vấn gần kết thúc, vị lãnh đạo bất ngờ đưa ra câu hỏi rằng: “Bây giờ tôi có một tình huống muốn hỏi mọi người ở đây, nếu các bạn mời bạn mình đi ăn, nhưng người bạn này lại rủ thêm cả một đám người khác cùng tới. Bạn sẽ ứng xử thế nào trước tình huống bất ngờ này?”.
Mặc dù không hiểu được câu hỏi của ông chủ có liên quan gì tới buổi phỏng vấn tuyển dụng, nhưng vì đó là lãnh đạo cao nhất, các ứng viên vẫn nghiêm túc đặt mình vào tình huống ấy để suy nghĩ phương án trả lời. Sau một vài phút suy nghĩ, bắt đầu có những cánh tay đưa lên.
Người đầu tiên trả lời rằng: “Theo tôi thấy, là một người trưởng thành thì dù là trong sự nghiệp hay đời sống cá nhân đều cần có các mối quan hệ. Việc mở rộng quan hệ xã giao, dù chỉ là biết mặt hay trở nên thân thiết đều là vô cùng quan trọng. Do đó, nếu như có cơ hội để làm quen với nhiều người hơn, nhất là thông qua bữa ăn lại càng dễ trở nên thân thiết, thì tại sao tôi lại không sẵn lòng tận dụng cơ hội đó để mở rộng vòng tròn xã hội của mình chứ?”.
Người thứ hai lại đưa ra câu trả lời khác: “Tôi cũng từng gặp tình huống tương tự như vậy. Khi tôi mời 1 đồng nghiệp cùng đi ăn, anh ta lại rủ thêm rất nhiều những người khác mà tôi không quen biết tới buổi gặp. Đã chẳng thân chẳng quen thì làm sao mà ăn uống vui vẻ được với nhau, nhưng không thể ngang ngược bỏ về ngay lúc đấy nên dù vô cùng tức giận, tôi vẫn kiềm chế cảm xúc của mình cho tới khi bữa ăn kết thúc.”
Các câu trả lời phong phú khác không ngừng được đưa ra, cho đến lượt người cuối cùng, anh ta khẳng khái nói: “Tính tôi là một người nguyên tắc cho nên tôi không chấp nhận hành động như vậy. Khi tôi đã mời họ ăn tức là tôi trân trọng muốn quan hệ thân thiết giữa cả hai. Nhưng khi họ tự ý rủ thêm rất nhiều người tham gia vào bữa ăn đấy mà không hề hỏi ý kiến của tôi, tức là họ không trả cho tôi sự tôn trọng tương xứng như vậy. Do đó, cho dù không nói thẳng ngay trước mặt thì tôi cũng sẽ tìm cách đề nghị tất cả mọi người cùng chia tiền bữa đó, và coi đấy như một lần tình cờ chung bàn tại quán ăn thông thường. Nếu không, xin thứ lỗi, tôi sẽ không chấp nhận tình huống như vậy”.
Sau khi yên lặng lắng nghe hết câu trả lời của từng ứng viên tham gia buổi phỏng vấn hôm đấy, ông chủ chỉ đồng ý cho hai người trong số đó trúng tuyển, một là người đầu tiên và hai chính là người đưa ra câu trả lời cuối cùng.
Người dám đứng dậy trả lời đầu tiên cho một câu hỏi tình huống hoàn toàn bất ngờ cho thấy tư duy khá nhanh nhạy và linh hoạt. Anh ta cũng có đủ sự tự tin vào chính mình để dũng cảm thể hiện năng lực của bản thân trước mặt người khác. Tuy nhiên, dựa vào câu trả lời đưa ra, lãnh đạo chỉ định anh ta trở thành một nhân viên của bộ phận quan hệ công chúng và đối ngoại do bản tính hướng ngoại, yêu thích xây dựng các mối quan hệ và giao tiếp với mọi người.
Chỉ có duy nhất ứng viên đã đưa ra câu trả lời cuối cùng được lãnh đạo bổ nhiệm vào vị trí quản lý kho quan trọng của bộ phận sản xuất. Khi được hỏi về lý do, ông đã nhận xét rằng, chỉ có người thứ ba thể hiện được rõ ràng nguyên tắc và mấu chốt của bản thân một cách minh bạch trong cả đời sống lẫn công việc. Mà người chịu trách nhiệm quản lý phải là người biết đặt nguyên tắc lên hàng đầu, không thể công tư bất phân, dẫn đến những sai lầm và hệ lụy gây hậu quả nghiêm trọng sau này.
Ở xã hội ngày nay, chúng ta không chỉ đánh giá một người có năng lực hay không bằng việc anh đã sở hữu bao nhiêu tài sản. Thay vào đó, bản lĩnh luôn được đánh giá dựa trên khả năng chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và một điều quan trọng hơn hết đó chính là nguyên tắc. Nguyên tắc là nền tảng để dẫn tới thành công. Nó giúp chúng ta giữ vững và bảo vệ giới hạn của chính mình. Người sống và làm việc có nguyên tắc thường biết cách từ chối những yêu cầu bất hợp lý để đảm bảo lợi ích của cá nhân và của cộng đồng được gìn giữ trong đúng khuôn khổ cho phép.
Chính những người giữ được nguyên tắc của bản thân cũng là người có tầm nhìn xa trông rộng. Anh ta sẽ không dễ dàng thỏa hiệp vì những lợi ích trước mắt cho nên luôn giữ được tâm trí tỉnh táo, có năng lực tự hỏi một cách độc lập, không dễ dàng bị phụ thuộc hay ảnh hưởng bởi bất cứ nhân tố ngoại cảnh nào khác. Những người như vậy mới có đủ năng lực để trở thành người thành công.
Nguyên tắc của một người có khi được thể hiện trong công việc, có khi được thể hiện ngay trong đời sống sinh hoạt cá nhân. Đến như các tỷ phú hàng đầu thế giới như Elon Musk, Oprah Winfrey, Warrent Buffet, Mark Zuckerberg hay Bill Gates đều có cho mình những nguyên tắc sống nhất định mà dù bận rộn tới mấy họ cũng luôn tuân theo. Ví dụ điển hình nhất chính là “quy tắc 5 giờ”: Họ dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày, hoặc 5 giờ mỗi tuần cho những hoạt động học tập và rèn luyện để không ngừng bổ sung thêm kiến thức và trí tuệ cho bản thân. 5 giờ đồng hồ đó thường được chia ra cho ba hoạt động chính đó chính là đọc, suy ngẫm và thử nghiệm. Đó không chỉ là cách họ giữ cho bản thân không ngừng phát triển, mà cũng là con đường xây dựng nên nhân tố quyết định thành công, đó là nguyên tắc.
Theo Trí thức trẻ