Tin tức BĐS

Ngưỡng tối thiểu thực hiện dự án PPP không dưới 200 tỉ đồng

Tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung đã trình bày báo cáo một số nội dung cơ bản của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Ngưỡng tối thiểu thực hiện dự án PPP theo từng lĩnh vực do Chính phủ quy định chi tiết nhưng không thấp hơn 200 tỉ đồng.

 

Ngưỡng tối thiểu thực hiện dự án PPP không dưới 200 tỉ đồng

Dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP, đồng thời bổ sung một số chính sách mới.

Về phạm vi áp dụng trong lĩnh vực đầu tư, từ thực tiễn triển khai PPP, dự thảo luật được thiết kế theo hướng lược bỏ các lĩnh vực không được triển khai theo hình thức PPP hoặc có triển khai theo PPP nhưng không hiệu quả hoặc không hấp dẫn khu vực tư nhân hoặc triển khai theo các hình thức đầu tư khác (xã hội hóa, đầu tư tư nhân).

Dự thảo luật quy định nguyên tắc ngưỡng tối thiểu thực hiện dự án PPP theo từng lĩnh vực do Chính phủ quy định chi tiết nhưng không thấp hơn 200 tỉ đồng (trừ dự án áp dụng loại hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (O&M) là dự án cung cấp dịch vụ, không có cấu phần xây dựng).

Về trình tự thực hiện dự án PPP, đối với dự án ứng dụng công nghệ cao, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện ngay sau khi quyết định chủ trương đầu tư.Sau đó nhà đầu tư trúng thầu sẽ tổ chức lập FS (báo cáo nghiên cứu khả thi) và thực hiện hợp đồng. Đối với dự án BT, chỉ được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư sau khi có thiết kế, dự toán.

Về các loại hợp đồng PPP, dự thảo luật (Điều 39) tiếp tục kế thừa các quy định hiện hành đang triển khai tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP với bảyloại hợp đồng cơ bản theo ba nhóm: thu phí từ người sử dụng – BOT, BTO, BOO, O&M; Nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ; đổi nguồn lực công lấy công trình – BT.

Đối với các dự án nâng cấp, cải tạo, không áp dụng nhóm hợp đồng mà doanh nghiệp dự án được kinh doanh thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng.

Về Hội đồng thẩm định dự án PPP, đối với các dự án quan trọng do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư phải được xem xét bởi Hội đồng thẩm định Nhà nước. Đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành.

Về cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, đa số ý kiến đề xuất lựa chọn phương án hình thành dòng ngân sách riêng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, bởi việc hình thành quỹ trong bối cảnh hiện nay rất khó khả thi, đồng thời bị hạn chế bởi Luật Ngân sách Nhà nước.

Đối với cách thức giải ngân vốn đầu tư công trong dự án PPP, khi dự án PPP sử dụng hỗn hợp vốn đầu tư công và vốn của nhà đầu tư, dự thảo luật quy định hai hình thức. Cụ thể: tách thành một dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP; giải ngân cho doanh nghiệp dự án theo hạng mục cụ thể với tỷ lệ, giá trị, tiến độ giải ngân được quy định tại hợp đồng (có thể tách thành các gói thầu sử dụng vốn đầu tư công để thuận tiện quản lý).

 

Doanh nghiệp được phát hành trái phiếu để huy động vốn

Về hoạt động của doanh nghiệp dự án, dự thảo bổ sung các nội dung về hình thức huy động như sau: doanh nghiệp dự án được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thực hiện dự án PPP sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng.

Doanh nghiệp dự án chỉ được phát hành trái phiếu theo quy định của luật này, có trách nhiệm huy động ngay vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư mà không được phát hành cổ phiếu đại chúng. Vốn huy động thông qua hoạt động phát hành trái phiếu không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào ngoài mục đích phục vụ dự án PPP.

Quyết toán vốn đầu tư xây dựng dự án PPP (Điều 55 dự thảo Luật), đối với phần vốn đầu tư công được tách thành một dự án thành phần, thực hiện thủ tục quyết toán theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đối với phần vốn đầu tư công được giải ngân theo gói thầu cụ thể quy định tại hợp đồng PPP, giá trị gói thầu đã giải ngân cho doanh nghiệp dự án được tổng hợp làm giá trị quyết toán trên cơ sở kết quả kiểm toán định kỳ.

Đối với vốn của nhà đầu tư, chi phí đầu tư được quyết toán là chi phí xây dựng công trình được xác định tại hợp đồng căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư và các chi phí về lãi vay, dự phòng (nếu có). Trường hợp doanh nghiệp dự án hoàn thành công trình, hệ thống hạ tầng trước thời hạn hoặc tiết kiệm được chi phí đầu tư được xác định tại hợp đồng, thì không phải điều chỉnh thời hạn hợp đồng hoặc mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ.

Về áp dụng loại hợp đồng BT, dự thảo luật (khoản 3 Điều 39) quy định ba cách thức thanh toán: bằng tài sản công theo quy định của pháp luật về tài sản công; bằng quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ khác; bằng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung, quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật, như Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật đất đai, Luật xây dựng… Trong khi đó, hiện khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như đảm bảo việc thực hiện dự án thành công.

 

 

Theo CafeLand