Tin tức BĐS

Nhà đầu tư như thiêu thân lao vào trái phiếu DN bất động sản

 

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động với sức nóng tăng lên từ cả phía cung và phía cầu. Nhà đầu tư trong nước mua tới 22.664 tỷ đồng (61.5%) trái phiếu doanh nghiệp BĐS.

 

Trong báo cáo về phát hành trái phiếu doanh nghiệp của CTCP Chứng khoán SSI ( SSI Research) vừa công bố sáng nay (3-9) cho thấy trái phiếu ngân hàng là nhóm có mức lãi suất thấp nhất và chủ yếu là lãi suất cố định. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản (BĐS) là nhóm có lãi suất cao nhất, bình quân 10%/năm và chủ yếu là thả nổi.

Cụ thể, theo SSI Research , trong 8 tháng đầu năm 2019, BĐS là lĩnh vực có các DN tham gia chào bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đông đảo nhất với 44/108 doanh nghiệp. Tổng lượng chào bán là 47.804 tỷ đồng nhưng chỉ có 36.946 tỷ đồng được phát hành, dư bán 10.858 tỷ đồng.

BĐS là lĩnh vực kinh doanh yêu cầu vốn lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, với các ngân hàng thương mại cũng phải áp hệ số rủi ro 50% với cho vay đảm bảo bằng nhà ở, quyền sử dụng đất; 200% với cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS (theo thông tư 36/2014/TT-NHNN) và hệ số này còn tăng lên cao hơn nữa trong dự thảo thông tư thay thế. Rủi ro cao hơn nên lãi suất trái phiếu BĐS thuộc nhóm cao nhất cũng là điều dễ hiểu.

Lãi suất trái phiếu bình quân của các trái phiếu BĐS phát hành 8 tháng đầu năm 2019 là 10.01%/năm. Chỉ có 4 doanh nghiệp huy động được trái phiếu có lãi suất từ 8% trở xuống. Nếu loại trừ các mức lãi suất này, lãi suất huy động bình quân đã lên đến 10.3%/năm.

 

Nhà đầu tư như thiêu thân lao vào trái phiếu DN bất động sản - Ảnh 1.

Chỉ có 8 lô phát hành của 5 doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành là 2.079 tỷ đồng trái phiếu có lãi suất từ 12%/năm trở lên (tương đương tỷ trọng 5.7%) trong đó cao nhất là 200 tỷ đồng phát hành ngày 8-4-2019 của CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) với mức lãi suất 14.45%/năm.

 

Đáng chú ý, trong tổng số 36.876 tỷ đồng trái phiếu BĐS được phát hành có 7.410 tỷ đồng (20.1%) được mua bởi các ngân hàng thương mại, 3.250 tỷ đồng (8.8%) được mua bởi các công ty chứng khoán và 22.664 tỷ đồng (61.5%) chỉ có thông tin chung chung là do nhà đầu tư trong nước mua.

Nếu căn cứ số liệu trên bảng cân đối kế toán ngày 30-6-2019 của 18 ngân hàng thương mại niêm yết, tổng số trái phiếu doanh nghiệp các ngân hàng nắm giữ là gần 230.5 ngàn tỷ đồng – tăng 65 ngàn tỷ đồng so với cuối năm 2018. Trong đó một số ngân hàng tăng rất mạnh là STB, CTG, SHB, MBB. Ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất vẫn là Techcombank.

Thực tế, so với cho vay, việc mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn vì các ngân hàng có thể bán lại một phần trái phiếu này cho các tổ chức, quỹ đầu tư và khách hàng cá nhân khi cần điều chỉnh các khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán.

Tuy nhiên, một số ngân hàng có thể sử dụng công cụ trái phiếu doanh nghiệp, thông qua các giao dịch tài chính phức tạp để cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành hoặc các mục đích khác. Để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn, mới đây, ngân hàng nhà nước đã có văn bản gửi đến các ngân hàng thương mại yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cho biết sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh trái phiếu BĐS, các ngân hàng đã mua 3.750 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp các lĩnh vực khác. Căn cứ trên công bố thông tin của các doanh nghiệp, có 9 ngân hàng thương mại đã mua vào 11.160 tỷ đồng, chiếm 9.6% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 8 tháng đầu năm 2019.Trong đó mua nhiều nhất là MBBank (3.770 tỷ đồng) rồi đến PVCombank (1.900 tỷ đồng), Techcombank (1.510 tỷ đồng), MSB (1.150 tỷ đồng)…

 

 

Theo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh