Tin tức BĐS

Những kiến nghị “cấp bách” của HoREA về chính sách phát triển nhà ở trước áp lực gia tăng dân số

 

Theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM, trong vòng 5 năm, số dân Tp.HCM sẽ tăng hơn 1 triệu người. Nếu TP không đề ra các mô hình phát triển nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số thì chỉ vài năm tới, nhu cầu nhà ở sẽ hết sức nan giải.

 

 

HoREA đã có những kiến nghị đối với cơ quan nhà nước nhằm giải quyết bài toán về nguồn cung cũng như sự phát triển của nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số nhanh của TP.

Thứ nhất,cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản – nhà ở. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội và phát triển loại căn hộ vừa túi tiền.

Thứ hai, đề nghị thành phố xem xét, sớm giải quyết các vướng mắc về thủ tục lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp; về thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sau khi đã có “Quyết định chủ trương đầu tư”; về thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở; về việc xử lý đối với phần diện tích đất rạch, bờ đất, đường thuộc Nhà nước quản lý nằm xen cài trong dự án nhà ở, thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án để khai thông ách tắc của thị trường bất động sản hiện nay.

 

Những kiến nghị “cấp bách” của HoREA về chính sách phát triển nhà ở trước áp lực gia tăng dân số - Ảnh 1.

 

Thứ ba, đề nghị thành phố sớm rà soát và hoàn thiện danh mục các dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng đô thị, giao thông, phát triển khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Thứ tư,  có chính sách “tạo điều kiện” về tín dụng cho người có thu nhập thấp đô thị để mua trả góp (thuê mua) nhà ở trong thời hạn tối thiểu 20 năm.

Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ suất vay mua nhà ở 900 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 4,7%/năm trong thời hạn 15 năm cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước Tp.HCM, đề nghị có giải pháp bổ sung nguồn vốn và mở rộng đối tượng được vay, hoặc lựa chọn đối tượng được vay theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo công bằng. Đồng thời, không để xung đột với chính sách nhà ở xã hội.

Thứ năm, đề nghị sử dụng hiệu quả công cụ quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị – nhà ở theo hướng thực hiện đô thị nén, đô thị xanh, đô thị thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh để thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở.

Thứ sáu, đề nghị quy hoạch phát triển các “khu đô thị bình dân”, “khu nhà ở vừa túi tiền” trở thành đô thị vệ tinh có đầy đủ tiện ích, dịch vụ, tạo được một số việc làm tại chỗ và kết nối giao thông thuận tiện; Sử dụng hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất công (thông qua đấu giá đất) và quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại để phát triển các dự án nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu hụt hiện nay; Đề nghị đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội.

Thứ bảy, đối với các quận ven và huyện thành, nên hạn chế việc phát triển các dự án nhỏ, trừ một số khu vực đặc thù; Quản lý chặt chẽ hoạt động tách thửa và xử lý nghiêm hoạt động phân lô bán nền trái phép dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch đô thị, đầu cơ tạo các cơn sốt ảo giá đất, khó thu hút các nhà đầu tư lớn.

Thứ tám, đề nghị cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

 

 

 

Theo Nhịp sống kinh tế